Theo đó, tiếp bước thành công của Hội thảo khoa học quốc gia “Hoạt động của tín đồ Phật tử với sự phát triển bền vững đất nước” được tổ chức tại chùa Khai Nguyên năm 2019. Hội thảo khoa học quốc gia “Phật giáo với việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế” năm 2020 tại thành phố Lào Cai.
Năm 2024, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ tư với chủ đề “Phát huy truyền thống “phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an Dân” của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường” tại Thủ đô Hà Nội – Thủ đô Ngàn năm văn hiến, chứa đựng biết bao dấu tích của Phật giáo thời Lý, Trần.
Hội thảo khoa học quốc gia do Ban Hướng dẫn Phật tử tổ chức đã trở thành hoạt động khoa học thường niên thu hút được đông đảo Tăng, Ni, Phật tử và Nhân dân, đặc biệt sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, hơn 1.000 người đã tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, Hòa thượng TS Thích Thanh Điện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương – Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Trải qua lịch sử hơn 2000 năm du nhập, đồng hành và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt đến nhà Lý (1010 – 1225), nhà Trần (1225 – 1400), đây được coi là thời kỳ phát triển cực thịnh của Phật giáo Việt Nam. Đạo Phật phát triển mạnh mẽ trong đời sống xã hội, đem an vui, hạnh phúc đến với toàn dân, thể hiện được tinh thần gắn kết, hòa đồng giữa Đạo với Đời, Đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam, đồng thời thể hiện truyền thống “phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an Dân” trong suốt quá trình hoằng dương Phật pháp.
Theo PGS.TS Dương Văn Sáu – Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chúng ta cần phải có đầu tư nghiên cứu để quy hoạch, xúc tiến đầu tư phát triển các điểm đến du lịch tâm linh qua đó giữ lịch sử, khai thác những giá trị của lịch sử, truyền thống hộ quốc an dân.
“Từ ngàn xưa cho đến nay, các điểm đến du lịch tâm linh là những nơi có cảnh thắng rất tuyệt vời, đó là những nơi linh địa, gửi gắm niềm tin của các thế hệ người dân, nơi để xả stress trong xã hội hiện đại và nơi để kết nối quá khứ và hiện tại” – PGS.TS Dương Văn Sáu nói.
Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng cho biết thêm, muốn phát triển được du lịch tâm linh từ những điểm đến phải giữ gìn cảnh quan, môi trường; Bản sắc văn hóa dân tộc, hồn cốt dân tộc; Phát triển khoa học công nghệ hiện đại. Khi làm tốt được 3 điều trên thì những điểm đến văn hóa sẽ phát triển được.
Theo đó, Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy truyền thống “phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an Dân” của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường”, hướng tới 3 mục đích như tổng hợp tri thức của Chư tôn đức Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni và tín đồ Phật tử; các nhà lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực, nhất là quản lý trên lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về truyền thống “phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an Dân” của Phật giáo Việt Nam thời kỳ Lý, Trần, nhằm đúc rút ra các bài học kinh nghiệm liên quan để vận dụng và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp đối với hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường.
Góp phần chia sẻ, lan toả truyền thống “phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an Dân” của Phật giáo Việt Nam đến quý vị Phật tử và Nhân dân để góp phần hoằng dương chính pháp, xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường.
Phát huy các giá trị tốt đẹp, nhân văn của Phật giáo nói chung, Phật giáo thời kỳ Lý, Trần nói riêng vào việc lý giải và giải quyết các vấn đề xã hội đương đại, tiếp tục thực hiện trong quá trình phát triển của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Hội thảo cũng là dịp để động viên, khích lệ các Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước tham gia tích cực vào các hoạt động Phật sự do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các tỉnh tổ chức theo tinh thần của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX: “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển” thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm vươn lên của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Được biết, đã có 285 bài viết tham luận của các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở nhiều ngành, lĩnh vực chuyên môn học thuật khác nhau. Sau khi nhận được sự góp ý, nhận xét phản biện của Hội đồng khoa học, số bài tham luận được lựa chọn in kỷ yếu là 165 bài.