Doanh nghiệp ngóng khách ngoại
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy khách quốc tế đến VN tháng 5 vừa qua ước đạt 916.300 lượt người, giảm 6,9% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, VN đón gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu 8 triệu khách mà ngành du lịch đặt ra cho cả năm nay đã đạt 57%. Lãnh đạo ngành du lịch cũng tự tin với đà tăng trưởng lượng khách như hiện tại cùng với nỗ lực quảng bá, xúc tiến, tổ chức các sự kiện du lịch, văn hóa hấp dẫn, du lịch VN có thể thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
Tổng cục Du lịch đánh giá động lực tăng trưởng chính cho thị trường khách quốc tế hiện nay đến từ Trung Quốc. Sau khi nước này mở lại tour du lịch theo đoàn đến VN từ ngày 15.3, lượng khách trong hai tháng 3 và 4 đạt gần 200.000 lượt. Trong đó, riêng tháng 4 có 112.000 lượt khách Trung thăm VN, tăng 62% so với tháng 3, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong các thị trường khách quốc tế.
Đây cũng là tháng đón lượng khách Trung Quốc cao nhất trong 3 năm dịch Covid-19. Thêm vào đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đang được các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả. Điều này khiến lượng tìm kiếm về du lịch VN tăng đáng kể. Theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về lưu trú du lịch VN xếp thứ 11 trên thế giới, nằm trong nhóm có mức tăng từ 10 – 25%. Chỉ có VN và Philippines là quốc gia thuộc Đông Nam Á nằm trong nhóm đầu thế giới.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ 2019, tổng lượng khách quốc tế đến VN mới đạt tỷ lệ phục hồi khoảng 50 – 60%. Riêng thị trường khách Trung Quốc mới chỉ bằng 22%. Không còn quá lo lắng về mục tiêu 8 triệu khách nhưng hầu hết các doanh nghiệp du lịch đều đang mong ngóng sức bật về thị trường khách quốc tế bởi sau 1 năm du lịch nội địa bùng nổ, người Việt đang có xu hướng đổ ra nước ngoài du lịch, doanh thu ngành dịch vụ trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn khi sức mua của du khách đang có dấu hiệu giảm.
Bà T.L, chủ một khách sạn 4 sao tại Nha Trang, cho biết đợt lễ 30.4 – 1.5 vừa qua, hệ thống khách sạn, nhà hàng tại TP biển ghi nhận mức doanh thu rất tốt, giúp các doanh nghiệp có được thêm nguồn tiền để duy trì hoạt động sau khoảng thời gian dài khó khăn. Mùa hè này, khách sạn của bà T.L cũng đã nhận booking khoảng 70% số phòng, trải đều từ nay đến hết tháng 8. Tuy nhiên, chủ yếu khách đặt phòng hiện nay vẫn là khách nội địa, là các gia đình đưa con cái đi chơi hè và tỷ lệ booking có thể cao đến như vậy là nhờ chương trình giảm giá tới 30%.
“Khách trong nước chi tiêu khá “chắc tay”, nếu so ra có khi chưa bằng 50% so với khách quốc tế. Đơn cử người nước ngoài đi du lịch cả ngày, đêm về họ vẫn gọi lễ tân đặt đồ ăn hoặc sử dụng các dịch vụ massage, giặt là… tại khách sạn. Người Việt mình gần như tuyệt đối không. Anh trai tôi cũng làm trong ngành du lịch, kinh doanh chuỗi nhà hàng và hệ thống massage dọc bờ biển mà đến giờ cũng mới chỉ dám mở lại 60% hoạt động vì chưa có nhiều khách quốc tế”, bà T.L nói.
Ghi nhận mức độ tăng trưởng du lịch mạnh mẽ, song hệ thống dịch vụ tại TP.HCM cũng đang phải đối mặt với tình trạng mất cân đối nguồn khách khi vẫn chủ yếu phụ thuộc thị trường nội địa. Chủ tịch Saigontourist Group Phạm Huy Bình thông tin kể từ thời điểm VN mở cửa du lịch trở lại vào tháng 3.2022 đến nay, lượng khách quốc tế đến VN tham gia dịch vụ lưu trú, lữ hành và các dịch vụ khác tại hệ thống Saigontourist Group đã bắt đầu tăng trưởng dần đều. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Saigontourist Group đón tiếp và phục vụ 750.000 lượt khách, tăng 89,4% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 285.000 lượt, chỉ chiếm 38% tổng lượng khách của tổng công ty. Các khách sạn 4, 5 sao tại trung tâm TP.HCM tuy đã đón tỷ lệ khách quốc tế cao hơn khách nội địa nhưng vẫn chưa thể bằng trước dịch Covid-19.
Kỳ vọng bứt phá nhờ các chính sách mới
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhận định khách quốc tế chậm đến VN là tình trạng chung do bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, sức mua yếu đi sau 3 năm dịch bệnh. Cầu không tăng mà cung quá lớn nên các DN vẫn khó khăn. Ngành du lịch cũng đã xác định trước rằng năm nay và năm sau vẫn chưa thể thoát khó. Trong bối cảnh đó, những chính sách mới về thu hút khách du lịch quốc tế liên quan đến visa đang được Quốc hội xem xét áp dụng được kỳ vọng sẽ tạo đà và là một trong những điểm mạnh để VN tăng sức cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh các nước lân cận hầu hết đều đã cởi mở về chính sách visa từ rất lâu.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng
Theo ông Dũng, khi cởi mở, thông thoáng hơn về chính sách visa thì du khách sẽ đến VN nhiều hơn, cạnh tranh điểm đến tốt hơn. Một vài thị trường có độ nhạy cao như Trung Quốc, nếu VN mở visa online thì lượng khách lẻ, khách gia đình chắc chắn sẽ lập tức tăng mạnh. Trước dịch, họ bắt buộc phải đi du lịch VN qua các công ty bảo lãnh, phải đi theo tour nên hiện nay vẫn chưa phục hồi. Bên cạnh đó, một số thị trường gần nếu được miễn visa đơn phương có thể thu hút được ngay. Các thị trường xa như khách từ châu Âu, châu Mỹ thì có độ trễ khoảng 6 tháng – 1 năm để họ lên kế hoạch và tích lũy thu nhập cho chuyến đi.
“Nhìn chung, những chính sách mới về visa nếu được thông qua sẽ là cú hích ngành du lịch bùng nổ vào 6 tháng cuối năm và năm 2024. Khách quốc tế vẫn là nguồn quan trọng nhất của hệ thống du lịch do mức độ chi tiêu, số ngày lưu trú. Khách quốc tế chưa phục hồi thì doanh nghiệp du lịch vẫn khó. Thị trường nội địa tăng mạnh là nền tảng cơ hữu để du lịch vực dậy, song yếu tố để tăng trưởng, đột phá thì phải là khách quốc tế”, ông Cao Trí Dũng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, cho rằng VN cần có thêm nhiều chính sách tập trung thu hút đối tượng khách có mức chi trả cao để cải thiện về “chất”. Chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế đến VN mặc dù có sự tăng trưởng trong giai đoạn 2009 – 2019, từ 91,2 USD lên 117,8 USD, nhưng vẫn ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, VN đang sở hữu rất nhiều tiềm năng để phát triển loạt sản phẩm mới, như du lịch golf. Trong năm 2017 và 2022, VN được vinh danh là điểm đến du lịch golf tốt nhất và đã tổ chức được những giải golf hàng đầu châu Á. Năm 2019, trong 5 triệu khách Hàn Quốc đến VN thì có hơn 1 triệu khách đi đánh golf, mang đến doanh thu hàng tỉ USD cho ngành du lịch. Chưa bao giờ có nhiều khách du lịch đến VN để chơi golf như hiện nay. Đây là đối tượng khách có mức chi tiêu cao gấp 2 – 3 lần đối tượng khách bình thường. Họ chi tiêu trung bình 200 – 300 USD/ngày, thời gian lưu trú 3 – 4 ngày.
“Mới đây, khách sạn của BRG ở Phú Quốc tổ chức đám cưới cho tỉ phú Ấn Độ, trong 5 ngày thu về doanh thu trên 7 tỉ đồng. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ điều chỉnh các chính sách, ban hành nhiều giải pháp để thu hút nhiều hơn dòng khách cao cấp chi tiêu lớn, lưu trú dài ngày”, bà Nguyễn Thị Nga dẫn chứng.
Chính phủ cần có thêm chỉ đạo triển khai chương trình, kế hoạch lớn tập trung vào việc khôi phục và phát triển du lịch. Đặc biệt, cần có những chính sách, kế hoạch, chương trình hành động mang tính đột phá thu hút khách quốc tế, trong đó, kiến nghị Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng phụ trách du lịch làm trưởng ban chỉ đạo. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn liên quan kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch đã bị ảnh hưởng quá nặng nề vì đại dịch…
Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Saigontourist Group