A Tourist’s Guide to Love giới thiệu nét đẹp phong cảnh, văn hóa Việt Nam. Ảnh: Netflix |
Thời gian qua, khi dịch vụ xem phim trên nền tảng trực tuyến nở rộ, bối cảnh trong những bộ phim dễ dàng đến với công chúng đã mở ra cơ hội để giới thiệu cảnh đẹp của đất nước và thu hút du lịch. Bên cạnh đó, những di tích, địa danh liên quan đến tác phẩm văn học đều có thể trở thành điểm đến hấp dẫn, “níu chân” du khách.
“Vì yêu thơ văn… mà đến”
“Du lịch văn học” là hình thức khám phá, tham quan các điểm đến gắn liền với các nhân vật, bối cảnh trong tác phẩm hoặc cuộc đời tác giả. Bảo tàng Sherlock Holmes, công viên Harry Potter, quê hương của đại văn hào Shakespeare, nhà văn J.K. Rowling, Ernest Hemingway, bối cảnh trong các tác phẩm “Đồi gió hú”, “Kafka bên bờ biển”… đều trở thành những nơi nổi tiếng thu hút du khách.
Tại Việt Nam, đã có một số nơi được khai thác theo hình thức “du lịch văn học” như: làng Vũ Đại (Hà Nam, trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao), Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên (Quảng Trị), Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh), Nhà bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương (Nghệ An), Lầu Ông Hoàng (Bình Thuận) gắn với câu chuyện của Hàn Mặc Tử…
Trải dài trên mảnh đất hình chữ S có hàng trăm địa danh, câu chuyện liên quan đến cuộc đời các văn nhân thi sĩ, các nhân vật trong tác phẩm. Những câu chuyện khiến du khách tò mò, ham khám phá. Và khi sự tiếp cận từ hướng du lịch, văn chương, lịch sử sẽ giúp du khách hiểu sâu, nhớ lâu về các di tích, nhân vật, sự kiện.
Nhiều du khách xem phim “Người tình” sau đó tìm đến tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Đồng Tháp). |
NXB Phụ nữ Việt Nam cũng tổ chức những chuyến thăm các di tích, lăng mộ liên quan đến các nhân vật trong tác phẩm. Bà Khúc Thị Hoa Phượng- Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam, cho biết lâu nay khi đến Huế, mọi người vẫn thường thăm những khu lăng mộ nổi tiếng như lăng các vua Tự Đức, Minh Mạng…
Nhưng khi thực hiện bộ tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân”, được thăm các di tích, lăng mộ của nhân vật trong tác phẩm, bà Hoa Phượng đã vô cùng xúc động. Trong dịp về miền Tây giới thiệu tác phẩm cũng đong đầy cảm xúc khi đến Gò Công thăm quê hương của Từ Dụ thái hậu, viếng lăng quốc công Phạm Đăng Hưng… Đó đều là những nơi ít người biết, không phải những địa danh phổ biến cho du khách tham quan.
Một nhóm bạn trẻ ở Vĩnh Long cũng kể lại trải nghiệm đầy thú vị khi đến TP Phan Thiết (Bình Thuận) thì tìm đến ngay Lầu Ông Hoàng để nghe hướng dẫn viên kể chuyện thi sĩ Hàn Mặc Tử.
Cả nhóm cũng không chần chừ bắt taxi đi một chặng đường khá dài chỉ để ăn một dĩa… kem flan Mộng Cầm, đắm mình trong câu chuyện tình giữa Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử. “Vì yêu thơ văn… mà đến”. Tất cả những câu chuyện lãng đãng trong sách vở, từ trang sách bước ra đời thực tạo chất xúc tác và sự hấp dẫn mạnh mẽ thôi thúc du khách tìm hiểu.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng, dù chưa được phổ biến và trở thành những tour du lịch thường kỳ, “du lịch văn học” tại Việt Nam vẫn đầy tiềm năng. Và nếu gắn mã QR tại các điểm đến cho du khách tự do tìm hiểu thông tin, kiến thức về lịch sử, văn hóa cũng là một trong những cách rất nên làm.
Mối duyên giữa điện ảnh và du lịch
A Tourist’s Guide to Love là bộ phim quốc tế đầu tiên được Bộ Văn hóa-TT-DL cấp phép quay tại Việt Nam ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế. Bộ phim Mỹ lên sóng Netflix ngày 21/4 và nhanh chóng lọt vào bảng xếp hạng phim thịnh hành tại nhiều quốc gia trên thế giới ngay tuần đầu tiên ra mắt. 90% cảnh quay trong phim được thực hiện tại nước ta, với bối cảnh mượt mà, giàu màu sắc. Vẻ đẹp các danh lam thắng cảnh được khắc họa xen kẽ các phân đoạn về tập quán văn hóa. Nhóm nhân vật khám phá cuộc sống náo nhiệt ở TP Hồ Chí Minh tại chợ Bến Thành; trải nghiệm thả hoa đăng trên sông Hoài, Hội An; học gói bánh chưng, chuẩn bị bữa cơm ngày Tết tại Hà Giang; hay xem múa rối nước ở Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa-TT-DL Tạ Quang Đông nhận định, bộ phim sẽ là tiền đề cho Netflix nói riêng và các nhà làm phim quốc tế nói chung có nhiều ý tưởng hơn nữa trong việc sản xuất các bộ phim tại Việt Nam. Một diễn đàn liên kết các thương hiệu du lịch- điện ảnh Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức trong thời gian tới tại Nha Trang- Khánh Hòa. Đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa-TT-DL đề cập đến sự gắn bó giữa điện ảnh- du lịch và kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển cả 2 lĩnh vực.
Trong quá khứ, cũng đã có khá nhiều bộ phim điện ảnh nước ngoài được quay tại Việt Nam như: phim Người tình (L’amant)- 1991; phim Đông Dương (Indochine)- 1992; phim Pan- 2015; phim Đảo Đầu lâu- Kong: Skull Island- 2017; phim Da 5 Bloods- 2019…
Đặc biệt khi phim Kong: Skull Island được công chiếu đã một lần nữa cho thấy điện ảnh là “thỏi nam châm” thu hút du khách, thúc đẩy du lịch phát triển. 2 địa điểm quay chính của bộ phim tại Quảng Bình là hệ thống hang Tú Làn và hồ Yên Phú đã tạo nên “cơn sốt” đón lượng lớn du khách.
Sau đó, đạo diễn của bộ phim- ông Jordan Vogt-Roberts đảm nhiệm vai trò đại sứ du lịch Việt Nam. Lần đầu tiên chọn một đạo diễn nước ngoài nổi tiếng, uy tín và có phạm vi phổ biến thế giới làm đại sứ du lịch Việt Nam, điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hình ảnh du lịch nước ta.
Vĩnh Long có nhiều nhà cổ đã được chọn làm bối cảnh phim. |
Ngay tại Vĩnh Long, khi đến thăm một số nhà xưa ở xã Phước Hậu và xã Long Phước (Long Hồ), chúng tôi nghe chủ nhà “khoe” có nhiều đoàn làm phim đã đến để dựng bối cảnh cho phim xưa. Cả huyện Long Hồ có 21 ngôi nhà xưa có niên đại từ thời nhà Nguyễn (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) còn gìn giữ nét đẹp truyền thống. Và hiện một số ngôi nhà được đưa vào phục vụ du lịch.
Chúng ta có tiềm năng du lịch phong phú nhưng cũng cần có những cách thức mới để quảng bá và thu hút du khách. Cùng với văn học, điện ảnh cũng góp phần tạo nên câu chuyện- chờ khai mở để du lịch thêm sức hấp dẫn.
Cần lưu ý khi xây dựng, quảng bá dòng sản phẩm này. Điển hình sau khi phim Người tình ra đời, đã tạo nên cơn sốt du khách chủ yếu đến từ Pháp và Nhật mua tour Mekong delta (chủ yếu là về Vĩnh Long), ngắm hoàng hôn trên sông Tiền, qua thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Nhưng khách chỉ đến cho biết ngắm nghía rồi về, chúng ta chưa xây dựng một liên tuyến tour hoàn chỉnh và công tác quảng bá, xây dựng câu chuyện thuyết minh, hướng dẫn còn quá sơ sài. Dòng đời sản phẩm tour thường rất ngắn ngủi, bởi chỉ đáp ứng tính tò mò chớ chưa đạt đến tầm mức khám phá, trải nghiệm và những dịch vụ xoay quanh, nên thiếu hấp dẫn, chiều sâu. Đây cũng là “khuyết tật” chung của du lịch Việt Nam.
|
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ