Nóng thế này, chỉ có tắm biển thôi!
Tranh thủ 5 ngày nghỉ lễ về quê với gia đình, Quốc Cường (ngụ Bình Tân, TP.HCM) mua vé tàu chặng Sài Gòn – Quảng Ngãi từ tối 26.4. Hành trình từ miền Nam chạy về miền Trung, cái nắng như đổ lửa khiến Cường “nổi gai ốc”. Tàu vừa mới về tới ga Quảng Ngãi lúc 11 giờ, thì 16 giờ, Cường đã “lao” ngay ra biển dù vừa trải qua hành trình dài 15 tiếng trên tàu khá mệt mỏi.
“Bình thường tôi về nhà ít ra biển tắm lắm, chỉ chơi loanh quanh trên bờ, ăn hải sản. Nhưng đợt này nóng điên luôn. Nóng thế này chỉ có tắm biển thôi. Chiều tôi tắm mà nước lạnh tê, đã luôn. Biển chỗ nhà tôi ít khách du lịch lắm mà vẫn đông, bởi cả khu này giờ ai cũng đổ ra biển hạ nhiệt hết”, Cường kể.
Tại Đà Nẵng cũng vậy, khác hẳn với những năm trước, điểm tham quan tại chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà, Q.Sơn Trà) khá thưa thớt. Đa số là khách nước ngoài đi theo đoàn. Trong khi đó, khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài (H.Hòa Vang) trong ngày đầu nghỉ lễ lại đón gần 5.000 lượt khách.
Dọc đường biển miền Trung hướng về Hà Tĩnh hai ngày đầu nghỉ lễ (27 và 28.4) chứng kiến cảnh hàng ngàn du khách thập phương đổ xô đến các khu, điểm du lịch biển ở các huyện: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để tắm mát “giải nhiệt” từ sáng sớm. Theo thống kê sơ bộ, lượng công suất đặt phòng lưu trú tại các khu du lịch biển Hà Tĩnh trong những ngày đầu kỳ nghỉ lễ đạt khoảng 80%, trong đó một số khách sạn đạt 90 – 100%.
Nếu các tỉnh duyên hải ven biển miền Trung “mở mắt ra là thấy biển”, người dân có thể giải nhiệt dễ dàng ngay gần nhà thì ở các đầu TP lớn vùng đồng bằng như Hà Nội, TP.HCM, nhiều gia đình sẵn sàng chạy xe hàng trăm cây số để tới các bãi biển gần nhất trốn nóng.
Ngay từ ngày đầu nghỉ lễ, phố biển Cửa Lò (Nghệ An) đã đón hàng vạn du khách về giải nhiệt trước cái nóng đỉnh điểm. Các tuyến đường đổ về TX.Cửa Lò như đường Bình Minh liên tục tắc nghẽn cục bộ tại nhiều điểm. Theo thông tin từ Phòng Văn hóa – Thông tin TX.Cửa Lò, trước mùa du lịch vài tháng, các công ty du lịch và lữ hành đã đặt mua trọn gói các phòng khách sạn và nhà nghỉ chất lượng cao có vị trí đắc địa, tầm nhìn đẹp. Tỷ lệ đặt phòng cho dịp lễ này tại các khách sạn và cơ sở lưu trú đạt hơn 90%. Đặc biệt, khách sạn 3 sao trở lên đã kín phòng. Với tỷ lệ gần kín phòng đến thời điểm hiện tại, ngành du lịch Cửa Lò kỳ vọng sẽ đón khoảng 200.000 lượt khách riêng mùa lễ 30.4 – 1.5 này, đạt 4,15 triệu lượt khách trong mùa du lịch năm 2024, “bỏ túi” 200 tỉ đồng doanh thu từ du lịch, tăng 18% so với năm 2023.
Phía tây Nghệ An được ví là “chảo lửa”, nhưng bù lại được thiên nhiên ban tặng nhiều thác nước và khe suối mát lành. Vì thế, không chỉ có biển Cửa Lò mà những vùng núi hoang sơ, các khe suối tự nhiên, hồ đập nuôi trồng thủy sản hay điểm du lịch cộng đồng như thác khe Kèm (Con Cuông), thác Sao Va trên dòng Nậm Việc (Quế Phong), thác Nha Vang (Tương Dương), thác Rồng (Kỳ Sơn), quần thể thác 7 tầng (Quế Phong), thác Mưa (Thanh Chương)… cũng được hàng ngàn du khách lựa chọn để trải nghiệm trong dịp lễ này.
Gần đó, bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong suốt những ngày nghỉ lễ vừa qua không lúc nào thoát khỏi hình ảnh người ken đặc. Do lượng du khách đổ về tắm biển quá đông, lực lượng cứu hộ bãi biển phải thường xuyên túc trực, nhắc nhở du khách tắm biển, nhằm đảm bảo an toàn.
Thời điểm “vàng” để khởi động cao điểm hè
Kinh doanh chuỗi dịch vụ lưu trú ở Vũng Tàu và Nha Trang, anh Thành Nam (ngụ Vũng Tàu) cho biết từ trước lễ một tháng, toàn bộ 3 căn condotel tại Vũng Tàu và 2 homestay tại Nha Trang của anh đã “full” phòng. Thậm chí đến ngày nghỉ lễ dịp này, vẫn có khách gọi điện hỏi đặt phòng.
“Với tình hình thời tiết như hiện nay, chắc chắn xu hướng du lịch từ nay đến hè sẽ là tránh nóng. Các điểm đến vùng biển di chuyển dễ dàng như Nha Trang, Vũng Tàu, Quy Nhơn… hay vùng núi mát có nền nhiệt thấp hơn như Đà Lạt, núi Bà Đen, Bà Nà Hills sẽ hút khách rất mạnh từ giờ tới hè. 5 ngày nghỉ lễ đang tạo đà rất tốt để ngành du lịch đón mùa cao điểm hè rực rỡ”, anh Nam nhận định.
Đại diện Công ty Vietravel cũng nhìn nhận việc Chính phủ đồng ý kéo dài kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5 giúp ngành du lịch có được đòn bẩy quan trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài, ngành du lịch hứng chịu sức ép lớn từ việc tăng trần giá vé máy bay nội địa từ đầu tháng 3. Đáng chú ý, yếu tố thời tiết cũng góp phần ảnh hưởng đến xu hướng chọn tour của du khách. Phần lớn khách hàng khi đến Vietravel đều lựa chọn các hành trình có điểm đến là biển như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang; hoặc các điểm du lịch có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, miền Tây… Đối với du khách TP.HCM, các điểm đến du lịch gần như Phan Thiết, Vũng Tàu… cũng được khách hàng đăng ký khá nhiều.
“Thành công của kỳ nghỉ 30.4 – 1.5 sẽ là tiền đề để các công ty du lịch nắm bắt xu hướng, xây dựng những bộ sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách và có thêm nhiều chương trình hấp dẫn cho mùa cao điểm hè sắp tới”, đại diện Công ty Vietravel kỳ vọng.
Nắm bắt xu hướng du lịch tránh nóng sẽ lên ngôi trong mùa hè này, nhiều địa phương cũng đã tập trung tổ chức các lễ hội du lịch biển ngay từ mùa lễ 30.4 – 1.5 để tăng sức hấp dẫn thu hút khách cho những tháng hè sắp tới. Tiêu biểu như Lễ hội Du lịch Cửa Lò năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc, khẳng định hình ảnh một thành phố biển phát triển vươn tầm trong tương lai; Carnaval Hạ Long với chủ đề “Bừng sáng cùng kỳ quan”; Sa Pa tổ chức Lễ hội Hoa hồng năm 2024 tại Sun World Fansipan Legend từ ngày 27.4 đến hết 30.6…
Mới nhất, Bộ VH-TT-DL cũng định hướng, đề nghị các địa phương triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt – VN tôi yêu”. Theo đó, chương trình sẽ được triển khai với những nội dung cụ thể, các chương trình du lịch mới, gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch nội địa.
Khách quốc tế đến VN vượt mốc 6,2 triệu lượt
Theo thông tin từ Cục Du lịch, trong tháng 4, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, VN đón 6,2 triệu lượt khách quốc tế. Con số này tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 237.300 tỉ đồng, tăng 15,3%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 19.400 tỉ đồng, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm 2023. Lãnh đạo Cục Du lịch nhận định khu vực châu Á và châu Âu là động lực chính cho tăng trưởng khách quốc tế 4 tháng đầu năm. Trong đó, khách từ châu Á tăng 77,2%, châu Âu tăng 63,8%.