Nhắc đến Thanh Hoá, từ bao năm qua, người ta nghĩ ngay đến thế mạnh về du lịch với đường bờ biển dài 102km. Trong đó, có nhiều bãi tắm đẹp, sóng êm như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa… cùng với đó là các khu du lịch sinh thái ở miền núi như: Bến En, Pù Luông, Xuân Liên, Cửa Đạt, Thác Mây, Thác Muốn… có cơ hội phát triển thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng trọng điểm cả nước.
Du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón hàng triệu lượt khách mỗi năm
Điểm nhấn du lịch xứ Thanh
Thanh Hóa là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có hệ thống di tích lịch sử – văn hóa dày đặc, với hơn 1.500 di tích được kiểm kê, xếp hạng, trong đó phải kể đến như: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, Di tích Am Tiên… Nổi bật nhất là Thành Nhà Hồ, di sản văn hóa thế giới.
Nói không ngoa, nhiều người còn ví Thanh Hóa là “Việt Nam thu nhỏ”. Bởi ở vùng đất xứ Thanh – nơi có bề dày truyền thống lịch sử, có tài nguyên du lịch phong phú từ rừng đến biển; từ du lịch tâm linh đến du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Và du lịch Thanh Hóa sẽ trở thành điểm nhấn trong lòng du khách thập phương.
Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này. Và thực tế mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, du lịch.
Vườn quốc gia Bến En được xem là “Vịnh hạ long” trên núi rừng xứ Thanh
Cụ thể, trong 5 năm qua, ngành du lịch Thanh Hóa có mức tăng trưởng khá, cả về khách du lịch đến nghỉ dưỡng và thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch. Số liệu từ Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đón 38,524 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 49.823 tỉ đồng; có 18 quy hoạch phát triển du lịch được lập và điều chỉnh bổ sung; triển khai 330 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.
Đến nay, toàn tỉnh có 80 dự án đầu tư kinh doanh du lịch đã và đang triển khai, với tổng vốn đăng ký gần 145.500 tỉ đồng như: quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, dự án quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương; dự án Flamingo Linh Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa.
Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Sun Grand Boulevard ở Sầm Sơn. (Ảnh phối cảnh)
Dù thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, trong đó có bất động sản du lịch nhưng thời gian tới, dự kiến, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục thu hút nhiều dự án du lịch có quy mô lớn như dự án khu du lịch của Tập đoàn Flamingo Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa; dự án TNG Hà Long Golf & Resort…
Thanh Hóa là địa phương có vị trí quan trọng, là cửa ngõ kết nối giao thông trực tiếp đến vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ và các tỉnh khu vực Bắc Lào. Hiện nay, hệ thống giao thông của tỉnh Thanh Hóa có đầy đủ 5 phương thức, gồm: đường bộ, hàng không, đường sắt, cảng biển và đường thủy nội địa nên là một lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển du lịch.
Đơn cử như Sầm Sơn – cuối năm 2020, dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Sầm Sơn trị giá hơn 1 tỷ USD do Sun Group đầu tư chính thức khởi công, đem đến thành phố này một “làn gió mới”, mở ra cơ hội bứt phá mạnh mẽ cho du lịch Sầm Sơn.
Mới đây, Sun Group chính thức gọi tên dự án đẳng cấp đầu tiên tại Sầm Sơn là Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Sun Grand Boulevard, bao gồm Tổ hợp nhà phố thương mại, các khách sạn boutique, tòa nhà cao tầng hỗn hợp ôm trọn trục đại lộ dài 2,6km, rộng 120m.
Sun Grand Boulevard được định hướng trở thành trung tâm giải trí – kinh doanh thương mại – nghỉ dưỡng chất lượng cao. Bên cạnh bổ sung hệ thống hạ tầng du lịch hiện đại cho thành phố biển, các hạng mục quảng trường biển rộng 2ha, trục đại lộ đẳng cấp bậc nhất Việt Nam sẽ đem đến cho nơi này những công trình điểm nhấn ấn tượng, là nơi diễn ra thế giới lễ hội sôi động do Sun Group đồng hành tổ chức, thu hút hàng triệu du khách đổ về Sầm Sơn cả 4 mùa trong năm.
Có thể nói Sun Grand Boulevard đã kích hoạt tiềm năng du lịch biển Sầm Sơn. Thời gian tới, hàng loạt dự án nghìn tỷ tiếp tục được tập đoàn này triển khai tại Thanh Hóa, tạo nên hệ sinh thái tầm cỡ quốc tế, bao gồm công viên giải trí Sun World, Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Đơ, dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, dự án khoáng nóng Quảng Xương…
Hệ sinh thái Sun Group được kỳ vọng đưa du lịch xứ Thanh “cất cánh”, như cách mà “ông lớn” này đã đưa du lịch Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nam Phú Quốc bứt phá ngoạn mục trong thời gian ngắn…
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Đột phá để du lịch xứ Thanh “cất cánh”
Mới đây, báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa năm 2022 tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII cho thấy, du lịch là một trong những điểm sáng trong tổng thể bức tranh kinh tế của địa phương.
Thống kê cho thấy, năm 2022, ngành Du lịch ước đạt 11,01 triệu lượt khách, bằng 110,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần năm 2021 (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 245 nghìn lượt khách, gấp 11,5 lần); tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, bằng 111,8% kế hoạch, gấp 4 lần năm 2021. Dấu mốc 2022 là cơ sở để Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đón được 16 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt 45.500 tỉ đồng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, thuộc nhóm các địa phương có ngành Du lịch phát triển của cả nước.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch Thanh Hóa, hiện nay hệ thống quy hoạch các khu, điểm du lịch của tỉnh không ngừng được cập nhật, điều chỉnh nhằm phù hợp với nhu cầu thị trường và ý tưởng đầu tư của doanh nghiệp.
Bằng các chủ trương, chính sách đúng đắn, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, đến nay Thanh Hóa được biết đến là điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển du lịch trong cả nước. Nhằm tạo bước đột phá cho phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh chủ trương ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 – 2027, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để du lịch Thanh Hóa cất cánh trong thời gian tới.
Theo đó, có 5 nhóm giải pháp quan trọng gồm: Phát triển sản phẩm du lịch Thanh Hóa theo hướng đa dạng loại hình, nâng cao giá trị. Tiếp tục phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; Đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nhằm phục hồi ngành Du lịch; Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn”; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở; Phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao.