Thanh Hóa được biết đến là vùng đất có nhiều nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, trải dài từ miền núi, trung du đến ven biển và hải đảo.
Hạ tầng giao thông đầu tư đồng bộ, kết nối cao tốc đã rút ngắn khoảng cách địa lý, thời gian di chuyển, mở rộng liên kết vùng… Đó là thế mạnh, tiềm năng để du lịch Thanh Hoá thay đổi, phát triển.
Những con số biết nói
Theo thống kê của Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá, năm 2023, có khoảng hơn 12 triệu lượt khách đến du lịch, tham quan, tăng 12,5% so với năm 2022, đạt 103,5 % kế hoạch năm 2023. Trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt: 615.200 lượt khách, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch 2023.
Tổng thu du lịch ước đạt 24.500 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2022, đạt 101,2% kế hoạch năm 2023, tổng thu từ khách du lịch quốc tế ước đạt: 257.430.000 USD, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2022, đạt 109,2% kế hoạch năm 2023.
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, tuyến đường cao tốc Mai Sơn – QL45 khánh thành đi vào hoạt động đã thu hút nhiều du khách. Thống kê cho thấy, trong dịp này, Thanh Hóa là địa phương đón nhiều khách du lịch nhất cả nước với 1,2 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 2.860 tỷ đồng.
Năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và Thanh Hoá nói riêng tăng cao do chính sách visa thông thoáng của Chính phủ đã tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Việt Nam dễ dàng hơn.
Đặc biệt, việc Trung Quốc mở cửa lại cho hoạt động du lịch đã tạo nên sự tăng đột biến đối với thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Thanh hoá (chiếm gần 30%) tổng lượng khách quốc tế đến Thanh Hoá.
Hiện tại, theo khảo sát, đánh giá, Khu du lịch Pù Luông ở Bá Thước là địa điểm thu hút khách du lịch quốc tế nhiều nhất trong tỉnh.
Ngoài ra, tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng đã và đang đón lượng khách du lịch quốc tế công vụ (du lịch kết hợp tham gia hội nghị, hội thảo, tìm kiếm đối tác…).
Để đạt được kết quả trên có nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến các sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác như: Quảng Trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các họat động biểu diễn nghệ thuật đường phố; tour du lịch Đảo Mê, các trò chơi xe địa hình không vô lăng, đường đua công thức F1, trượt cỏ, bắn súng sơn; tour du lịch ra đảo Nẹ, dù lượn…
Bên cạnh đó, Thanh Hoá đã thực hiện nhiều chiến dịch xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch, liên kết với các tỉnh, thành phố lớn để kết nối đưa khách đến Thanh Hóa như: Tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; Phối hợp Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch “Một hành trình – Bốn địa phương – Nhiều trải nghiệm” tại Hà Nội 2023; Lễ công bố tuyến du lịch kết nối các huyện: Yên Định – Cẩm Thủy – Vĩnh Lộc – Thọ Xuân…
Điều đặc biệt nhất là năm 2023, việc thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua Thanh Hóa đã rút ngắn được thời gian đi lại từ các tỉnh phía bắc, người dân và du khách đi từ Hà Nội đến Thanh Hoá xuống còn 2 giờ đồng hồ – đây là thị trường khách chiếm thị phần lớn trong lượng khách nội địa đến Thanh Hóa (chiếm trên 65%).
Mặt khác, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam có ý nghĩa rất lớn trong việc kích cầu du lịch đến với các huyện phía Tây và Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa, góp phần thuận lợi cho việc liên kết các điểm trong tỉnh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại Thanh Hóa.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá) nhấn mạnh: Với lợi thế hạ tầng này, ngành sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư du lịch, hình thành các trọng điểm du lịch mới với những lợi thế về tài nguyên sông, hồ, đồi, núi, rừng nguyên sinh, hình thành sản phẩm, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp.
Từ đó tạo đối trọng với sản phẩm du lịch biển – vốn đang là thế mạnh của tỉnh; góp phần hiện thức hóa du lịch Thanh Hóa – “Hương sắc bốn mùa” và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Giao thông đồng bộ, du lịch bứt phá
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam nối từ Hà Nội đến Cần Thơ là một trong những trục dọc giao thông có ý nghĩa quan trọng của đất nước, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1, đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao giữa hai miền Nam – Bắc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, tuyến đường cao tốc hoàn thành có ý nghĩa và vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương trên mọi phương diện.
Cùng với mạng lưới đường địa phương, đây sẽ là tuyến đường xuyên suốt nối liền các vùng huyện, vùng kinh tế, vùng du lịch của tỉnh; thúc đẩy giao thương kinh tế xã hội của các vùng huyện và của tỉnh Thanh Hóa với các khu vực trong cả nước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ rõ, tuyến cao tốc Bắc – Nam đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm tải lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 1 và trên các tuyến đường của địa phương; Kết nối với mạng lưới đường địa phương thông qua các nút giao liên thông với các tuyến đường QL217B, QL217, QL47, QL45, Nghi Sơn – Bãi Trành, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có nhiều điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách nước ngoài như biển Sầm Sơn, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh…
Với vai trò địa lý, thuận lợi, xác định rõ lợi thế của tỉnh, ngoài các tuyến đường kết nối hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đang nghiên cứu xây dựng thêm các tuyến đường mới để kết nối thuận tiện hơn nữa giữa đường cao tốc nối với khu du lịch Bến En, khu tâm linh Am Tiên.
Cùng với việc Thọ Xuân trở thành Cảng hàng không quốc tế thì trục cao tốc sẽ là trục giao thông đường bộ đối ngoại để kết nối các điểm du lịch Thanh Hóa với các điểm du lịch của các tỉnh láng giềng như khu di sản văn hóa thế giới và thiên nhiên Tràng An, Bái Đính, Cửa Lò và các tỉnh khác trong nước cũng như các nước trên thế giới.
Thanh Hoá có gần 1.600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Trong đó có hơn 140 Di tích cấp Quốc gia; 1 Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ; 5 Di tích Quốc gia Đặc biệt (Lam Kinh, Đền thờ Lê Hoan, Đền bà Triệu, hang Con Moong, thắng tích Sầm Sơn)…