Diễn ra trong hơn 20 ngày (từ 8/4 – 30/4), lễ hội “Tam Kỳ – Mùa hoa sưa” không chỉ thành công về công tác tổ chức mà còn giúp du lịch, dịch vụ của thành phố “thắng lớn”; qua đó tạo tiền đề thuận lợi cho chuỗi các sự kiện văn hóa – thể thao – du lịch sẽ được tổ chức trong thời gian tới.
“Thành phố hoa sưa vàng”
Vẫn giữ những giá trị truyền thống vốn là “đặc sản” của lễ hội, du khách đến với “Tam Kỳ – Mùa hoa sưa” năm 2023 thật sự mãn nhãn với ngày hội áo dài, đám cưới tập thể, hô hát bài chòi, âm nhạc đường phố, viết thư pháp hay trải nghiệm không khí rộn rã của cuộc đua thuyền truyền thống hoặc không khí trầm mặc của sân chơi trí tuệ cờ làng.
Ngoài ra, không gian lễ hội năm nay còn được mở rộng đã thu hút đông đảo du khách và tạo thêm cơ hội để khám phá làng quê Hương Trà qua những điểm check-in vườn cúc họa mi, vườn hoa hướng dương, các địa chỉ văn hóa lịch sử đình làng Hương Trà, mộ Giày…
Với hơn 20 hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực, lễ hội “Tam Kỳ – Mùa hoa sưa” năm 2023 đã làm thỏa mãn nhu cầu tham quan, du lịch trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên của du khách. Qua đó, quảng bá vẻ đẹp độc đáo của hoa sưa Vườn Cừa trăm năm tuổi cùng bản sắc văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Đây cũng là dịp góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu “Tam Kỳ – Thành phố hoa sưa vàng” gắn với hình thành điểm du lịch “Làng sinh thái Hương Trà”, trở thành một trong những điểm đến trong địa chỉ du lịch của tỉnh.
Thời điểm diễn ra lễ hội “Tam Kỳ – Mùa hoa sưa”, trên cả nước nói chung và miền Trung nói riêng gần như không có lễ hội nào đáng chú ý. Nhờ đó, Tam Kỳ được “hưởng lợi” khi trở thành điểm lựa chọn đầu tiên của nhiều du khách.
Không những vậy, thông tin về lễ hội hoa sưa cũng có “đất” trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, góp phần quảng bá mạnh mẽ thương hiệu du lịch Tam Kỳ.
Theo ông Nguyễn Hồng Lai – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, với vai trò ban tổ chức, những sự kiện, hoạt động trong chương trình lễ hội đã được tổ chức thành công theo đúng kế hoạch đề ra, thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, giới thiệu làng sinh thái Hương Trà và các địa chỉ du lịch trên địa bàn thành phố.
Kích cầu du lịch
Trong 20 hoạt động văn hóa, thể thao có những hoạt động lần đầu tiên diễn ra với quy mô lớn như giải đua xe đạp các câu lạc bộ mở rộng thu hút gần 200 vận động viên của 35 câu lạc bộ đến từ TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi hay giải đua thuyền truyền thống mở rộng với sự tham gia của nhiều thuyền đua của các địa phương trong tỉnh.
Theo ông Lai, các sự kiện của lễ hội năm nay cũng được nâng tầm, đổi mới, đặc biệt là khai trương tuyến du lịch Tam Kỳ – Núi Thành – Phú Ninh nhằm khai thác tiềm năng du lịch của 3 địa phương.
Đồng thời, phát huy nội lực của người dân Hương Trà (Hòa Hương) trong việc tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng như khôi phục, tổ chức ngày hội làng Hương Trà, các làng nghề truyền thống và sản phẩm ẩm thực của địa phương; hình thành các điểm check-in mới với sự vào cuộc của người dân như vườn cúc họa mi, vườn hoa hướng dương, vườn cây ăn trái và các dịch vụ homestay kèm theo phục vụ khách tham quan, lưu trú.
Chia sẻ thêm về tác động của lễ hội đối với kích cầu du lịch, dịch vụ tại địa phương, ông Lai cho biết năm nay số lượng khách đến với lễ hội tăng hơn rất nhiều so với năm trước.
Lợi ích mang lại cho người dân Hương Trà, phường Hòa Hương nói riêng, thành phố nói chung rất lớn; nhiều hộ dân nhân dịp lễ hội đã tổ chức kinh doanh, phục vụ dịch vụ mang lại nguồn thu. Đây là bước phát triển của du lịch thành phố theo hướng nhà nước đầu tư, kích thích để đem lại nguồn lợi cho người dân còn người dân tham gia các hoạt động lễ hội, từ đó giúp phát triển du lịch bền vững.
“Thông qua lễ hội lần này có sự tác động rất lớn trong việc thực hiện đề án phát triển du lịch của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Số lượng du khách, nhất là du khách nước ngoài, các tỉnh, thành phố đến lễ hội khá đông. Thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng làng sinh thái Hương Trà, các địa điểm du lịch khác trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp làm du lịch đầu tư nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế du lịch của Tam Kỳ, phấn đấu đưa Tam Kỳ trở thành địa chỉ du lịch trọng điểm phía nam của tỉnh” – ông Lai nói.
Định hướng phát triển du lịch Tam Kỳ theo hướng du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng kết hợp với vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hóa, lịch sử. Thời gian qua, địa phương tập trung xây dựng và nâng tầm các sản phẩm du lịch như không gian biển Tam Thanh (gồm làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, quảng trường biển và bãi tắm Hạ Thanh), di tích lịch sử địa đạo Kỳ Anh – bãi sậy sông Đầm, công trình văn hóa quốc gia tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, làng sinh thái Hương Trà, tuyến du lịch đường sông từ làng Hương Trà đi đến vườn sinh thái Tam Ngọc và khu du lịch hồ Phú Ninh. Mục tiêu đến năm 2030, hình thành hệ thống dịch vụ du lịch đạt chuẩn, đưa du lịch Tam Kỳ trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh.