Trại rắn Đồng Tâm được xem là “vương quốc” của các loài rắn ở Việt Nam. Thời gian qua nơi đây đang bảo tồn hàng nghìn con rắn thuộc hơn 50 loài khác nhau, trong đó có nhiều loài rắn cực hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, đây còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút hàng chục ngàn du khách mỗi năm…
Trại rắn Đồng Tâm được thành lập tháng 10/1977, nằm địa bàn ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, cách thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khoảng 9km về hướng Tây. Trại rắn được thành lập theo sáng kiến của bác sĩ Trần Văn Dược (Tư Dược) - một người có kiến thức về rắn và say mê công việc nguy hiểm này. Mục đích nuôi rắn của ông Tư Dược là nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài rắn quý hiếm có trong sách đỏ đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Đến năm 1979, Trại rắn Đồng Tâm thành lập Khoa cấp cứu (điều trị rắn cắn). Từ khi thành lập đến nay, đội ngũ quân y ở trại rắn đã cứu sống hàng chục nghìn người bị rắn cắn, trung bình khoảng 1.000 ca/năm. Có những trường hợp, người bị rắn cắn khi chuyển đến khoa điều trị đã ngưng thở nhưng vẫn được cứu sống. Người dân ở ĐBSCL mừng nhất là điều trị tại đây, bệnh nhân chỉ trả tiền huyết thanh, mọi chi phí điều trị khác đều miễn phí.
Nuôi rắn lấy “nọc”
Theo chia sẻ từ bác sĩ Lê Văn Tâm - Phó Chủ nhiệm khu điều trị rắn độc của trại, vùng ĐBSCL đặc điểm sông nước là điều kiện thuận lợi để loài rắn lục đuôi đỏ sinh sôi. Nguy hiểm hơn, loại rắn này sinh sản trực tiếp ra con (các loại rắn khác sinh ra trứng). Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Khoa Cấp cứu điều trị rắn cắn tiếp nhận, điều trị khoảng 1.000 ca, trong đó bị rắn lục đuôi đỏ cắn chiếm từ 60-70%.
Hướng dẫn thêm về cách xử lý bước đầu nếu bị rắn cắn, bác sĩ Tâm cho biết, nếu bị rắn cắn, chưa biết rắn độc hay không, cần rửa sạch vết cắn, băng lại như một vết thương và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ, sơ cứu, rồi đưa đến cơ sở điều trị có huyết thanh kháng nọc rắn kịp thời.
Theo chia sẻ của đội ngũ quân y ở trại rắn, cứ 3 tháng lấy nọc độc 1 lần, nọc này dùng làm huyết thanh để điều trị rắn cắn, đồng thời thực hiện chế biến các loại dược liệu khác phục vụ cho sức khoẻ con người. Nọc rắn sau khi được lấy sẽ chuyển đến xưởng chế biến dược liệu của Trại rắn Đồng Tâm để bảo quản, sau đó sẽ bào chế ra nọc thô.
Là người gắn bó với trại rắn từ thời kỳ đầu với hơn 30 năm kinh nghiệm làm ở xưởng chế biến dược liệu, Trung tá Trần Trung Hiếu cho biết, nọc thô dùng để chế biến huyết thanh chữa người bị rắn cắn và sản xuất một số loại dược liệu khác. Nọc rắn cực độc nên khi xử lý tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Dù biết công việc hàng ngày ảnh hưởng đến sức khoẻ, hơi của nọc rắn rất độc, có thể gây khó thở và một số triệu chứng nguy hiểm khác, nhưng nhiệm vụ ở đây vẫn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, đơn vị phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, với các đề tài cấp bộ và cấp nhà nước; cấp cứu, điều trị rắn cắn cho quân và dân khu vực ĐBSCL; nuôi trồng cây, con thuốc; sản xuất thuốc y học dân tộc từ nguồn dược liệu…
Với diện tích rộng 12 héc-ta, Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu (hay Trại rắn Đồng Tâm) của Cục Hậu cần Quân khu 9 có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, điều trị rắn cắn, nuôi trồng, sản xuất thuốc y học dân tộc; đặc biệt nơi đây còn được biết đến là khu du lịch sinh thái khoa học độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà của cả khu vực Đông Nam Á.
Điểm du lịch hấp dẫn
Điểm du lịch sinh thái Trại rắn Đồng Tâm được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là điểm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2022 đây là một trong những điểm du lịch tiêu biểu đặc biệt nhất ở ĐBSCL.
Nhiều năm gần đây, Trại rắn Đồng Tâm được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến là “vương quốc” rắn với hơn 50 loài, ngoài ra đây còn khu bảo tồn nhiều động vật hoang dã, với nhiều loài rắn, chim, thú như: Trăn, đà điểu, sóc, kỳ nhông, gấu, hổ, vượn, thiên nga, trĩ đỏ, chim công, cò nhạn, le le...
Thời gian qua Trại rắn Đồng Tâm đang nuôi và nhân giống các loại rắn có nọc độc để nghiên cứu, chế biến dược liệu, trong đó hổ mang khoảng 1.000 cá thể. Đặc biệt, hơn 100 cá thể hổ mang chúa có trong Sách đỏ Việt Nam đang được nuôi, chăm sóc, bảo tồn tại đây.
Ở trại rắn còn có “Bảo tàng các loài rắn”, nơi đây lưu giữ hàng trăm mẫu rắn của nhiều loài sinh sống ở khu vực châu Á. Vì vậy khi thăm bảo tàng, du khách sẽ được tìm hiểu sâu hơn về loài bò sát nói chung. Bảo tàng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam”.
Đến tham quan trại rắn du khách được xem trình diễn nhiều loài trăn, rắn, tìm hiểu về loài bò sát này và tận mắt chứng kiến cán bộ lấy nọc rắn. Nhiều du khách rất sợ nhưng vẫn muốn tò mò đến tìm hiểu. Có khách còn hào hứng check-in cùng trăn quấn lên người, không sợ bị cắn.
Du khách không sợ bị rắn đe dọa vì nơi đây được đảm bảo nghiêm ngặt an toàn, nhân viên, cán bộ có mặt rất nhiều. Thiếu tá Trần Thị Thơm là người hướng dẫn cho khách tham quan chia sẻ: “Để bảo đảm an toàn cho du khách, chúng tôi luôn xem khâu huấn luyện rắn là một vấn đề sống còn của đơn vị. Để huấn luyện được một con rắn, người huấn luyện phải có tay nghề cao. Huấn luyện rắn sẽ mất rất nhiều thời gian, cần phải hiểu kỹ thói quen, tính cách của các loài rắn mới huấn luyện được chúng. Những loài rắn hung dữ và nguy hiểm như hổ mang, hổ chúa, mái gầm… qua bàn tay huấn luyện của nhân viên chúng tôi thì chúng đã trở nên rất hiền và dễ gần”.
Thiếu tá Trần Thị Thơm chia sẻ thêm: “Ban ngày rắn rất chậm chạm nên chúng tôi có thể thuần để cho khách trải nghiệm chạm, cầm, nắm. Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp với rắn, không nên phản xạ khi có rắn, tự nhiêm chúng sẽ tự rời đi nếu ta không đụng tới nó. Giai đoạn khách đến tham quan đồn nhất là dịp Tết, năm nay là năm rắn nên chắc du khách đến sẽ rất đông.”
Năm nay 2025 là năm Ất Tỵ chắc chắn rằng Tết năm nay số lượng du khách sẽ tìm về thăm trại rắn ngày một đông. Thời gian tới, Trại rắn Đồng Tâm tiếp tục chỉnh trang, tạo quang cảnh quan khu xanh-sạch-đẹp an toàn. Đồng thời Trại rắn Đồng Tâm sẽ có nhiều chương trình thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch phối hợp với các cơ sở giáo dục để học sinh, sinh viên được trải nghiệm thực tế…
Nguồn: https://daidoanket.vn/du-lich-sinh-thai-o-trai-ran-lon-nhat-miet-vuon-10299155.html
Bình luận (0)