Nhiều làng nghề quần tụ quanh một cự ly gần gũi nhau tạo ra những cung đường vàng của du lịch văn hóa. Chẳng hạn trong một bán kính chừng 15 cây số ở các huyện phía nam Hà Nội, có rất nhiều làng nghề như thêu Quất Động (Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên), áo dài Trạch Xá (Ứng Hòa), xen kẽ những di tích nổi tiếng như chùa Đậu, chùa Bối Khê hay làng Cựu, nơi bảo tồn nhiều nhà đại khoa thời trước.
Các họa sĩ, các nhà nghiên cứu mỹ thuật và thiết kế thời trang đã tìm đến Trạch Xá hay Quất Động để tìm cách phục dựng những chiếc áo dài truyền thống, những mẫu thêu cổ đã có lúc tưởng như thất truyền.
Những làng nghề như đúc đồng Đại Bái hay đồ gỗ Đồng Kỵ của Bắc Ninh kề cận những ngôi chùa quốc bảo như chùa Bút Tháp, chùa Dâu hay Phật Tích. Những ngôi làng làm nghề tạc tượng như Bảo Hà (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) hay chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) lại gắn với những tuyến hành hương về các trung tâm tín ngưỡng cộng đồng.
Ở vùng núi Tây Bắc, các khu du lịch ở Mai Châu (Hòa Bình) đã khiến du khách yêu thích vì hình thức homestay rất phát triển cùng trải nghiệm không gian làng nghề dệt thổ cẩm của người Mường. Ở cực Nam Trung Bộ, làng dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) lại kề cận làng gốm Bàu Trúc, cũng không xa di tích Tháp Chàm Pô Klong Garai, tạo thành một hành trình trải nghiệm văn hóa độc đáo.
Những làng nghề trụ được với đời sống hiện đại bằng cách dần tìm được cách biến thành các làng nghề ít ô nhiễm, có sinh lợi và gợi ra những khả năng sáng tạo. Những làng nghề vẫn được nhắc đến nhiều trong ngày hôm nay là nhờ sản phẩm có mặt trong đời sống và đặc biệt cùng với sự kết nối các nghiên cứu chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp và kinh tế du lịch, tạo nên ba chân kiềng của sự thịnh vượng mới.
Tạp chí Heritage