Đà Lạt đang nóng dần lên
Lớn lên tại TP.HCM, nơi nổi tiếng với nóng bức vào mỗi mùa khô của Nam Bộ, Lan Phương nghĩ đã quen với nhiệt độ cao. Song khi đến TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) chơi cùng bạn bè giữa tháng 4, cô gái 27 tuổi đã phải sửng sốt vì “nắng không chịu nổi”, có lúc nhiệt độ lên đến 30-31 độ C. Hầu như Lan Phương và những người bạn ở trong phòng khách sạn vào ban ngày, chỉ khám phá thành phố lúc chiều xuống.
Nắng nóng ảnh hưởng khắp cả nước bởi El Nino, Đà Lạt cũng không ngoại lệ, thành phố nay chỉ mát mẻ vào mùa đông hoặc buổi tối. “Thời tiết diễn ra ngày càng cực đoan”, anh Xuân Trường, 35 tuổi, đến từ Hà Nội, nói khi đang cùng vợ nghỉ dưỡng tại một khách sạn trên địa bàn Phường 10, TP. Đà Lạt. Mười năm trước, anh Trường và vợ hưởng tuần trăng mật ở đây nhưng không nghĩ về nắng nóng, giờ đây tất cả đã thay đổi vì “vợ tôi liên tục nhắc chồng tìm quán cà phê có điều hòa”.
Nghiên cứu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng chỉ ra trong vòng 30 năm qua, nhiệt độ không khí trung bình nhiều năm của Đà Lạt đã tăng 0,7 độ C. Theo chuyên gia, việc phát triển nhà kính tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị là tác nhân chính khiến thành phố ngột ngạt.
Thống kê của ngành nông nghiệp, nhà kính sản xuất rau, hoa của Đà Lạt không ngừng mở rộng từ năm 2005. Tính đến hết quý I/2024, diện tích nhà kính toàn tỉnh khoảng 5.688 ha, trong đó phần lớn tập trung ở Đà Lạt với hơn 2.900 ha.
TP. Đà Lạt – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng cũng ghi nhận số lượng khách tăng nhanh theo từng năm, là một trong trong những lý do khiến công trình mới tiếp tục “mọc lên”. Năm 2006, “thành phố mộng mơ” đón khoảng 1,3 triệu lượt khách, song năm 2023 đón trên 6,6 triệu lượt khách (chiếm hơn 76,3% tổng lượng khách đến Lâm Đồng trong năm). Hiện nay Đà Lạt có trên 2.430 cơ sở lưu trú du lịch, gấp nhiều lần so với con số hơn 530 cơ sở lưu trú năm 2006.
Ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu
Đánh giá những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến ngành du lịch tỉnh nhà, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng địa phương là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh, tài nguyên thiên nhiên đa số phân bố không tập trung, vì vậy tình trạng khai thác còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa kiểm soát ngăn chặn có hiệu quả hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên trái phép. Áp lực mất rừng và suy thoái rừng dù đã giảm về số vụ việc vi phạm, nhưng tính chất vụ việc phức tạp, trong đó nguyên nhân lấy đất sản xuất vẫn là vấn đề nóng gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vài năm trở lại đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cũng trở nên oi bức, khó chịu, mùa mưa có lượng mưa nhiều hơn, thời điểm mưa cũng thay đổi, mùa khô thì càng khô hạn, phát triển du lịch cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng.
Biến đổi khí hậu đã tác động đến tài nguyên du lịch, điểm hấp dẫn du lịch, trong đó có cả những tài nguyên du lịch tự nhiên đã hình thành. Đồng thời tác động đến các hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động lữ hành, đình trệ thậm chí hủy do điều kiện thời tiết xấu. Hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nhất là hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, phân bố chủ yếu ở vùng đồi núi có độ dốc cao gặp nguy cơ do đây là nơi thường chịu ảnh hưởng của xói lở, lũ quét.
Ngành chức năng nhìn nhận, biến đổi khí hậu cũng là điều khiến du khách lo lắng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy, lũ,… có chiều hướng tăng về cả tần suất và cường độ. Du khách giờ đây cũng quan tâm đến thời tiết, nếu thời tiết xấu, các hoạt động du lịch sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, giá tour du lịch nhiều lúc tăng cao, thậm chí các tour còn bị hủy bỏ, khả năng xảy ra tình trạng “nhiệt độ tăng – doanh thu giảm”. Việc tổ chức các chương trình du lịch có tầm cỡ quốc gia và quốc tế gắn với các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí ngoài trời sẽ khó khăn hơn.
Tại Lâm Đồng, ngành du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2023, khu vực dịch vụ chiếm đến 38,42% cơ cấu GRDP; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 80.904 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 13.303,9 tỷ đồng, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 62,9 tỷ đồng.
Thích ứng để phát triển du lịch bền vững
Thời gian qua, dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có, Lâm Đồng đã phát triển loại hình du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên, giúp bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Ở cấp độ cơ quan quản lý của địa phương, công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên bước đầu đã được quan tâm triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu của các đơn vị kinh doanh du lịch đã thể hiện cụ thể, thiết thực như có 14 khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định. Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng tích cực tham gia khôi phục cảnh quan tự nhiên như trồng rừng, cây xanh, vườn hoa, xây dựng và tổ chức các chương trình du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học góp phần nâng cao ý thức của du khách trong việc bảo vệ môi trường. Sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, thông tin đến du khách và chủ động triển khai các hoạt động trong ngày môi trường thế giới, giờ trái đất, hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, hướng dẫn khách bảo vệ môi trường,…
Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến ngành du lịch, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết tỉnh đang đề ra những giải pháp du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, áp dụng mô hình 3T “Tiết giảm, giảm thiểu chất thải – Tái sử dụng chất thải – Tái chế chất thải” trong hoạt động phát triển du lịch.
Đồng thời, ngành du lịch sẽ phối hợp cùng ngành môi trường tham mưu và trình ban hành sổ tay hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường nói chung và các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu áp dụng cho khách du lịch và người dân địa phương.
Đối với các khu du lịch kết hợp kinh doanh khai thác dưới tán rừng cần tuyệt đối chấp hành khu vực khoanh vùng bảo vệ rừng tự nhiên, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm, hạn chế tối đa các tác động, chỉ triển khai các hoạt động du lịch thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm sinh thái; Thường xuyên tập huấn cho cán bộ, công nhân viên, hướng dẫn viên về công tác bảo vệ môi trường nói chung và các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng, từ đó làm cầu nối truyền tải và hướng dẫn cho khách du lịch áp dụng tại cơ sở;…
Đối với người dân và du khách, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng mong muốn mọi người nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong hoạt động sống và du lịch tại địa phương; tuân thủ những quy định, hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường nói chung và các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó biến đổi khí hậu.
Nguồn: https://toquoc.vn/du-lich-lam-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-20240920150650179.htm