Đang du lịch phải bỏ ngang vì mất điện
Vừa đưa gia đình đến Hạ Long (Quảng Ninh) để du lịch ngày 4.6, ông Nguyễn Tiến Toàn, đồng sáng lập Công ty du lịch Cánh Diều, đã có trải nghiệm “nhớ đời” khi bắt đầu mùa hè sôi động cho lũ trẻ trong nhà đúng vào mùa… cắt điện.
Trực tiếp làm trong lĩnh vực du lịch, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, ông Toàn đã chứng kiến nhiều đoàn khách đòi hủy tour, trả phòng khách sạn do đột ngột bị cắt điện khi đang đi du lịch. Bởi vậy, để chuẩn bị cho chuyến đi của gia đình, ông đã theo dõi rất kỹ lịch cắt điện của địa phương, đồng thời chọn khách sạn 5 sao ngay giữa trung tâm TP để hạn chế tối đa rủi ro.
“Ấy vậy mà cũng không thoát. Nhà tôi vừa nhận phòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ thì mất điện. Khách sạn lớn quá nên hệ thống máy phát điện chỉ đủ tải cho thang máy và các thiết bị chiếu sáng. Trời nắng nóng 38 – 39 độ C mà không có máy điều hòa nhiệt độ thì chịu sao nổi, nhà thì toàn người già và trẻ con. Quản lý khách sạn nói họ cũng bị động vì điện lực không báo, hôm đó không có lịch cắt điện nhưng lại bất ngờ mất điện nên chưa kịp thuê thêm máy phát tăng cường. Họ nói đã làm việc lại với bên điện lực, đến chiều sẽ có điện, nhưng nhà tôi chờ tới tối vẫn không có tí điều hòa nào. Bực mình, tôi đòi hủy phòng, hủy luôn chuyến đi chơi”, ông Toàn kể.
Thêm 20 triệu kWh cho lưới điện miền Bắc
Đến hôm qua 12.6, nhiều tổ máy nhiệt điện bị trục trặc mấy ngày qua đã hoạt động trở lại. Cụ thể là tổ máy 4 nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Mông Dương 1, nhiệt điện Sơn Động… Đáng lưu ý, nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 13 triệu kWh mỗi ngày đã được khởi động trở lại, nhiệt điện Nghi Sơn 1 dự kiến được hòa lưới lại lúc 18 giờ hôm nay 13.6 với công suất 7 triệu kWh mỗi ngày.
Như vậy, từ hôm nay 13.6, riêng 2 tổ máy của nhiệt điện Nghi Sơn 1 và nhiệt điện Thái Bình 2 được vận hành, lưới điện miền Bắc sẽ có thêm 20 triệu kWh mỗi ngày. Gần đây, tuy nguồn nhiên liệu than cho sản xuất nhiệt điện đủ, song do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy gặp sự cố. Trong đó, sự cố dài ngày vào khoảng 2.100 MW, sự cố ngắn ngày khoảng 550 MW.
Cập nhật thông tin chung về vận hành hệ thống điện quốc gia đến hết ngày 11.6 cho thấy sản lượng tiêu thụ trong ngày 746,8 triệu kWh. Trong đó, miền Bắc ước khoảng 388,6 triệu kWh, miền Trung khoảng 72 triệu kWh và miền Nam khoảng 285,8 triệu kWh.
Nguyên Nga
Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, gia đình chị Trần Thị Mỹ Linh (ngụ TX.Sơn Tây, Hà Nội) lần đầu tiên đưa cậu con trai đi đón sinh nhật 1 tuổi tại Ninh Bình, nhưng chưa kịp ở trọn 1 ngày đã phải rồng rắn “quay xe”. Về nguyên nhân, chị Linh kể: “Nóng nhễ nhại mà dừng chỗ nào chỗ đó mất điện. Chúng tôi vừa tới nhà hàng ăn, ngồi chưa được 20 phút, món còn chưa ra hết đã phải chuyển ra ngoài khu sân vườn vì bên trong mất điện, không có máy lạnh. Giữa trời trưa nắng chang chang mà ngồi ngoài sân vườn sàn bê tông thì biết rồi đó. Thằng bé mồ hôi nhễ nhại, quấy khóc inh ỏi. Tới khách sạn lúc 15 giờ thì được nhân viên xin lỗi liên tục, nói chờ chút đến tối mới có điện để bật máy lạnh, nhận phòng chỉ được dùng quạt. Thôi, về nhà còn thoải mái hơn”.
Không chỉ các khách sạn, nhiều hành khách di chuyển bằng máy bay tại sân bay Cát Bi (TP.Hải Phòng) cũng bất ngờ khi nhiều khu vực nóng bức, ngột ngạt. Phía bên khu vực nhà chờ, máy lạnh vẫn chạy bình thường nhưng tại một số nhà hàng phục vụ ăn uống lại không bật máy lạnh, cũng không có quạt máy. Nhân viên một quán ăn tại sân bay Cát Bi cho hay do thực hiện tiết kiệm điện năng nên ngay trong sân bay cũng giảm bớt thiết bị điện.
Thông tin từ UBND H.Vân Đồn (Quảng Ninh), lượng khách đến khu du lịch Minh Châu – Quan Lạn đã sụt giảm khoảng 35%, chỉ còn khoảng 12.700 lượt khách du lịch/tuần so với thời điểm trước khi tiết giảm điện năng tiêu thụ. Con số này được dự báo tiếp tục giảm trong những tuần tiếp theo nếu việc tiết giảm điện còn kéo dài. Việc nguồn cung điện chập chờn, thường xuyên bị cắt không chỉ làm giảm mạnh nguồn thu từ hoạt động dịch vụ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch của địa phương, kéo giảm lượng khách trong bối cảnh cao điểm mùa hè.
Doanh nghiệp “méo mặt” vì tăng chi phí
Ông Nguyễn Tiến Toàn nhận định mùa hè là mùa cao điểm khách nội địa, lượng khách chủ yếu là các gia đình đưa con đi chơi hè. Tuy nhiên, năm nay sức nóng của mùa du lịch hè có vẻ sẽ hạ nhiệt vì kinh tế khó khăn. Người dân sẽ ưu tiên những điểm đến gần, có thể di chuyển bằng ô tô, xe cá nhân để tiết kiệm chi phí khi vé máy bay đang ngày càng đắt đỏ. Vì thế, du khách rất chủ động thay đổi lịch trình.
Nếu chỗ này mất điện, họ sẵn sàng hủy phòng, đổi hướng đi chỗ khác hoặc chuyển sang đi nước ngoài.
“Các bạn tôi làm khách sạn ở Đà Nẵng đang than ế, không có việc làm. Giờ từ Hà Nội đi Thái Lan còn rẻ hơn vào Đà Nẵng, Phú Quốc. Chưa kể dịch vụ ăn uống, khách sạn bên đó cũng đa dạng dải giá, rẻ hơn bên mình thì tội gì không bay qua đó chơi. Lại còn thêm vụ điện đóm chập chờn như thế này, doanh nghiệp (DN) không đầu tư thêm máy phát điện thì không có khách, mà đầu tư thì gánh nặng chi phí tăng lên, rồi lại dồn hết vào tiền dịch vụ thôi. Ngành du lịch vốn đã khó khăn, lại càng bị ảnh hưởng rất lớn”, ông Toàn bày tỏ.
Các sân bay thực hiện tiết kiệm điện
Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện tại cơ quan đơn vị và các cảng hàng không.
Theo đó, ACV yêu cầu cơ quan đơn vị và các cảng hàng không chi nhánh khẩn trương triển khai thực hiện ngay việc chủ động tính toán, cắt giảm các phụ tải điện hoặc chọn lựa thời điểm khai thác sử dụng máy phát điện trong khoảng thời gian giờ cao điểm thay cho nguồn điện lưới, tiết giảm tối đa chi phí tiền điện. Đồng thời, có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động khai thác phục vụ hoạt động bay khi chuyển đổi nguồn điện lưới và nguồn điện dự phòng. Các cảng được yêu cầu ưu tiên các phụ tải thiết bị khu bay dùng nguồn điện lưới.
Gánh nặng chi phí mà ông Toàn nhắc tới ở trên, được anh Thành Luân (chủ chuỗi nhà hàng ở Ninh Bình) thông tin cụ thể bằng con số 160 triệu đồng/máy phát điện.
Anh Luân kể từ đầu tháng 6 đến nay, lượng khách du lịch tới Ninh Bình có xu hướng tăng. Khách thường tới vào buổi trưa và thường xuyên chịu đựng cảnh cắt điện đột ngột. Lịch cắt điện nhiều khi có thông báo trước, đôi khi lại không chuẩn nên nhà hàng không kịp mua máy phát. Khách than nóng nhiều, muốn đi nhanh nên gọi ít món hơn, doanh thu nhà hàng giảm khoảng 25%.
Anh Luân tính đầu tư máy phát điện lớn hơn nhưng giá khá “chát”, tới 160 triệu đồng/máy, chưa tính chi phí vận hành, bảo dưỡng. “Từ sau dịch đến nay, khách đã đông hơn nhưng tình hình kinh doanh vẫn túc tắc, chưa bật lên được nên đầu tư thêm cái gì giờ cũng khó khăn, là cả một bài toán. May đợt này toàn khách Việt là chính, họ cũng hiểu cho tình cảnh chung nên thông cảm phần nào. Nếu cắt điện liên miên đúng đợt cao điểm khách Tây thì họ có mà “cạch đến già”, không dám quay lại”, anh Luân nói.
Du lịch chờ mãi vẫn chưa thoát khó
Theo UBND H.Vân Đồn, thời gian cao điểm du lịch, các xã đảo trên địa bàn thường đón 19.000 – 19.500 lượt khách du lịch/tuần. Do vậy, huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Công thương, Công ty Điện lực Quảng Ninh quan tâm, ưu tiên cấp điện toàn thời gian cho khu du lịch cấp tỉnh Minh Châu – Quan Lạn.
Ngay sau đó, Thường trực tỉnh ủy Quảng Ninh đã phải thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng điện tỉnh, chỉ đạo ưu tiên cấp điện cho các ngành trọng điểm, trong đó có du lịch. Nhờ vậy, các trọng điểm du lịch tỉnh 2 ngày cuối tuần qua được ghi nhận sôi động hơn, trung tâm TP.Hạ Long đón lượng khách tăng khoảng 20% so với cùng thời điểm tuần trước.
Đánh giá cao động thái kịp thời của tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng quan điểm ưu tiên, gỡ vướng, coi du lịch là ngành sản xuất thay vì ngành tiêu dùng để có những chính sách phù hợp như Quảng Ninh cần được nhân rộng trên quy mô nhiều địa phương và mang tầm quốc gia.
Thời gian qua, việc áp dụng giá bán điện sản xuất cho các cơ sở lưu trú du lịch đã được ngành du lịch nhiều lần đề xuất với các cấp có thẩm quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động du lịch. Trong giai đoạn ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19,
Hợp tác công tư chặt chẽ để giải quyết vấn đề cung cấp điện
Nhóm Công tác năng lượng và điện thuộc Diễn đàn DN VN (VBF) mới kiến nghị đến Chính phủ và các cơ quan liên quan những giải pháp để giải quyết hiệu quả vấn đề cung cấp điện. Theo đơn vị này, hiện tại có khoảng 4,35 GW nguồn cung điện chênh lệch giữa khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc. Năm nay, tình trạng khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng khiến việc cung cấp điện trong mùa khô trở nên khó khăn hơn. Hiện tượng thiếu điện đã ảnh hưởng sâu sắc đến các DN khối tư nhân, đặc biệt là những khách hàng công nghiệp, gây ra sự gián đoạn đáng kể trong các hoạt động sản xuất.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhóm Công tác cho rằng cần thiết phải đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án đã được bao gồm trong Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) để các dự án có thể nhanh chóng được triển khai. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ các công ty và các ngành công nghiệp triển khai những giải pháp năng lượng tái tạo tự tiêu, không kết nối với lưới điện, như hệ thống pin lưu trữ năng lượng. Bên cạnh đó, việc đối thoại, hợp tác chặt chẽ giữa khối công và khối tư là cần thiết để có thể giải quyết hiệu quả vấn đề cung cấp điện. Trong đó, việc sớm ban hành chính sách cho cơ chế mua bán điện trực tiếp và phát triển các hệ thống điện mặt trời không nối lưới là vô cùng quan trọng.
Chính phủ đã đồng ý ban hành chính sách giảm giá điện, giảm tiền điện (trong đó, có giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất) thực hiện theo 4 đợt cho các cơ sở lưu trú du lịch.
Tuy nhiên, hết dịch thì chính sách này cũng tạm dừng. Trong Nghị quyết 82 được ban hành mới đây, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” để áp dụng giá bán lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất. Thay đổi cơ chế tính giá điện và giữ nguồn điện ổn định là yếu tố rất cần thiết hỗ trợ ngành du lịch phục hồi.
“Có lẽ trong giai đoạn khó khăn chung hiện nay, ngành du lịch cũng không thể đòi hỏi có chính sách ưu tiên, đặc thù gì hơn nữa. Du lịch từ khi mở cửa trở lại sau Covid-19 đến giờ, khó vẫn chồng khó, thách thức vẫn liên tiếp ập tới. Ngành du lịch giờ chỉ mong chính sách visa, cách tính giá điện mới… sớm được ban hành để gỡ khó được đến đâu, hay đến đó”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.