Những ngày đầu Xuân, Văn Miếu Mao Điền (xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) thu hút đông đảo du khách và các em học sinh – không chỉ ở Hải Dương mà từ nhiều địa phương lân cận.
Theo sử sách ghi lại, Văn Miếu Mao Điền được khởi dựng vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An (nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Đến thời Tây Sơn, Văn Miếu được chuyển về Mao Điền, hợp nhất với trường thi Hương trấn Hải Dương. Nơi đây thường tổ chức các kỳ thi Hương để tuyển chọn nhân tài ở trấn Hải Dương và vùng phía Đông thành Thăng Long. Triều đình nhà Mạc đã tổ chức cả kỳ thi Hội ở đây. Văn Miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước.
Theo ông Hà Quang Thành – Trưởng Ban quản lý di tích Văn Miếu Mao Điền, nơi này là biểu tượng hiếu học của vùng đất xứ Đông: “Năm 2023, Văn Miếu Mao Điền đã đón 25.000 lượt khách về tham quan, chiêm bái; trong đó, ngoài du khách tỉnh Hải Dương còn có du khách các tỉnh lân cận, như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên. Các em về khu di tích được trải nghiệm về nguồn, như dâng hương, nghe giới thiệu về di tích, tham quan khu lều chõng để tìm hiểu về lịch sử khoa bảng của các bậc tiền nhân”.
Văn Miếu Mao Điền là một điểm trong tour du lịch khoa bảng mà ngành văn hóa Hải Dương đang xây dựng. Trong hành trình khám phá “Con đường khoa cử Việt”, du khách sẽ được thăm làng tiến sĩ Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang), đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (huyện Nam Sách) và đền thờ Nguyễn Thị Duệ, nữ tiến sĩ đầu tiên của nước ta. Những điểm đến giúp hình dung rõ hơn về truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất phía đông Kinh thành Thăng Long, nơi đứng đầu cả nước về số người đỗ đạt cao, với gần 500 tiến sĩ Nho học và 11 trạng nguyên.
Trong hành trình khám phá tour du lịch độc đáo này, làng Mộ Trạch ở xã Tân Hồng, huyện Bình Giang chắc chắn sẽ mang đến cho du khách nhiều bất ngờ. Ông Vũ Quốc Ái – thường trực Ban Quản lý di tích đình làng Mộ Trạch cho biết với 36 người đỗ tiến sĩ Nho học thời phong kiến, trong đó có 1 Trạng nguyên và 11 Hoàng giáp, làng Mộ Trạch nổi danh trong lịch sử là ngôi làng khoa bảng độc nhất vô nhị ở Việt Nam, được nhân dân xa gần gọi là “làng tiến sĩ”. Ông Vũ Quốc Ái cho biết thêm: “Đặc biệt, khoa Bính Thân (1656) cả nước 3.000 người đi thi, Vua lấy khoa đó 6 Tiến sĩ. Khi niêm yết bảng Vàng, làng Mộ Trạch có 3 tiến sĩ, 3 vị này đều là họ Vụ. Khi đăng vua Tự Đức tấm tắc khen “Nhất gia bán thiên hạ”, tức là một làng bằng nửa thiên hạ, một dòng họ bằng nửa thiên hạ”.
“Con đường khoa cử Việt” là sản phẩm du lịch đã được định hướng và xây dựng trong Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Thời gian qua, tour du lịch này đã được ngành văn hóa – du lịch tỉnh Hải Dương phối hợp các địa phương, các công ty du lịch triển khai khá hiệu quả. Nhiều trường học trên địa bàn Hải Dương và các địa phương lân cận đã tổ chức đưa học sinh trải nghiệm tại các di tích. Hàng trăm trường học đã đăng ký với các khu di tích để tổ chức giáo dục truyền thống hiếu học và trao thưởng cho các em đoạt thành tích cao trong học tập.
Tháng 12/2023 vừa qua, Trường Tiểu học Hùng Thắng (huyện Bình Giang, Hải Dương) đã tổ chức cho học sinh khối 4, khối 5 tham quan đình làng Mộ Trạch trong tour di tích khoa bảng. Cô giáo Phạm Thị Bảo – Hiệu trưởng trường Tiểu học Hùng Thắng cho biết sau chuyến trải nghiệm, các em đã có các bài viết thu hoạch, vẽ tranh mô tả các địa điểm đến thăm, qua đó nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh. “Các em học sinh rất phấn khởi, đến từng vị trí tham quan, các em đều có ghi chép và quan sát rất cụ thể. Khi về triển khai, các em đều hào hứng, các em thấy được truyền thống văn hóa của quê hương; từ đó, các em có ý thức vươn lên trong học tập để noi gương các thế hệ cha ông đi trước”.
Du lịch khoa bảng là sản phẩm du lịch độc đáo và riêng có của Hải Dương; tuy nhiên, việc triển khai tour du lịch này thời gian qua còn một số khó khăn. Các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, mới dừng lại ở việc tham quan, chưa có nhiều hoạt động hấp dẫn du khách, đặc biệt là các em nhỏ. Sự kết nối giữa các điểm đến chưa thực sự chặt chẽ.
Ông Trần Văn Toán – Giám đốc điều hành Công ty du lịch quốc tế Thanh Lộc, đơn vị đã tổ chức nhiều tour du lịch khoa bảng của tỉnh Hải Dương cho rằng, cần làm tốt hơn nữa công tác quảng bá tour du lịch độc đáo này: “Các hoạt động về miền khoa bảng đã được chúng tôi triển khai rất thành công tại các nhà trường. Tuy nhiên, qua nhiều lần trao đổi với ban quản lý di tích thì tôi vẫn mong muốn rằng các điểm được nâng cấp lên, từ vị trí đỗ xe, công tác tổ chức tiếp đón, quy mô di tích và truyền thông, quảng bá di tích tốt hơn nữa”.
Cùng với việc giới thiệu, quảng bá rộng rãi tour du lịch “Về miền khoa bảng” đến du khách trong và ngoài tỉnh Hải Dương, ngành văn hóa, ngành du lịch Hải Dương cũng xác định đối tượng đích là học sinh, sinh viên các trường học. Việc triển khai tour du lịch này thời gian qua đã có sự kết hợp của ngành giáo dục và ngành văn hóa địa phương, tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Dần, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Giang, các đơn vị cần vào cuộc quyết liệt hơn: “Sở Giáo dục & Đào tạo và Sở VHTT&DL tỉnh Hải Dương cần có đánh giá, rút kinh nghiệm hàng năm để có sự gắn kết giữa hai Sở. Để thúc đẩy hơn tour du lịch này, tôi nghĩ phải có sự đồng hành nhiều hơn của ban giám hiệu nhà trường, của hội phụ huynh học sinh, tạo hứng khởi cho các em trong việc hiểu hơn về quê hương đất nước thông qua việc trải nghiệm tại các di tích”.
Đầu xuân, về vùng đất xứ Đông trải nghiệm “Con đường khoa cử Việt” để hiểu lịch sử dân tộc, tự hào hơn về truyền thống hiếu học của cha ông, thêm yêu quê hương, đất nước và mỗi người sẽ có thêm động lực trong học tập, cuộc sống.