Quần thể những cây nghiến nghìn năm tuổi đang là báu vật của rừng xanh xứ Tuyên.
Qua nhiều thế hệ lãnh đạo, chính sách giữ rừng của Tuyên Quang vẫn nhất quán và xuyên suốt. Giữ rừng để bảo vệ nguồn nước, giữ rừng để bảo vệ thiên tai, giữ rừng để bảo vệ mùa màng và ngày nay giữ rừng còn để phát triển du lịch. Chị Nguyễn Thu Phương, một Việt kiều Mỹ đang mải mê chụp ảnh với những cây phách tím tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) cho biết quá ấn tượng với hệ thống rừng nguyên sinh hàng nghìn ha bao bọc lấy quần thể khu di tích, bản làng. Về Tân Trào đúng nghĩa là về nguồn, chiến khu Việt Bắc xưa như nhà thơ Tố Hữu từng viết “Ve kêu rừng phách đổ vàng/Nhớ cô em gái hái măng một mình”.
Theo cán bộ kiểm lâm khu vực, rừng đặc dụng Tân Trào có gần 4.000 ha, trong đó có trên 3.100 ha rừng tự nhiên. Ở đó có những cây gù hương, nghiến, lim xanh vươn cao cả mấy chục mét. Dưới tán rừng là một kho tàng cây thảo dược đồ sộ như giảo cổ lam, thiên nhiên kiện, sâm cau. Chủ homestay Tiến Phương, thôn Tân Lập, xã Tân Trào ý thức được rằng, rừng giúp họ nâng cao chất lượng homestay ở mặt sinh thái môi trường, cảnh quan và ẩm thực. Du lịch sinh thái ngày càng được tỉnh chú trọng, kết nối thành những tua tuyến, xây dựng dịch vụ, sản phẩm du lịch cụ thể như Tân Trào cũng có tour khám phá vẻ đẹp của khu rừng già nguyên sinh Đồng Man – Lũng Tẩu, khám phá núi Hồng.
Tuyên Quang có độ che phủ rừng chiếm 65% diện tích đất tự nhiên, nằm trong top 3 cả nước. Toàn tỉnh có 448.680 ha rừng và đất lâm nghiệp thì trong đó diện tích rừng tự nhiên 281.700 ha. Cái quý là tỉnh giữ được 2/3 diện tích là rừng tự nhiên với độ đa dạng sinh học cao, nhiều loài cây, động vật nằm trong sách đỏ thế giới, Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tỉnh thành lập, quy hoạch được Khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu với diện tích khoảng 15.000 ha nằm trên huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa. Nhờ có “lá phổi xanh” mà vùng cam sành rộng lớn các xã dưới chân Cham Chu luôn cho quả ngọt. Mới đây, nhận thấy vẻ đẹp ngất ngây của thôn Cao Đường, xã Yên Thuận – một thôn nằm trong vùng lõi của rừng nguyên sinh Cham Chu, huyện Hàm Yên đang quyết tâm xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng người Mông, Dao dưới tán rừng nguyên sinh để du khách thấy được hết vẻ đẹp của rừng.
Du khách thăm, khám phá, trải nghiệm tại khu rừng nguyên sinh xã Tân Trào, Sơn Dương.
Đáng giá nhất của du lịch dưới tán rừng ở Tuyên Quang chính là Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình có diện tích bảo vệ trên 61.300 ha, trong đó có 8.000 ha vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, nằm ở 14 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Na Hang và Lâm Bình. Khu bảo tồn nằm giữa những cánh rừng đại ngàn dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng, có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, hệ thống hang động độc đáo, kỳ thú. Quỹ Bảo tồn thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là một trong những hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Năm 2019, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình được Chính phủ công nhận là Danh thắng Quốc gia đặc biệt.
Hiện nay, Tuyên Quang và tỉnh Bắc Kạn đang phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể – Na Hang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Hai khu bảo tồn này có một vùng đệm và 2 vùng lõi rộng lớn là Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, Lâm Bình, Vườn quốc gia Ba Bể. Trên thực tế, hai khu bảo tồn này đã kết nối tua tuyến du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn) – hồ thủy điện Tuyên Quang – Bắc Mê (Hà Giang) và ngược lại qua Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” rất có hiệu quả. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Công Thung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể – Na Hang đủ các tiêu chí đề cử là di sản thiên nhiên thế giới.
Đồng chí Ma Thanh Khiết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Na Hang cho biết, với tiềm năng rừng tự nhiên to lớn đó, huyện đã mở tua tuyến du khách khám phá, trải nghiệm, đẩy mạnh du lịch dưới tán rừng, quyết bảo tồn và phát huy giá trị của rừng đến muôn đời sau. Hiện huyện đã có hướng mở tua du lịch cho du khách tham quan những cây nghiến cổ thụ tại khu vực Giàn Tre, Đường Gòng thuộc Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng; quần thể nghiến cổ thụ tại khu rừng Khau Tép, Pá Lịa thuộc thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh; cây nghiến “bàn tay” thuộc khu rừng Đông Đăm, Tát Loỏng thuộc thôn Bản Bung, xã Thanh Tương. Ngoài ra nghiến còn có ở các xã Năng Khả, Sinh Long, Côn Lôn.
Tại thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh (Na Hang) ngay sát vườn nhà của người dân là cánh rừng nghiến nghìn tuổi vẫn vươn cao xanh tốt. Ai cũng khen thôn từ trước đến nay giữ rừng tốt. Ông Phùng Văn Minh, dân tộc Mông, thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh chia sẻ: “Chúng tôi có tục thờ thần rừng, việc giữ rừng là rất quan trọng. Giữ rừng tạo không khí mát mẻ, còn giữ được nguồn nước trong lành, hạn chế lũ ống, sạt lở đất, mùa màng luôn bội thu, gia súc, gia cầm ít dịch bệnh. Tôi rất phấn khởi khi huyện, xã đang có hướng mở tua du lịch, đưa du khách lên đây thăm rừng nghiến nghìn tuổi của chúng tôi. Nếu được anh em họ hàng chúng tôi bảo nhau làm du lịch homestay. Chúng tôi có thể trở thành những hướng dẫn viên du lịch thông thạo địa hình”.
Gần đây huyện Na Hang chính thức khai trương tour du lịch thăm hang Bó Kim và rừng nguyên sinh Nà Niếng, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển du lịch dưới tán rừng.