Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Du lịch Di Linh cần một lối đi riêng

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, độc đáo, Di Linh có nhiều cơ hội để phát triển ngành Du lịch bằng một lối đi riêng.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng31/03/2025

Làng văn hóa truyền thống dân tộc KHo - nơi bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống
Làng văn hóa truyền thống dân tộc K'Ho - nơi bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Miền đất Di Linh giàu tiềm năng, nằm trên cao nguyên Di Linh có độ cao 1.000 m, là vùng đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa quanh năm trung bình 22,2 độ, độ ẩm 87%, lượng mưa 3.103 mm/năm. Là huyện có diện tích 1.613,16 km2, rộng nhất nước, lớn hơn 10 tỉnh (7 tỉnh phía Bắc và 3 tỉnh phía Nam); diện tích rừng lớn, độ che phủ cao, đa dạng sinh học, cảnh quan, hệ sinh thái rừng giàu có. Tài nguyên nước dồi dào, diện tích mặt nước lớn nhất tỉnh, tài nguyên rừng cùng hệ sinh thái và chuỗi cảnh quan tươi đẹp. Hệ thống hồ, sông, suối phân bố trải dài toàn huyện như: Hồ Ka La (danh lam thắng cảnh cấp tỉnh rộng trên 300 ha, Hồ Tây, Hồ Đông, hồ Thanh Bạch, hồ Liên Hoàn, Hồ Nhật, hồ 1019; hệ thống sông Đồng Nai, Sông Nhum, sông Dariam cùng các hồ Thủy điện Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Hàm Thuận - Đa Mi, hồ Đăk Lou Kia… Đỉnh núi Brăh Yàng cao nhất cao nguyên Di Linh với độ cao gần 2.000 m vây quanh bởi các thác nước tự nhiên: Bobla (Liên Đầm), Liliang (Gung Ré), Bảy Tầng (Tam Bố), Tul (Gia Bắc), Phú Xuân (Gia Hiệp)… đã làm nên một vùng non nước sơn thủy hữu tình.

Di Linh có tài nguyên đất nông nghiệp 47 ngàn ha, cây cà phê 45 ngàn ha. Dân số có 192 ngàn người, với 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 42%. Hơn thế nữa, Di Linh là không gian sinh tồn từ ngàn đời của người K’Ho làm cho vùng đất đẹp đẽ là miền đất giàu bản sắc văn hóa, giàu nhân văn. Di chỉ khảo cổ Đồng Đò (xã Tân Nghĩa) nơi các nhà khảo cổ phát hiện dấu tích con người qua những mộ chum đã minh chứng rằng con người có mặt ở nơi này từ rất sớm. Trong tiếng K’Ho, Srê nghĩa là ruộng, đã định danh một nhóm dân tộc K’Ho (để phân biệt với K’Ho Cil, K’Ho Lạch, K’Ho Nộp… săn bắt, hái lượm, làm nương rẫy, du canh du cư, ăn rừng); người K’Ho Srê sinh sống từ lâu đời trên cao nguyên Di Linh, định canh định cư làm ruộng nước cùng nhau làm nên những cánh đồng Gung Ré, Bảo Thuận.

Di Linh cũng là nơi phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp sớm nhất ở Nam Tây Nguyên với cuộc khởi nghĩa Mọ Kọ quật khởi từ cách đây hơn 100 năm. Huyền thoại nữ chúa rừng xanh đã lãnh đạo đồng bào mình vùng lên chống Pháp khiến những vị “khách” phương Tây không mời phải kinh hồn bạt vía. Nơi từ hơn 100 năm trước, người Pháp đã mang cà phê đến trồng phủ xanh màu đất đỏ bazan rộng lớn. Không phải ngẫu nhiên người Pháp chọn Di Linh là thủ phủ của tỉnh Đồng Nai Thượng (bao gồm cả Tánh Linh, một vùng Đồng Nai từ sông La Ngà lên miền Thượng) từ năm 1899, hạ tầng cơ sở đường sá phát triển sớm hơn. Từ năm 1930, muốn đi từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt phải đi trên Quốc lộ 28, men theo vùng rừng Tánh Linh, qua đèo Gia Bắc - Sơn Điền (đèo Bảo Lộc năm 1973 mới được xây dựng). Đến hôm nay vẫn còn đó ngôi nhà Dinh tỉnh trưởng Đồng Nai Thượng như một chứng tích của thời gian. Có thể nói, Di Linh là trung tâm văn hóa của người K’Ho từ ngàn xưa, là nơi khởi nguồn phát triển của tỉnh Lâm Đồng.

Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: Tất cả chiều sâu văn hóa, lịch sử, nhân văn ấy đã tạo nên một Di Linh khác biệt. Với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa độc đáo, huyện Di Linh có tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng; trong đó những khu nghỉ dưỡng mở ra cảnh quan đẹp tiếp cận với núi, đồi, sông, suối, thác, hồ; thưởng lãm thiên nhiên gắn với tìm hiểu trải nghiệm giá trị văn hóa lịch sử. Vì vậy, phát triển du lịch ở Di Linh cần một lối đi riêng khác biệt. Cùng với phát triển nông nghiệp cảnh quan, việc khai thác tiềm năng cảnh quan thiên nhiên cần hòa vào chiều sâu văn hóa, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách.

Đến nay, có 14 dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh trên địa bàn huyện và 21 dự án kêu gọi đầu tư của huyện nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế; trong đó, các dự án phát triển du lịch đang là hướng đi đúng. Có thể kể, Dự án Khu du lịch sinh thái rừng, nghỉ dưỡng hồ Ka La và núi Brăh Yàng; khu nghỉ dưỡng tích hợp làng đô thị sinh thái bên hồ Thủy điện Đồng Nai 2; khu đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch tổng hợp cánh đồng trung tâm thị trấn Di Linh; khu dân cư, du lịch, vui chơi giải trí khu vực Hồ Tây; Hồ Đông; hồ 1019; hồ Tân Lập; khu dân cư thôn Đăng Rách gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch canh nông; dự án du lịch sinh thái thác Phú Xuân… Tất cả nhằm khai thác tiềm năng, phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa.

Đặc biệt, Làng văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho được tỉnh và huyện đầu tư xây dựng tại thôn K’Long Trao (xã Gung Ré) là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc bản địa. Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, những năm qua, huyện Di Linh luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người K’Ho, để miền đất đẹp Di Linh ngày càng có sức hấp dẫn, níu chân du khách. Du khách đến với Di Linh, vừa được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, núi rừng, thác, hồ, sông, suối, cả những đồi cà phê trải rộng; vừa đắm mình trong Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, trải nghiệm lễ hội cộng đồng, thưởng lãm ẩm thực độc đáo, tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào K’Ho.

Nguồn: https://baolamdong.vn/du-lich/202503/du-lich-di-linh-can-mot-loi-di-rieng-7ec0988/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm