Không có đường bay càng khó thu hút khách
Ngày 29.3, tại TP.Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Sở VH-TT-DL Cần Thơ tổ chức hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour – tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL”. Sự kiện nhằm thúc đẩy phát triển du lịch ĐBSCL 1 trong 7 vùng du lịch của quốc gia, với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch biển đảo…
Ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đã gợi mở một số vấn đề chính để thảo luận như làm rõ các các sản phẩm du lịch đặc thù của khu vực ĐBSCL, đánh giá thực trạng xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch tại ĐBSCL; đề xuất cơ chế phối hợp giữa các tác nhân trong chuỗi du lịch; phát huy những đặc trưng, thế mạnh của du lịch ĐBSCL trong thời gian tới…
Theo các chuyên gia, thế mạnh của ĐBSCL là hệ sinh thái đa dạng và phong phú, gồm: biển, đảo, cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ… Ngoài ra, ĐBSCL còn có hơn 735 km bờ biển và hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều bãi tắm hoang sơ… Đây là những tài nguyên du lịch rất quý giá mà hiếm vùng đất nào có được.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, du lịch ĐBSCL nói chung vẫn có nhiều hạn chế rất khó khắc phục. “Du lịch Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đều đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương”.
Dù vậy, ở góc độ lữ hành, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ cho rằng, du lịch ĐBSCL thực tế đã có nhiều đổi mới về sản phẩm, nhiều chuyển biến tích cực trong quảng bá, kết nối với các trung tâm du lịch ngoài vùng như TP.HCM, Đà Nẵng, các tỉnh phía bắc… Bên cạnh đó việc hoàn thiện các tuyến đường cao tốc cũng là thuận lợi rất lớn, thúc đẩy du lịch ĐBSCL.
Song, bên cạnh những tồn tại như sản phẩm du lịch đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo thì khó khăn lớn hiện nay là việc khai thác các đường bay rất kém hiệu quả. Đơn cử là sân bay Cần Thơ dù gọi là sân bay quốc tế nhưng hoàn toàn không có đường bay quốc tế nào được duy trì đến thời điểm hiện tại. Còn trong số 11 đường bay nội địa từ Cần Thơ kết nối các vùng miền hiện nay chỉ còn có 4 đường bay. “Không có đường bay thì việc gia tăng du khách đến với miền Tây lại càng trở nên khó khăn”, bà Thy nói.
Phát huy du lịch theo mùa, du lịch xanh…
Bà Lê Đình Minh Thy cũng đề xuất, cùng với việc phát triển mạng lưới chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn; hợp tác với các đối tác trong vùng và vùng kết nối với các đối tác quốc tế… Cần có sự hợp tác chặt chẽ để xây dựng các gói ưu đãi và khuyến mãi, giúp thu hút du khách và gia tăng sự quan tâm từ các đối tác quốc tế. Trong đó, phối hợp với các hãng hàng không để mở rộng chuyến bay thuê bao (charter flights) đến miền Tây theo mùa như mùa lễ hội sông nước, mùa lễ hội bánh tét, mùa nông sản… Đồng thời tổ chức các hoạt động lễ hội, triển lãm, hoạt động thể thao, văn hóa các chương trình giảm giá đặc biệt. Đó sẽ là những cách quan trọng để thu hút du khách và phát triển du lịch ĐBSCL…
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa rất cao. Do vậy, việc liên kết giữa các địa phương ĐBSCL là rất cần thiết, nhằm phát huy những thế mạnh riêng có của mỗi địa phương để xây dựng và phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng của cả vùng tránh được sự trùng lặp, dễ gây nhàm chán cho du khách khi đến với du lịch ĐBSCL”.
Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có 3 vấn đề lớn được đặt ra cho ĐBSCL là chính sách phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù và nâng cao tính cạnh tranh. Ở đó, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở quản lý du lịch trong việc đề xuất, tư vấn các cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tái cấu trúc doanh nghiệp, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Nhà nước cần tập trung hỗ trung cho nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới, như du lịch Mice, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – lịch sử. Đặc biệt là du lịch xanh mà ĐBSCL là khu vực giàu tiềm năng.
Ước tính năm 2023, tổng số khách đến ĐBSCL đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn ba lần với năm 2022. Doanh thu đạt gần 46.000 tỉ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ 2022.