Những “cuộc bứt tốc” ấn tượng
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho biết trong 6 tháng đầu năm, VN đón 5,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 13,5 lần cùng kỳ năm ngoái và đã đạt 67% so với 2019.
Trong 10 thị trường khách quốc tế đến VN nhiều nhất nửa đầu năm nay, Hàn Quốc vẫn giữ vị trí đứng đầu với hơn 1,6 triệu lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến VN. Mặc dù mới chỉ vừa mở cửa hồi 15.3 năm nay và giới hạn trong đối tượng khách đoàn, song thị trường Trung Quốc đã nhanh chóng “làm chủ cuộc đua” với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, vươn lên vị trí thứ 2 trong danh sách thị trường đưa khách tới VN nhiều nhất với 557.000 lượt người trong 6 tháng. Mỹ đứng thứ 3 với 374.000 lượt.
Đáng chú ý, nếu tính về mức độ phục hồi so với trước dịch, đã có 5 thị trường phục hồi vượt mức 6 tháng đầu năm 2019 là Campuchia (338%), Ấn Độ (236%), Lào (117%), Thái Lan (108%) và Singapore (hơn 107%). Hai thị trường phục hồi gần về mức 2019 là Mỹ (95%) và Úc (92%). Một số thị trường khác cũng phục hồi ở mức cao là Hàn Quốc (77%), Anh (gần 79%), Đức (84%).
Thực tế, ngay sau khi VN mở cửa du lịch trở lại hồi tháng 3.2022, Campuchia đã gây bất ngờ lớn khi liên tục nằm top các quốc gia có lượng khách đến VN đông nhất. Chỉ 8 tháng sau khi du lịch VN chính thức mở cửa, khách du lịch Campuchia đến VN tăng trưởng tới 205% so với cùng kỳ năm 2019. Đến hết năm 2022, du khách từ Campuchia vẫn giữ “phong độ” tăng trưởng, vào top 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến VN và đang trở thành thị trường có mức độ phục hồi mạnh nhất so với giai đoạn hoàng kim 2019.
Nhu cầu tăng mạnh đã thúc đẩy hãng hàng không quốc gia Campuchia chính thức khai thác đường bay thương mại chở khách giữa Siem Reap và Hà Nội với tần suất ban đầu 3 chuyến/tuần, từ cuối tháng 12.2022, tiếp nối việc khai thác mạnh mẽ trở lại các đường bay giữa VN – Campuchia như TP.HCM – Phnom Penh/Siem Reap/Sihanoukville; Hà Nội – Phnom Penh; Đà Nẵng – Siem Reap… Mới nhất từ 1.7, Vietnam Airlines cũng vừa nối lại đường bay xuyên Đông Dương theo hành trình Hà Nội – Luang Prabang (Lào) – Siem Reap (Campuchia) và ngược lại, với tần suất 3 chuyến/tuần, dự kiến tăng lên 5 chuyến/tuần từ 30.10.
Lý giải sự tăng trưởng mạnh từ thị trường Campuchia và Lào, ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, cho biết trước đây người Campuchia và Lào gần như không có nhu cầu đi du lịch. Họ qua VN rất nhiều nhưng chủ yếu để chữa bệnh. Song khoảng vài năm trở lại đây, Đà Lạt và một số điểm đến ở VN thu hút nhiều khách Campuchia. Đặc biệt ở Kiên Giang, khách Campuchia đi đường biển sang cửa khẩu Hà Tiên rất đông, sử dụng nhiều các dịch vụ cao cấp. Nhu cầu du lịch VN của dòng khách Campuchia, Lào đã và đang tăng trưởng rất nhiều.
Không kém cạnh Campuchia và Lào, Thái Lan một lần nữa “lặp lại kỷ lục” giai đoạn đầu năm 2019 khi vượt qua Trung Quốc và Hàn Quốc để nằm nhóm dẫn đầu thị trường có tốc độ tăng trưởng khách đến VN cao nhất. Hồi 2019, số lượt khách Thái Lan đến VN đạt xấp xỉ 509.802 người, trở thành quốc gia tại châu Á có mức tăng trưởng tốt nhất về lượt khách đến VN, tương đương mức tăng 145,9% so với năm 2018. Thực tế, với thời gian bay khoảng 2 giờ và rất nhiều đường bay thẳng tới các điểm du lịch hấp dẫn, không cần xin visa, VN là điểm đến ưu tiên ngay khi chính phủ Thái Lan cho phép người dân được thoải mái xuất ngoại du lịch. Ngoài thuận tiện về di chuyển, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung cũng có tài nguyên, hạ tầng điểm đến, sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu khách Thái. Từ đầu năm đến nay sau khi VN chính thức mở cửa du lịch, Thái Lan luôn nằm trong top 10 nguồn khách đến nước ta.
Cuộc bùng nổ ấn tượng nhất phải kể đến thị trường tỉ dân là Ấn Độ. Chưa đầy 1 năm kể từ khi VN chính thức “tính kế” hút dòng khách sộp này, hàng loạt đường bay thẳng từ các hub du lịch của VN được nối trực tiếp tới các TP nổi tiếng của Ấn Độ. Năm 2019, 3 điểm đến phổ biến nhất với người Ấn Độ là Thái Lan, Malaysia và Indonesia, nhưng hậu Covid-19, cái tên VN đã xuất hiện trong top đầu. Theo CNN đăng tải, lượng du khách Ấn Độ được dự báo đến VN sẽ tăng ít nhất 1.000% so với mức trước đại dịch. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, các đoàn khách du lịch hạng sang Ấn Độ còn có xu hướng mong muốn tìm kiếm các trải nghiệm mới lạ vào những dịp đặc biệt như tổ chức đám cưới, kỷ niệm ngày cưới, tuần trăng mật… tại VN.
Rục rịch kết nối các thị trường xa
Theo Tổng cục Du lịch, 2 thị trường phục hồi gần về mức 2019 là Mỹ (95%) và Úc (92%). Tại thị trường châu Âu, những nước có lượng khách đến VN nhiều nhất là Anh (gần 130.000 lượt), Pháp (gần 106.000) và Đức (99.200). Khách Nga – một trong những thị trường lớn nhất của VN trước dịch – trong 6 tháng qua mới đạt 62.000 lượt, bằng 17% năm 2019. Ngoài thị trường Nga đã được dự báo trước sẽ rất khó khăn do cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa kết thúc, các thị trường châu Âu vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng bởi đây đều là những quốc gia nằm trong danh sách các nước được miễn thị thực khi tới VN.
Lý giải điều này, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Vietluxtour, nhận định ngành du lịch cũng đã xác định trước rằng hết năm nay, lượng khách sẽ không thể phục hồi như giai đoạn trước dịch, đặc biệt là đối với các thị trường xa như Mỹ, Úc, các nước châu Âu. Thứ nhất do bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, sức mua yếu đi sau 3 năm dịch bệnh. Khách cũng có xu hướng chuyển đổi hành vi du lịch, chọn các chuyến đi ngắn ngày hơn, tới các nước có khoảng cách bay gần hơn. Bên cạnh đó, bắt đầu từ quý 2 và quý 3 không còn là mùa cao điểm khách Âu, Mỹ nên lượng khách có thể sẽ còn giảm, phải đến khoảng tháng 9 – 10 mới bắt đầu quay trở lại.
“Trước đây, các quy định giới hạn về số ngày lưu trú, số lần nhập cảnh gây rất nhiều khó khăn trong việc thiết kế, xây dựng chương trình tour phù hợp với nhu cầu của đối tượng khách châu Âu. Nay, chính sách visa đã được cởi mở thông thoáng hơn, đã giúp tháo gỡ những nút thắt. Từ nay tới khi luật mới chính thức có hiệu lực, nếu các đơn vị sớm có hướng dẫn cụ thể để thông tin tới đối tác thì tới tháng 10 – 11, có thể VN sẽ đón làn sóng khách tới mạnh mẽ hơn từ các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc…”, ông Trần Thế Dũng dự báo.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cũng tự tin VN sẽ vượt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế và có thể sẽ đạt tới con số 12 triệu lượt khách trong năm nay, nhờ cú hích là những chính sách mới liên quan visa.
Không thể tiếp tục lỡ nhịp
Gọi các chính sách mới liên quan đến thị thực là “món quà hàng đầu và là thông điệp rất quan trọng trong tiến trình hội nhập, chào mời thu hút người nước ngoài đến VN”, song TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, cho rằng cần những chính sách đột phá hơn nữa để du lịch cũng như thương mại, kinh tế của VN có điều kiện bứt tốc mạnh mẽ.
Theo ông, VN đang là một quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch và là một địa điểm hàng đầu trong thu hút đầu tư quốc tế. Sau đại dịch Covid-19, với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, VN được thế giới rất chú ý và rất nhiều các nhà du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư, kinh doanh đang có nhu cầu đến nước ta du lịch, tìm hiểu để đầu tư, kinh doanh. Thế nhưng, ngay cả khi VN đã nâng thời hạn cấp chứng nhận thị thực tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày thì đây vẫn là mức bình quân các nước trong khu vực đang áp dụng. Ngoài ra, VN hiện nay mới đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân 25 nước, thấp hơn so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực.
Ngành du lịch đang chạy đà rất tốt
Một vài thị trường có độ nhạy cao như Trung Quốc, ngay khi VN mở visa online thì lượng khách lẻ, khách gia đình chắc chắn sẽ lập tức tăng mạnh. Một số thị trường gần nếu được miễn visa đơn phương có thể thu hút được ngay. Các thị trường xa như khách từ châu Âu, châu Mỹ thì có độ trễ khoảng 6 tháng – 1 năm để họ lên kế hoạch và tích lũy thu nhập cho chuyến đi. Nhìn chung, ngành du lịch đang chạy đà rất tốt cho cuộc bùng nổ vào 6 tháng cuối năm và năm 2024.
Ông Cao Trí Dũng
“Chúng ta đặt mục tiêu cạnh tranh với các nước ở top đầu nhưng chính sách đã mở muộn hơn, lại mở ở tầm trung bình thì sẽ rất khó để tạo ra được những đột phá. Danh sách mở rộng thị thực đơn phương cho các nước cũng cần nhanh chóng ban hành đồng bộ để nâng sức cạnh tranh của VN, không bỏ lỡ thời cơ tăng tốc du lịch, thương mại, kinh tế”, ông Lộc đề xuất.
Đồng tình, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ cũng nhấn mạnh các chính sách tháo nút thắt cho du lịch không thể chỉ nhằm mục tiêu đạt chỉ tiêu 8 triệu lượt khách mà phải thực sự thể hiện quyết tâm muốn vực dậy và đột phá du lịch sau dịch. Chúng ta hồ hởi đón 5,6 triệu lượt khách trong nửa năm, nhưng chỉ mới 5 tháng, Thái Lan đã đón đến 11 triệu lượt khách trên mục tiêu 25 – 30 triệu khách quốc tế cho cả năm nay, gấp đôi VN. VN phải đạt 10 – 12 triệu khách trong năm 2023 thì đến năm 2024 mới có thể trở lại được mức tăng trưởng như 2019 và tiếp tục phát triển, tăng tốc cạnh tranh từ 2025.
Đó là chưa kể với các yếu tố hấp dẫn du khách đến, VN đang rất hạn chế. Chúng ta chưa có sản phẩm nổi trội, độc đáo. Trong bối cảnh các điểm đến ngày càng đua nhau bứt phá, nếu không có sản phẩm tốt thì du lịch VN sẽ “chìm nghỉm”, không có “ngọn cờ” để truyền thông. Ngoài ra, công tác quảng bá, truyền thông chưa được chú trọng. Hiện nay, gần như chỉ có doanh nghiệp hàng không, lữ hành tự bỏ tiền tổ chức quảng bá, tiếp cận và khởi động thị trường. Như vậy rất khó hiệu quả.
“Với chính sách mới, các công ty lữ hành có thể xây dựng mô hình sản phẩm đa dạng hơn, chất lượng hơn, níu chân khách ở lại lâu hơn để chi tiền nhiều hơn. Song, VN sẽ không thể cạnh tranh với danh sách 26 nước được miễn thị thực, trong khi xung quanh Malaysia và Singapore đã miễn thị thực cho 162 quốc gia, Philippines miễn 157 quốc gia, Thái Lan miễn cho công dân 64 quốc gia… Đây là đòi hỏi tất yếu trong vấn đề cạnh tranh điểm đến và không thể chần chừ thêm nữa. VN không thể tiếp tục để lỡ nhịp bứt tốc lần này, nếu không du lịch của chúng ta sẽ mãi chạy theo sau”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
VN lên top đầu thế giới về lượng tìm kiếm du lịch
Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google cho thấy, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch VN liên tục tăng trong top đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6. VN là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này. Các thị trường quan tâm nhiều nhất đến du lịch VN gồm có: Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức, Pháp. Đây đều là những thị trường trọng điểm của nước ta. Nếu nắm bắt được xu hướng thị trường, VN có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế trong thời gian tới.
Lực đỡ cho tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2023
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; Đặc biệt, khu vực dịch vụ, du lịch đạt tăng trưởng 6,33%, cao hơn gần gấp đôi so với mức tăng trưởng GDP nền kinh tế, đóng góp tới 78,85% trong tăng trưởng chung.