Tiềm năng lớn
Theo tổng kết ngành du lịch 8 tháng năm 2022 của Tổng cục Du lịch, Campuchia là một trong 3 nước có số lượng khách đến VN đông nhất, sau Hàn Quốc và Mỹ, khiến không ít người bất ngờ. Bởi giai đoạn hoàng kim của ngành du lịch trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19, không mấy ai quan tâm đến du khách Lào, Campuchia. Khách đến bằng đường bộ được trông chờ, chủ yếu chỉ từ thị trường “khổng lồ” Trung Quốc. Vì thế, giai đoạn nước này “cửa đóng then cài”, chúng ta cũng gần như quên luôn đối tượng khách qua cửa khẩu đường bộ. Thế nhưng một cách không ồn ào, du khách Campuchia, Lào qua VN ngày càng tăng.
Cụ thể, chỉ 8 tháng sau khi du lịch VN chính thức mở cửa, khách du lịch Campuchia đến VN tăng trưởng tới 205% so với cùng kỳ năm 2019. Đến hết năm 2022, du khách từ Campuchia vẫn giữ “phong độ”, tăng trưởng mạnh và nằm trong top 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến VN.
Ông Trương Đức Hải (Giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông)
Nhu cầu tăng mạnh đã thúc đẩy Hãng hàng không quốc gia Campuchia chính thức khai thác đường bay thương mại chở khách giữa Siem Reap và Hà Nội với tần suất ban đầu 3 chuyến/tuần, từ cuối tháng 12.2022, tiếp nối việc khai thác mạnh mẽ trở lại các đường bay giữa VN – Campuchia như TP.HCM – Phnom Penh/Siem Reap/Sihanoukville; Hà Nội – Phnom Penh; Đà Nẵng – Siem Reap…
“Người anh em” Lào cũng là một trong những yếu tố tạo nên nhiều điểm sáng cho thị trường du lịch quốc tế của nước ta. Năm 2019, hoạt động trao đổi khách của hai nước đã đạt trên 1,2 triệu lượt. Có một số giai đoạn như đầu năm 2017, lượng du khách Lào thậm chí còn vượt Trung Quốc, trở thành thị trường khách quốc tế lớn nhất đến VN. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, Lào thường nằm trong nhóm 15 thị trường hàng đầu của du lịch VN, trong khi VN là thị trường gửi khách lớn thứ 3 của Lào. 6 tháng đầu năm 2022, VN đón hơn 18.600 lượt khách Lào.
Đã từng khai thác tuyến điểm Hành trình Tiểu vùng sông Mekong và khai thác dòng khách Campuchia từ cách đây hơn 1 thập niên, ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, đánh giá nhu cầu du lịch VN của dòng khách Campuchia, Lào hiện đã tăng trưởng rất nhiều so với giai đoạn khoảng 10 năm trở về trước.
Trước đây, Hòn Ngọc Viễn Đông cũng tổ chức tour đón khách Campuchia đi đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), hành trình Nha Trang – Đà Lạt – TP.HCM 5 ngày 4 đêm. Khách Campuchia đi đường bộ sang VN rất thuận lợi. 5 giờ sáng khách đi từ Phnom Penh, đến khoảng 8 giờ tới cửa khẩu, làm thủ tục xong rồi ăn sáng, bắt đầu hành trình khám phá VN là “vừa đẹp”. Tuy nhiên, sau đó chương trình tour này không thể triển khai tiếp do giá tour quá thấp, không có lời và lượng khách quá ít. Phải trên 15 khách công ty lữ hành mới tổ chức được tour, nhưng nhiều tuần ì ạch mãi mới gom được 10 người.
“Thời điểm đó, người Campuchia và Lào gần như không có nhu cầu đi du lịch nhiều. Họ qua VN chủ yếu để chữa bệnh. Song khoảng vài năm trở lại đây, các điểm đến như Đà Lạt và Phú Quốc đang được khách Campuchia rất ưa chuộng. Đặc biệt ở Phú Quốc (Kiên Giang), khách Campuchia đi đường biển sang cửa khẩu Hà Tiên rất đông, sử dụng dịch vụ cao cấp của khách Trung Quốc, nghĩa là nhu cầu du lịch đã thay đổi nhiều. Siem Reap không thiếu người giàu và có một lưu ý là các công ty lữ hành bên Campuchia thường chỉ xúc tiến khách inbound, đưa người Việt sang Campuchia. Họa hoằn chỉ có 1 – 2 đơn vị xúc tiến bán tour sang VN. Tổng quan thì thị trường này có rất nhiều dư địa”, ông Trương Đức Hải đánh giá.
…Nhưng không ai khai thác?
Nghịch lý ở chỗ, thị trường tiềm năng là vậy nhưng tính trên phạm vi cả nước, số doanh nghiệp lữ hành VN tổ chức tour đón khách Lào, khách Campuchia chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đại diện Tổng cục Du lịch VN cũng nhận định tiềm năng du lịch biên giới VN – Lào – Campuchia là khá lớn, nhưng lượng khách du lịch đến với khu vực này còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Du lịch biên giới giữa 3 nước nhìn chung chưa có đột phá mạnh mẽ. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp tại các tỉnh biên giới phần lớn tập trung vào thương mại là chính, chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực du lịch…, nên sản phẩm du lịch biên giới chưa thực sự hấp dẫn du khách.
Ông Trương Đức Hải lý giải: Đa số khách từ Campuchia và Lào sang VN chỉ phục vụ nhu cầu chữa bệnh. Đối tượng khách này liên hệ trực tiếp với các bệnh viện hoặc thông qua một số “cò”, môi giới. Chưa kể, có rất nhiều người Campuchia và Lào rành tiếng Việt, có họ hàng tại VN, họ chủ động mọi khâu nên doanh nghiệp du lịch không có “cửa”.
“Quan trọng nhất là từ trước đến nay, ngành du lịch nước ta gần như không có khái niệm xúc tiến du lịch tại các thị trường này. Đơn cử như khách Campuchia rất thích Đà Lạt, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất tỉnh Lâm Đồng liên kết cùng TP.HCM, Tây Ninh tạo thành tuyến du lịch rồi mang đi quảng bá, xúc tiến tại các thành phố lớn bên Campuchia nhưng không ai làm. Nguồn khách đã đặc thù, địa phương không liên kết sản phẩm, không xúc tiến, chỉ mình doanh nghiệp cố gắng thôi thì không thể làm được”, ông Trương Đức Hải nói.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Lửa Việt, thẳng thắn cho rằng ngành du lịch VN chưa đánh giá đúng tiềm năng cực lớn từ 2 thị trường Campuchia và Lào. Chưa nói đến khai thác, một số địa phương khi thống kê khách quốc tế đến thậm chí còn không thống kê khách từ 2 thị trường này.
“Ngay cả số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Du lịch cũng không chính xác. Trước dịch, mỗi ngày chỉ riêng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đón 7 – 8 chuyến xe liên vận quốc tế, khách qua lại không dưới 1 triệu người/năm nhưng không được thống kê. Nguồn khách Campuchia sang VN chữa bệnh cực lớn. Có những bệnh viện tại TP.HCM, 70% bệnh nhân là người Campuchia thì con số thực tế không thể ít như vậy”, ông Mỹ chỉ rõ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Mỹ, tiềm năng du lịch chữa bệnh tại 2 thị trường Lào, Campuchia hiện nay lớn như vậy nhưng các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa khai thác được là do chưa có sự liên kết, bắt tay chặt chẽ giữa 2 ngành y tế và du lịch. Khách Lào, Campuchia chữa bệnh tại VN được hưởng nhiều ưu đãi. Chi phí để người Campuchia chữa bệnh tại VN rẻ hơn rất nhiều so với tại Thái Lan. Tuy nhiên, việc di chuyển tự túc qua VN hiện nay rất dễ, vì thế các doanh nghiệp du lịch không thể nắm được số lượng nguồn khách chính xác để lên phương án khai thác.
“Mạnh ai nấy làm nên ngành du lịch vẫn đứng ngoài, chưa có chương trình kết hợp để đẩy mạnh khai thác nguồn khách tiềm năng này. Các doanh nghiệp du lịch vì thế cũng khó triển khai tour đón khách Campuchia”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Lửa Việt)