Cơ hội vực dậy du lịch, hàng không, lưu trú…
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp liên quan đến việc miễn visa đơn phương của VN cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN.
Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ đề xuất một số chính sách trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN theo quy định pháp luật.
Các bộ báo cáo Chính phủ đệ trình Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5) đối với 3 nội dung: Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày; đặc biệt, kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh VN từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Như vậy, du khách quốc tế đến VN có thể lưu trú tới 3 tháng và thoải mái ghé thăm các nước khác rồi quay lại VN mà không cần xin lại visa.
“Quá tốt rồi! Đây là những thay đổi mà ngành du lịch đã trông ngóng suốt thời gian qua”, bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc điều hành Công ty du lịch và sự kiện Viettours, hứng khởi đón nhận thông tin mới này. Theo bà Lan, sau khi VN chính thức mở cửa, các doanh nghiệp (DN) du lịch đã tích cực nối lại thị trường, liên hệ với các đối tác quốc tế để mau chóng đón khách, phục hồi hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, bên cạnh những điều kiện hạ tầng chưa kịp “thức giấc” sau kỳ ngủ đông dài nhất lịch sử thì “cửa vào” là thủ tục cấp visa cho khách quốc tế cũng vẫn còn khó khăn. Nhiều đoàn khách của Viettours vẫn kẹt do quá trình xin visa ràng buộc nhiều điều kiện và muốn làm nhanh phải đến Cục Xuất nhập cảnh xếp hàng từ rất sớm…
“Hiện nay, các đối tác nước ngoài của chúng tôi đã quan tâm thăm dò thị trường nhiều hơn, lượng khách quốc tế đến VN cũng bước đầu khởi sắc. Nếu chính sách này được thông qua thì du khách sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Ngành du lịch sẽ phát triển thuận lợi hơn, người lao động có việc làm, DN cũng thoát khỏi bờ vực phá sản”, bà Tuyết Lan nhận định.
Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ gọi đây là cú hích của ngành du lịch VN nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 và triển khai ngay từ tháng 6. Chính sách visa được mở theo đề xuất của Chính phủ sẽ giúp ngành du lịch VN cân bằng trở lại về sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Từ đó, các DN như Vietravel có thể tự tin thúc đẩy chào bán tour từ bây giờ, thuận lợi hơn trong công tác tiếp thị, truyền thông, xây dựng thêm đa dạng các dòng tour để thu hút khách đến VN. Không chỉ là tin vui với riêng ngành du lịch, theo ông Kỳ, đây còn là cơ hội vực dậy cho cả ngành hàng không và hệ thống lưu trú. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng có cơ hội thoát cảnh kiệt quệ.
Du lịch chờ mở nút thắt visa | Chuyển động Kinh tế
Nên miễn visa cho những nước nào?
Sau khi Chính phủ thống nhất với Bộ Công an trình Quốc hội thông qua nhiều chính sách mới trong luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN, ngành du lịch đang tiếp tục trông chờ Bộ Ngoại giao trình danh sách các nước mở rộng diện áp dụng của chính sách miễn thị thực đơn phương.
Hiện nay, VN mới chỉ miễn thị thực cho công dân 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương, chỉ bằng 1/3 số quốc gia được miễn thị thực khi vào Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/6 của Indonesia và chưa bằng 1/7 của Singapore.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 15.3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết Bộ đang đàm phán hiệp định miễn thị thực với các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn VN như các nước Mỹ Latin, Qatar, Kazakhstan, Mông Cổ, Maldives…
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng việc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương cần hướng tới những thị trường trọng điểm, có mức chi tiêu cao. Đơn cử, Canada hiện có mức chi tiêu trên 33 tỉ USD; hoặc các nước châu Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ đều chi từ 21 – 26 tỉ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch là những nước hiện thuộc chính sách được miễn visa.
“Tôi rất mong muốn các quy trình cần được rút gọn làm sao chỉ trong 1 kỳ họp là xong và chính sách mở visa có thể đồng bộ có hiệu lực ngay, trước mùa du lịch hè để chúng ta đón du khách, thực hiện mong muốn đón 8 triệu lượt khách, thậm chí còn hơn trong năm 2023”, ông Trường đề xuất.
Bên cạnh các thị trường trọng điểm, thị trường khách hạng sang như Trung Đông và các nước châu Âu, ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị mở rộng chính sách visa cần tập trung thêm vào các thị trường mục tiêu như Ấn Độ, thị trường Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là những thị trường dân số lớn, lượng khách cao mà ngành du lịch VN đang đặt mục tiêu “đánh bằng được”. Ngoài ra, một số dòng khách đặc thù như khách tàu biển chi tiêu lớn, số lượng mỗi đoàn đông tới 2.000 – 3.000 người và chỉ lưu trú thời gian ngắn (10 – 15 ngày) cũng nên được tạo điều kiện miễn visa.
“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tác động lan tỏa rất lớn. Cú hích cho ngành du lịch sẽ tạo nên đột phá cho cả nền kinh tế. Chính sách visa cởi mở, nếu công tác xúc tiến được quan tâm, đầu tư song song tốt hơn nữa thì mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế đến VN trong năm nay hoàn toàn trong tầm tay. VN có thể đón khoảng 10 triệu khách”.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation