“Viên ngọc quý” đang dần sáng
Được mệnh danh là “lá phổi xanh của thành phố”, huyện đảo Cần Giờ không chỉ có đường bờ biển dài, có hệ sinh thái rừng ngập mặn được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới với đa dạng loài động thực vật. Trên địa bàn huyện còn có Khu di tích lịch sử cấp quốc gia chiến khu Rừng Sác, điểm đến du lịch cộng đồng như Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An. Các lễ hội, làng nghề truyền thống của người dân, về ẩm thực thì Cần Giờ cũng không hề kém cạnh các địa điểm du lịch biển của đất nước hình chữ S.
Cách trung tâm TP HCM chỉ hơn 40 km nơi này đã và đang xuất hiện nhiều khu nghỉ dưỡng, lưu trú chất lượng. Theo thống kê Cần Giờ đã có trên 19 cơ sở lưu trú, 10 nhà hàng, 49 quán ăn; 6 khu, điểm du lịch.
Với những lợi thế đang được phát triển của Cần Giờ, nhiều công ty du lịch, lữ hành đã khai thác như công ty BenThanh Tourist, chèo sup xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ, Tour Rừng Sác Cần giờ của Lữ Hành Saigontourist…
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch xã hội (Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) cho biết, trong các điểm du lịch hiện nay của TPHCM, xét về tài nguyên tự nhiên thì Cần giờ là điểm có rất nhiều tiềm năng để phát triển, người dân thành phố đã quá ngột ngạt với bầu không khí và những tòa nhà chọc trời thì chắc chắn họ sẽ cần tìm kiếm một bầu không khí trong lành như là điểm du lịch chữa lành và Cần Giờ đang hội tụ đầy đủ những yếu tố đó.
Tài nguyên du lịch của Cần Giờ phải nói là “dư” để trở thành một địa điểm lý tưởng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia lĩnh vực du lịch, nơi này vẫn chưa khai thác đúng tiềm năng và lợi thế vốn có.
Nói về điều này, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch xã hội (Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) cho rằng: “Cần Giờ đã manh nha bắt đầu và khai thác thận trọng về du lịch, đây là một điều hết sức đúng đắn. Tuy Cần Giờ có đủ lợi thế nhưng cái khó là làm sao hài hòa giữa khai thác du lịch với việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường… Khai thác du lịch là chúng ta đang tận dụng giá trị của thiên nhiên để thu lại, dù vậy, giá trị của thiên nhiên vẫn là quan trọng nhất, nếu đặt mục tiêu khai thác du lịch Cần Giờ để thu lợi nhuận thì không sớm thì muộn cảnh quan nơi đây sẽ bị phá hủy. Vì thế, hiện để làm sáng viên ngọc quý này thì phải từng bước, theo quy chuẩn”.
Lối mở ngành công nghiệp không khói
Thời gian qua Cần Giờ đang phát triển các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái ở sinh cảnh hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, du lịch sông nước gắn với du lịch làng nghề, trải nghiệm cuộc sống người dân, du lịch văn hóa gắn với lễ hội tâm linh… Song, việc đánh thức tiềm năng ngành kinh tế không khói tại Cần Giờ không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, công ty du lịch, lữ hành mà còn là nhiệm vụ của cộng đồng và những người yêu thích du lịch bền vững.
Một số ý kiến của các chuyên gia cho rằng, trước mắt, cơ quan ban ngành cần đẩy nhanh tiến độ tiếp tục đầu tư vào cải thiện và duy trì các cơ sở hạ tầng du lịch. Tận dụng đặc điểm tự nhiên và văn hóa của Cần Giờ để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn. Chú trọng vào du lịch sinh thái, cộng đồng, và kết hợp với chương trình OCOP để tạo ra những sản phẩm du lịch bền vững và mang giá trị văn hóa.
Mở rộng tiếp cận và quảng bá trên thị trường sẽ giúp Cần Giờ thu hút đối tượng du khách đa dạng và mở cửa cho cơ hội hợp tác quốc tế. Việc đầu tư đúng đắn vào phát triển và bảo tồn tài nguyên du lịch, cùng với sự hợp tác chặt chẽ từ cộng đồng và doanh nghiệp cũng là chìa khóa quan trọng để định hình một hành trình phát triển bền vững và thành công cho Cần Giờ…
Nhiều năm qua, TP HCM đã cố gắng không ngừng để phát triển “viên ngọc” này thật sự tương xứng với tiềm năng. Cụ thể Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã ban hành Quyết định 12 về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường. Trong đó, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn. Hay sẽ có siêu cảng biển Cần Giờ.
Gần hơn, UBND TP HCM đã ra quyết định duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án xây dựng quảng trường văn hóa, thể dục thể thao huyện Cần Giờ. Ngoài quảng trường rộng lớn, Cần Giờ còn được quy hoạch là đô thị biển Cần Giờ sẽ có công viên, sân golf, resort, sân vận động, tòa nhà 108 tầng, đưa nơi đây thành điểm giải trí, du lịch tầm cỡ khu vực…
Với những hành động quyết liệt, du lịch Cần Giờ cũng đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực, lượng du khách đến Cần Giờ tăng lên hàng năm, đã có trên 2 triệu lượt, chiếm 8,7% khách du lịch đến TP HCM. Đóng góp vào kết quả chung của TP HCM trong năm 2023 với 5 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch trên 160.000 tỷ đồng, nằm trong top 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2023.
Chung tay xây dựng Cần Giờ thành điểm đến du lịch bền vững, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ và tôn vinh giá trị văn hóa và điều kiện tự nhiên độc đáo của TP HCM nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng.