Theo số liệu thống kê từ Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, tính từ ngày 29/4 đến 8 giờ ngày 3/5, tổng lượt khách đến Cà Mau du lịch và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí đạt trên 222.700 lượt khách, tăng trên 267% so với cùng kỳ năm 2022.
Sở dĩ năm 2023 khách du lịch đến Cà Mau đông hơn và sử dụng dịch vụ thông qua các tour tăng là vì đường bay nối liền Cà Mau – Hà Nội và ngược lại được khai trương trước lễ (ngày 29/4 đã có chuyến đầu tiên), tạo điều kiện thuận lợi cho du khách từ miền Bắc đến vùng đất tận cùng của Tổ quốc và các công ty lữ hành cũng tiện hơn khi sắp xếp lịch trình tham quan nghỉ ngơi cho khách hàng của mình.
Thêm vào đó, thời gian nghỉ lễ năm nay dài ngày (đến tận 5 ngày) nên khách phương xa lưu trú và sử dụng dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cũng nhiều hơn mọi năm. Họ muốn thăm thú và khám phá chuỗi sự kiện “Cà Mau – Ðiểm đến 2023” để tìm hiểu nhiều hơn về cảnh vật, văn hoá, đặc sản… của địa phương cực Nam của Tổ quốc. Nhiều yếu tố tổng hoà đúng thời điểm đã làm nên cú đột phá cũng như tiếng vang lớn cho du lịch Cà Mau.
Hoạt động tại chuỗi sự kiện “Cà Mau – Ðiểm đến 2023” tạo được sức hút khá lớn với du khách. Ảnh: NHẬT MINH |
Tuy nhiên, câu chuyện mà ngành du lịch Cà Mau phải đối mặt đó là làm sao để khách quay lại lần nữa. Ngoài lượng khách mới, việc giữ chân lượng khách trung thành vẫn là vấn đề bức thiết. Bài toán này nằm ở khá nhiều yếu tố được rút tỉa kinh nghiệm từ mặt thuận lợi lẫn bất lợi trong mùa lễ hội vừa qua.
Anh Lê Hồng Lam, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Sau những ngày thăm thú ở Cà Mau, tôi và gia đình khá thích tour xuyên rừng với cảnh vật hoang sơ và thiên nhiên vẫn giữ được nét đẹp riêng mà quá trình công nghiệp hoá vẫn chưa “chạm” đến. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại những bối cảnh như Cột mốc Quốc gia, Biểu tượng Mũi Cà Mau…, tức là chỉ ở khía cạnh thăm thú. Cá nhân tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu có tour vừa xem cách chế biến sản vật vừa có thể mua làm quà thì hấp dẫn hơn. Tôi được biết ở Cà Mau có nghề gác kèo ong và tôi mong được xem tận mắt nhưng vẫn chưa có tour nào như thế. Nếu để nói về việc quay lại Cà Mau, nơi cách Hà Nội quá xa thì chúng tôi sẽ cân nhắc khi có những tour mới mẻ thú vị với gia đình hơn”.
Không chỉ du khách mà chính những người làm du lịch cũng thấy rõ điểm cần khắc phục của du lịch tỉnh nhà nếu muốn giải bài toán giữ chân khách. Ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Cà Mau, cho biết: “Qua các kỳ lễ hội, chúng ta nên phát huy những mặt làm được và khắc phục những điều hạn chế. Chúng ta nên đẩy mạnh quảng bá các đặc sản của địa phương. Minh chứng là qua sự kiện Ngày hội Cua Cà Mau, du khách cả nước đều biết đến và đều khẳng định xuống Cà Mau là phải ăn cua Cà Mau”.
Hoạt động trải nghiệm tại các điểm du lịch mang đến sự thích thú cho du khách. Ảnh: NHẬT MINH
Theo ông Thảo, những sản phẩm du lịch của Cà Mau vẫn chưa đủ hấp dẫn du khách. Chúng ta chỉ mới khai thác được một phần nhỏ tiềm năng của mình qua hình ảnh, mô hình… Còn vấn đề thu hút khách nhiều hơn nữa thì cần sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng hơn nữa. Ðặc biệt là phải phát triển kinh tế riêng. Khách đến đây, ngoài việc tham quan trải nghiệm ở Mũi Cà Mau thì về lại thành phố phải có những điều thú vị như mua sắm, vui chơi giải trí… Nói thì dễ, nhưng để làm được vấn đề này không đơn giản. Chúng ta phải thu hút được tập đoàn đầu tư đủ mạnh để có những công trình mang tính chất đột phá chỉ có Cà Mau mới có. Giao thông phải ngày càng nâng cấp, từ hàng không đến đường thuỷ, đường bộ.
“Chúng ta vẫn chưa có gì đặc trưng của Cà Mau để lôi cuốn khách mọi nơi mà nhìn vào là biết Cà Mau (như kẹo dừa của Bến Tre, hay bánh pía của Sóc Trăng…). Các sản vật như cua, tôm khô… rất quý, nhưng hình tượng để tặng khách để khách nhớ, khách mang về trưng bày là chưa có. Cuối cùng là nhân lực để phục vụ cho du lịch, đặc biệt là phải có trình độ ngoại ngữ cao”, ông Thảo chia sẻ.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, cho biết: “Mùa nghỉ lễ vừa qua cộng với chuỗi sự kiện “Cà Mau – Ðiểm đến 2023”, chúng ta cần rút kinh nghiệm dự báo trước tình trạng quá tải, phục vụ thiếu chu đáo… Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cũng cần chủ động hơn trong chính sách kích cầu như: xây dựng kế hoạch kết nối, khai thác tour dựa trên những sản phẩm đặc sản văn hoá của địa phương… tạo hứng thú và sức hút hơn với du khách. Khả năng khai thác du lịch tốt hơn, các hãng lữ hành sẽ tạo ra nhiều tour cho khách du lịch. Các nhà đầu tư các điểm nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn… cũng tìm đến khi lượng khách tăng. Sang năm mới sẽ có thêm 2-3 lễ hội mới để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà”./.
Lam Khánh