Bước vào giai đoạn bình thường mới, hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực với 2 chỉ tiêu cơ bản (đón lượng khách và doanh thu từ du khách) đều tăng cao. Tuy nhiên sau dịch Covid – 19, bên cạnh cơ hội thu hút khách thì ngành du lịch địa phương cũng đối diện nhiều thách thức trong phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu vào thời gian tới…
Nhiều thách thức
Mới đây tại hội thảo với chủ đề “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch tỉnh”, ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cũng trao đổi những vấn đề liên quan. Cụ thể cho biết đến giữa năm ngoái, do tác động tiêu cực của đại dịch nên nguồn lao động trong toàn ngành (có khoảng 22.300 người) giảm từ 70 – 80%. Song kể từ tháng 6 – 8/2022, khi tốc độ khách nội địa tăng trở lại thì có hơn 60% cơ sở lưu trú thiếu hụt lao động phục vụ du lịch hè, thế nhưng việc tuyển dụng nhân sự rất khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều lao động từng làm việc ở lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuyển việc trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Còn theo TS. Đinh Kiệm, nguyên Trưởng Khoa Nhân lực – Đại học Lao động, xã hội cơ sở II TP. Hồ Chí Minh thì cùng với sự vươn lên của toàn ngành, lực lượng lao động du lịch cũng ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên với nhiệm vụ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trong xu hướng hội nhập như hiện nay, cho thấy chất lượng nguồn nhân lực du lịch vẫn còn bất cập. Thể hiện qua mất cân đối và thiếu đồng đều ở nhiều mặt, nhất là về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, chưa theo kịp đòi hỏi ngày càng cao và đa dạng của ngành du lịch… Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của ngành hiện đang cần bổ sung ở một số vị trí như cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch… Đối với nhân lực trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau cũng có “độ chênh” trình độ kỹ năng khá lớn. Như nhân lực quản lý thuộc doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài thường được đào tạo bài bản, nhưng với nhân lực của doanh nghiệp tư nhân mà nhất là tại các huyện có nơi đến 80% chưa qua đào tạo chuyên sâu về du lịch. Trong khi đó việc đào tạo nguồn nhân lực mới, nhân lực trẻ bổ sung còn gặp khó khăn khi quá trình đào tạo cần có thời gian thực hiện và kéo dài. Do vậy để tăng lợi thế cạnh tranh, toàn ngành phải thích ứng với giai đoạn mới mà vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần quan tâm đầu tư đúng mức. Qua đó góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của Bình Thuận.
Tìm giải pháp
Đến nay toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú hoạt động với hơn 17.500 phòng, theo đà phát triển của ngành du lịch Bình Thuận thì dự ước từ năm 2023 số phòng đưa vào sử dụng tiếp tục tăng lên đáng kể. Vì vậy qua tính toán nhu cầu, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nguyễn Văn Khoa cho rằng đến năm 2025 lao động toàn ngành có khoảng 110.000 người, còn đến năm 2030 là 183.000 người (trong đó có khoảng 61.000 lao động trực tiếp). Có thể nói, ngành du lịch nói chung và du lịch Bình Thuận nói riêng phát triển bền vững hay không cũng phụ thuộc nhiều vào chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong thời điểm hiện nay lại càng cấp thiết… Do vậy tới đây, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận và doanh nghiệp hội viên sẽ chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong đó các doanh nghiệp du lịch xem xét tuyển dụng lại, chủ động tham gia vào quá trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh bằng việc tổ chức đào tạo, huấn luyện tại chỗ cho người lao động. Ngoài ra còn tích cực đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ giao tiếp cho người lao động nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới…
Hướng đến phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Bình Thuận trong thời gian tới, ý kiến chuyên gia cũng đã gợi ý một số nhóm giải pháp cụ thể. Ngoài nhóm giải pháp chính sách quản lý nhà nước về phát triển hoạt động du lịch thì địa phương cần tập trung cho công tác đào tạo như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề du lịch cho cơ sở đào tạo. Quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch, chuẩn hóa nội dung, chương trình hướng đến chuẩn quốc tế cũng như chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch. Trong khi với doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực phù hợp tình hình thực tế và đảm bảo đầu ra là nguồn nhân lực chất lượng cao…