Dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, người viết ra đảo Hòn Chùa. Ca khúc Than thân trách phận có câu: “Qua Hòn Chùa ăn mực nang”, chính là nói đến đảo Hòn Chùa trên biển xã An Phú, thành phố Tuy Hòa. Với người mê xê dịch, ưa thích phượt, đi về nơi hoang sơ, Hòn Chùa là điểm đến đích đáng. Mực nang ngon nức tiếng ở vùng biển này, được nhắc trong bài hát, trở thành cái cớ để vác ba lô tìm tới.
Thời điểm hiện tại, Hòn Chùa có 5 cơ sở phục vụ ăn uống, cho thuê lều trại, đồ lặn, dụng cụ chơi thể thao, cung cấp nước ngọt. Khi người viết cho biết bản thân muốn ra đảo làm dịch vụ du lịch, một chủ cơ sở nhìn nghi ngại: “Làm sao được, đâu còn chỗ”. Hòn Chùa chỉ có duy nhất bãi cát ở góc đảo Tây Nam – nơi cơ sở hạ tầng dịch vụ các hộ dân dựng lên. Ở các khu vực khác, chỉ có bãi đá, dốc núi dựng đứng, không thể xây công trình hay đi lại, tham quan.
Chủ cơ sở C.Ch cho biết có khách lai rai, doanh thu đều đặn từ Tết đến nay, đồng thời thừa nhận các hộ kinh doanh nơi đây đang làm ăn kiểu tự phát. Một số thời điểm, lực lượng chức năng nhắc nhở không để du khách ở lại qua đêm trên đảo.
Dạng du lịch biển đảo tự phát còn xuất hiện ở một số nơi khác trong tỉnh Phú Yên, chẳng hạn trên vịnh Vũng Rô. Người dân ráp lồng bè nuôi trồng thủy sản, sau đó trong thời gian dài, rộ lên dịch vụ đưa đón khách ra ăn uống. Nuôi thủy sản rồi tổ chức ăn chơi trên bè, xem như phần nào xâm phạm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vịnh Vũng Rô.
Ở danh thắng Bãi Môn – Mũi Điện, các nhóm phượt thường tổ chức cắm trại qua đêm trên bãi cát. Tuy nhiên gần đây, dân du lịch nhắc nhau trên các hội nhóm là sinh hoạt tự phát này không còn được cho phép nữa. Tại địa phương tiếp giáp Phú Yên là Khánh Hòa có một điểm du lịch biển đảo nổi tiếng, thu hút khách đã dừng đón khách do nằm trong vùng quân sự. Song trên diễn đàn du lịch, các thành viên vẫn mách nước nhau, nếu đi ít người, dân địa phương “bảo lãnh” thì vẫn được.
Ngay chính tại khu vực biển Hòn Chùa, Báo Phú Yên đưa tin, ngày 21 và 22-5 vừa qua, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên tổ chức huấn luyện và bắn đạn thật. Hình ảnh ghi nhận cho thấy tàu của lực lượng biên phòng tuần tra, quan sát, cảnh giới không cho tàu của ngư dân qua lại khu vực bắn.
Hòn Chùa cách đất liền chỉ 7 km, đứng trên đảo thấy rõ nhà cửa phía trung tâm thành phố Tuy Hòa. Di chuyển ra đảo nhanh chóng, dễ dàng, vé khoảng 50.000 đồng/người, tàu chạy chưa đến 10 phút thì đến. Trở lại đất liền khi thủy triều xuống thấp trong đêm tối, tài công lội xuống biển đội đèn soi dò luồng nước, rạn san hô để kéo tàu vào bờ, rất cẩn trọng.
Nhưng chưa xảy ra sự cố đáng kể thì không có nghĩa được quyền chủ quan rằng mọi việc trong tầm kiểm soát. Du lịch biển đảo đặc thù, thú vị nhưng cũng ẩn chứa nguy hiểm nếu người tổ chức, vận chuyển bất cẩn, du khách mải vui dễ sểnh ra khoảnh khắc sơ sẩy.
Phản xạ tìm đến các hòn đảo, vùng biển hoang sơ là nhu cầu tự thân của nhiều người, đồng thời cũng là động thái kích hoạt điểm đến mới, khơi nguồn những mô hình du lịch. Dịch vụ tour tuyến thường nảy sinh, hình thành sau đó.
Song đây cũng chính là hành vi bộc phát, dẫn đến hoạt động du lịch tự phát. Chính quyền địa phương, ngành chức năng, các đơn vị du lịch lữ hành cần ngồi lại để kiểm soát, tổ chức bài bản. Không chỉ Hòn Chùa, Vũng Rô hay biển đảo dọc miền Trung, mà nhìn chung các điểm du lịch “thuận tự nhiên” phải được quản lý chuyên nghiệp, hiệu quả.
Điều này không chỉ gia cố độ an toàn, tăng cường chất lượng mà còn thúc đẩy tạo ra thặng dư cho mảng du lịch nói riêng, ngành kinh tế nói chung. Đừng để xảy ra sự cố, tai nạn thì mới đi tìm giải pháp hay ra phản xạ cực đoan bằng cách ngăn cản, cấm đoán.
Nguồn: https://nld.com.vn/du-lich-bien-dao-tu-phat-196240525223421012.htm