Những chương trình âm nhạc đã trở lại các điểm đến du lịch, nhưng chưa nhiều và cần thời gian để đứng vững.
Trên mây và trong rừng thông mơ màng
Sân khấu Soul of the Forest tại Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc) đã thay đổi so với mùa đầu tiên vào năm 2022. Mùa thứ hai sẽ bắt đầu vào ngày 28.9 tới với đêm diễn Gió mang tình về qua 2 giọng ca Hương Tràm – Tăng Phúc. Ghế tại sân khấu này đã thay đổi, được thiết kế bằng gỗ với nhịp điệu và độ cao như trong một sân vận động nhỏ. Gần đó là bảo tàng tác phẩm đương đại, trưng bày những tác phẩm thuộc sở hữu của Flamingo. Ban tổ chức Soul of the Forest cho biết đây không chỉ là show nhạc đơn thuần mà là chuỗi trải nghiệm nghỉ dưỡng đa tầng cảm xúc, với rừng thông, tiết trời dịu nhẹ, các tác phẩm mỹ thuật đẹp đẽ…
Soul of the Forest với sự kết hợp của âm nhạc và không gian rừng thông lớn bên những đồi nhỏ có tác phẩm điêu khắc quốc tế, triển lãm mỹ thuật, gợi nhớ đến một không gian âm nhạc có tiếng của Hà Nội là Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. Bắt đầu “thổi” từ năm 2014 dưới bàn tay chỉ huy của tổng đạo diễn – nhạc sĩ Quốc Trung, Gió mùa mở ra một “điểm đến” mới. Sau 3 mùa, nhạc sĩ Quốc Trung đã có thể tự tin công bố về việc khán giả nước ngoài đặt vé du lịch sang Việt Nam để xem Gió mùa.
Một ví dụ khác về du lịch âm nhạc có thể kể đến là Những thành phố mơ màng tại công viên Yên Sở ở Hà Nội. Năm 2023, buổi diễn tháng 4 của Những thành phố mơ màng tại Hà Nội kéo dài 7 tiếng với 17 nghệ sĩ, nhóm nhạc và 7.000 khán giả tham dự…
Du lịch âm nhạc tại Việt Nam không thể không nhắc tới Hà Anh Tuấn. Anh tạm được coi là cái tên “mở hàng” du lịch âm nhạc với chương trình See Sing Share – Gấu vào tháng 12.2018, và vẫn tiếp tục hút khách du lịch đến Ninh Bình khi tổ chức show tại đây. Hà Anh Tuấn thậm chí còn kéo khán giả Việt sang du lịch Singapore để nghe anh hát vào tháng 6.2024 vừa qua.
Là một phần của thị trường âm nhạc quốc tế, Việt Nam cũng có những câu chuyện du lịch âm nhạc khi các tên tuổi lớn tới để làm show. Trong thời điểm nhóm Blackpink biểu diễn tại Hà Nội, lượng khách bay tới để xem show rất lớn. Sở Du lịch Hà Nội ước tính trong 2 ngày nhóm này biểu diễn tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội khoảng hơn 170.000 lượt, trong đó khách du lịch quốc tế đạt hơn 30.000 lượt, còn khách nội địa đạt hơn 140.000 lượt. Cũng trong 2 ngày đó, các khách sạn quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình ghi nhận công suất phòng tăng 20%.
Mô hình nào cho du lịch âm nhạc Việt Nam ?
TS Trịnh Lê Anh (Khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết mô hình du lịch âm nhạc có thể gọi là trải nghiệm du lịch cũng được, nhưng bản chất thì nó là trải nghiệm dài thời gian với show diễn. “Lâu nay quan niệm của người Việt là nếu đi chỉ xem show thôi, chỉ đến đó trong thời gian có show thôi, show dài nhất cũng chỉ diễn ra khoảng 3 giờ. Còn quan điểm Âu Mỹ, người ta không chỉ đi xem show mà bản chất là có thể di chuyển từ một khoảng cách rất xa, đến đó tận hưởng kỳ nghỉ”, TS Lê Anh nói.
Chính vì thế, tại các nước Âu Mỹ, họ thường tổ chức các buổi cắm trại cuối tuần trong những không gian rộng, như kiểu công viên Yên Sở. Sân khấu được tổ chức có thể diễn cả ngày lẫn đêm, ngắt ra thành những show nhỏ. “Người ta có thể cắm lều, mua vé trọn cả mấy ngày, ăn uống, ngủ nghỉ ở đó để tận hưởng cuối tuần. Du lịch âm nhạc là thế”, TS Lê Anh nói. Mô hình này, theo TS Lê Anh, cũng chính là cách mà nhạc sĩ Quốc Trung vận hành Lễ hội âm nhạc Gió mùa, hay cách mà nhà tổ chức thực hiện Những thành phố mơ màng.
Mô hình thứ hai để tổ chức du lịch âm nhạc, theo TS Lê Anh, là live concert của các nghệ sĩ ngôi sao. Đó chính là các đêm diễn lớn của Taylor Swift, Blackpink hay Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm… “Câu chuyện này chỉ đánh vào fan của nghệ sĩ đó. Sức sống của show nghệ sĩ hạng sao lại không dài bằng mô hình festival âm nhạc kia. Tại mô hình festival âm nhạc, người ta đi một vài ngày, có tệp khách là cả gia đình, cả bố mẹ con. Với thế hệ sau này, một năm sẽ có nhiều thành phố chuyên tổ chức du lịch âm nhạc. Cách tổ chức này sẽ lý tưởng”, TS Lê Anh nói.
Mặc dù vậy, TS Lê Anh cho rằng các tour ngôi sao lại có điểm lợi thế rất lớn là ghi nhận tạo thương hiệu cho điểm đến. “Vai trò lớn nhất của ngôi sao như Taylor Swift chính là đại sứ điểm đến, nôm na là thế. Cho nên, một số thành phố lớn ở châu Âu không có quá nhiều thương hiệu thì họ mời bằng được Taylor về. Ở Thụy Điển, có thành phố còn sẵn sàng đổi một phần tên thành Taylor tạm thời trong một tháng. Đổi tên thành phố để thể hiện sự nghênh đón ngôi sao, cũng để tạo thương hiệu. Còn sau đó sử dụng thương hiệu đó thế nào là chuyện khác”, TS Lê Anh cho biết.
Tuy nhiên, để có được cái gật đầu của ngôi sao cũng không hề đơn giản. Ê kíp của các ngôi sao rất “lành nghề” trong việc đưa ra các điều kiện với địa phương nơi dự kiến tổ chức đêm nhạc. Chưa kể, họ vốn dĩ cũng đã có những điều kiện cứng, khó đáp ứng với mọi điểm đến. “Tiêu chuẩn của Taylor Swift là sân vận động chứa tối thiểu 6 vạn khán giả. Chúng ta không có sân như thế. Sân Mỹ Đình lớn nhất cũng chỉ 4 vạn”, TS Lê Anh cho hay.
Dựa vào các phân tích trên, TS Lê Anh cho rằng việc đón những ngôi sao siêu lớn tới VN để thúc đẩy du lịch âm nhạc là việc khó, dù khi họ đến thì thị trường du lịch sẽ rộn ràng hơn.
“Hướng đó rất khó vì nó đòi hỏi hạ tầng quá lớn. Các bạn ngôi sao ấy có đầu tư cho điểm đến đâu. Chính vì thế, theo tôi, mô hình công viên Yên Sở với Những thành phố mơ màng, Hoàng thành Thăng Long với Gió mùa lại hợp hơn trong khi làm du lịch vẫn tốt… Hơn nữa, mô hình festival âm nhạc này chúng ta làm đều đặn được. Biết bao giờ Blackpink mới quay lại Việt Nam, trong khi mình có thể xây dựng thương hiệu của mình”, TS Lê Anh nhận định.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/du-lich-am-nhac-tro-lai-185240921233030187.htm