Theo đường bộ, khoảng cách từ Tourane [Đà Nẵng] đến Huế là 120 kilômét. Còn theo đường biển, một chiếc sà-lúp của người Hoa tệ nhất có thể hoàn tất hành trình trong vòng tám hoặc mười giờ, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho phép vượt qua bãi ngầm ở cửa biển Thuận An để vào sông Hương, mùa này có 8/10 ngày tàu không thể vượt qua. Rất nhiều lần sà-lúp dù đã đến trước cảng vẫn buộc phải quay lại điểm xuất phát.
Tôi túc tắc đi đường bộ, khi thì cầm theo chiếc gậy, khi thì ngồi trên chiếc ghế mây do bốn phu kiệu lực lưỡng khiêng trên vai; tùy từng đêm, có lúc chúng tôi ngủ tạm ở nhà dân hoặc trong chiếc chòi tre xiêu vẹo được dựng bên đường. Nếu đi chậm, ít nhất tôi cũng có thể băng qua một xứ sở hùng vĩ bằng cách leo lên đèo Hải Vân theo đường Cái quan xưa.
Con đường lớn đi Huế. Một con đường không giống bất kỳ con đường nào, chỗ được trải nhựa, chỗ lại đầy cát, chỗ là lối mòn khá nguy hiểm ngoằn ngoèo qua đống đất đá sụt lở, chỗ lại là con mương sình lầy dẫn vào các ruộng lúa.
Rời khỏi Tourane, băng qua bờ bãi dài 20 kilômét. Đoạn hành trình này rất khó chịu vì ánh nắng mặt trời phản chiếu trên bãi biển, chưa kể đến vô số nhánh sông hoặc đầm phá, vũng lầy khi thủy triều xuống, những ao hồ mênh mông khi thủy triều lên mà không hề có cây cầu nào bắc qua. Chúng tôi buộc phải trông cậy vào những con đò. Tốt nhất là nên tránh đoạn đường này bằng cách đi qua vũng tàu đến ngôi làng nhỏ Liên Chiểu, nơi con đường Cái quan bắt đầu dẫn lên đèo Mây [Ải Vân, hay đèo Hải Vân]. Một con thuyền hơi nước tốt hoàn thành hành trình trong một tiếng rưỡi.
Đây là cách mà tôi – hay nói đúng hơn là chúng tôi – đã tiến hành. Tôi may mắn được đi cùng với một nhân viên rất tốt bụng của Công ty Vận tải đường biển tên là Bertrand, ông có việc phải ra Huế. Ông ân cần tiếp đãi tôi trên chiếc sà-lúp của Công ty, mặc dù sóng to gió lớn, con tàu đã nhanh chóng đưa chúng tôi cùng toàn bộ hành lý cập vịnh nhỏ Liên Chiểu vào khoảng 3 giờ chiều.
Việc lên bờ khá phức tạp. Đầu tiên chúng tôi ngồi vào một chiếc thuyền đánh cá, một chiếc thuyền thúng thuôn dài đan bằng tre, quét nhựa đường: chẳng mấy chốc, con thuyền nhỏ của chúng tôi, dù chỉ đầm xuống có vài xentimét, đã mắc cạn, và những người chèo thuyền phải nhảy xuống nước để kéo một cách khó nhọc. Cuối cùng, vì quá mệt mỏi, họ cho rằng cách nhanh nhất là kiệu chúng tôi trên vai và thế là chúng tôi lên bờ, không tránh khỏi bùn đất bắn lên người trong lúc di chuyển.
Trên bãi biển, phu phen ôm sào đứng đợi; những anh chàng chắc nịch, lực lưỡng, vạm vỡ, gần như ở trần, chiếc quần thụng kéo lên tận hông, chiếc áo cánh ngắn cuộn tròn quấn quanh cổ. Nhóm phu phen được trạm Liên Chiểu điều động tới, chúng tôi nhìn thấy vài căn lều của trạm này dưới hàng cây cao, cách bờ biển khoảng một tầm súng.
Từ “trạm” có vẻ lạ tai nếu mới nghe lần đầu. Nó gợi lên trong tâm trí ta một phương tiện chạy trên đường ray [đồng âm với từ “tram” trong tiếng Pháp, nghĩa là xe điện]. “Trạm”, tôi có cần nói về nó không? Từ này không hề có điểm chung nào với xe điện cho dù phát âm giống nhau. Đơn giản là nó tương đương với dịch trạm ngày xưa ở nước ta, song điểm khác biệt là dịch trạm ở đây không có ngựa. Cho đến nay, An Nam hầu như chỉ có dịch trạm dùng người.
Chỉ ở một vài điểm trên đường Cái quan, ta thấy vài con ngựa gầy còm, nhưng ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt, người dân không được phép sử dụng những chú ngựa này, chúng chỉ được dùng để tăng tốc độ vận chuyển thư tín nhà nước tại vùng đồng bằng. Mỗi trạm cách nhau từ 15 đến 20 kilômét và do một đội trạm giám sát, công việc này diễn ra gần như khá thường xuyên. Ở đây, du khách dễ dàng tìm thấy phu khuân vác và phu kiệu.
Từ vịnh Tourane đến đèo Hải Vân, tuyến đường cũ đã được tu sửa một phần. Một con đường đã được Công binh thi công cách đây vài năm; mặc dù chưa hoàn thiện, còn đầy rãnh, đất đá sụt lở và những khối đá granit khổng lồ, song nó cho phép chúng tôi nhanh chóng băng qua 2/3 quãng đường nhờ một con dốc thoai thoải. Tuy nhiên, lúc này trời đã muộn. Khi chúng tôi rời Liên Chiểu, mặt trời sắp lặn. Còn bây giờ trời đã tối đen như mực.
Để rút ngắn khoảng cách, chúng tôi rẽ vào một lối đi khác: nó không giống đường mòn mà là lòng của một thác nước. Những người đi đầu tiến về phía trước, cúi gập người, đôi khi phải nằm sấp xuống, trong khi đồng đội của họ ở phía sau đứng thẳng với cánh tay giơ cao, giữ chiếc cáng gần như theo phương thẳng đứng.
Họ tiếp tục đi, dẻo dai và nhanh nhẹn như những chú mèo, giữa những tảng đá lởm chởm, những hàng cây đổ, những cây dây leo gai góc. Hai người đàn ông đi trước để trinh thám, giơ ngọn đuốc dài làm bằng sậy. Thỉnh thoảng, họ đốt bụi rậm. Gió biển thổi mạnh khiến ngọn lửa bùng cháy, và chúng tôi tiến lên dưới ánh sáng của ngọn lửa lớn.(còn tiếp)
Nguyễn Quang Diệu trích từ sách Vòng quanh châu Á: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, AlphaBooks – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí ấn hành tháng 7.2024)
Nguồn: https://thanhnien.vn/du-ky-viet-nam-tren-duong-cai-quan-185241209235423938.htm