Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ khẳng định có đủ nguồn kinh phí để chi trả hỗ trợ cho những trường hợp trong tinh giản, sắp xếp lại bộ máy.
Căn cứ nào để xác định người thuộc diện tinh giản?
Chiều 5/2, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, phóng viên đặt câu hỏi về việc chuẩn bị rà soát, đánh giá số lượng công chức, viên chức sẽ giảm sau khi tinh gọn bộ máy và nguồn hỗ trợ chế độ chính sách cho cán bộ, công chức nghỉ theo diện tinh giản.
Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ trao đổi tại cuộc họp báo (Ảnh: Minh Sơn).
Trả lời, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ cho hay, ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Và chỉ hai tuần sau, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện Nghị định; đến ngày 4/1, Bộ Nội vụ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ có văn bản đôn đốc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về quy định tiêu chí, điều kiện cụ thể phù hợp với đặc điểm tình hình của từng bộ, ngành, địa phương.
Trên cơ sở đó, căn cứ đánh giá của 3 năm gần nhất để lựa chọn người nào giữ lại để công tác, người nào đưa vào diện sắp xếp để có tính toán phù hợp.
"Các tiêu chí phải đảm bảo nguyên tắc rõ việc, rõ người và rõ sản phẩm. Nếu ai không chứng minh được ở vị trí đó sẽ làm việc gì, khối lượng công việc một năm thì sẽ bị đưa vào diện sắp xếp.
Đồng thời cũng phải tính toán để làm sao chúng ta tìm ra được đội ngũ có phẩm chất, đạo đức, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ để có thể vận hành bộ máy mới đảm bảo đạt hiệu năng, hiệu lực", Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ thông tin thêm.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, ngay trong sáng nay (5/2), Bộ Nội vụ đã trình và nhận được sự thống nhất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các phương án của Chính phủ trong đề án về cơ cấu của Chính phủ, cơ cấu về nhân sự và dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)... dự kiến sẽ được đưa ra tại kỳ họp bất thường để Quốc hội thông qua.
Ông Minh cũng cho biết, đến nay, các bộ ngành, các địa phương đã có phương án cụ thể về sắp xếp, tổ chức bộ máy, trong đó đã có số lượng rất cụ thể.
Riêng về con người, cần có sự tính toán ai vào vị trí nào, vẫn phải chờ đến khi cấp có thẩm quyền là Quốc hội thông qua cơ cấu Chính phủ.
Khi đó, Chính phủ mới ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, những bộ không thuộc diện sắp xếp, cùng với các bộ thực hiện hợp nhất, sáp nhập phải có nghị định mới để quy định nhiệm vụ, chức năng quyền hạn, tổ chức bộ máy.
"Các bộ không thuộc diện sắp xếp nhưng cũng phải thực hiện điều chỉnh, sắp xếp bên trong, để tinh giản có bộ máy mới vận hành hiệu quả.
Do vậy, thời gian này, cụ thể ai thuộc diện giữ lại, ai tinh giản... phải đợi sau khi có quyết định của Quốc hội và Chính phủ, phải lắng nghe tâm sự nguyện vọng thì mới xác định được số lượng chính xác", ông Minh nói.
Đã có công thức tính mức hỗ trợ tinh giản
Về chính sách hỗ trợ, ông Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ đang cùng Bộ Tài chính xây dựng thông tư hướng dẫn về nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí. Đến nay, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ ngành để sớm hoàn thiện và ban hành thông tư này.
"Đây là cơ sở để thực hiện sắp xếp. Trong đó, về cơ sở pháp lý đã có Nghị định 178 và thông tư hướng dẫn phương pháp, cách tính đối với từng trường hợp.
Bộ Tài chính tiếp tục có thông tư hướng dẫn lập dự toán, nguồn chi phí... Như vậy, khi cấp có thẩm quyền bấm nút thông qua đề án, chúng ta có thể vận hành được ngay", ông Minh nêu cụ thể.
Về câu hỏi "có đủ nguồn tài chính thực hiện hỗ trợ hay không?", lãnh đạo đại diện Bộ Nội vụ cho biết, khi xây dựng dự thảo Nghị định 178, Bộ Nội vụ đã xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương và trực tiếp xin ý kiến của Tổng Bí thư về nội dung này.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, trong đánh giá tác động khi triển khai sắp xếp, tinh giản, nguồn kinh phí chi trả cho những người sẽ nghỉ sau tinh giản, sắp xếp còn thấp hơn kinh phí trả lương nếu tiếp tục làm việc thêm 5 năm. Như vậy, sẽ có đủ nguồn để chi trả kinh phí hỗ trợ.
"Với thắc mắc liên quan đến việc người được hưởng kinh phí cao - thấp, thì đã được quy định rõ, đã có công thức tính toán trong Nghị định 178 và Thông tư 01.
Mỗi người sẽ có mức hưởng kinh phí khác nhau, phụ thuộc vào mức lương thực tế đang được hưởng và căn cứ số tháng được nghỉ tính tới tuổi nghỉ hưu. Công thức tính đã được lập trên bảng Excel và chỉ cần nhập số tháng sẽ ra kinh phí được nhận", Thứ trưởng Vũ Đăng Minh nói.
Với công tác sắp xếp, Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương, Chính phủ và đến nay, tất cả tài liệu để trình Quốc hội đã hoàn thiện và chỉ chờ ngày kỳ họp bất thường của Quốc hội khai mạc.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bo-noi-vu-du-kinh-phi-ho-tro-nhan-su-tinh-gian-khi-sap-xep-bo-may-192250205181854418.htm
Bình luận (0)