(CTO) – Trước lo lắng của các bậc phụ huynh có con nhỏ khi nguồn thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đang khan hiếm, BS CKII Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, có thể tháng 7 tới, các công ty sẽ cung cấp trở lại thuốc Immunoglobulin điều trị bệnh lý này.
Bác sĩ BV Nhi đồng TP Cần Thơ hướng dẫn cha mẹ bệnh nhi theo dõi diễn tiến sức khỏe của trẻ. Ảnh: T SƯƠNG
Theo BS Huy Thanh, đánh giá nhanh trong tuần qua, tình hình tay chân miệng tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ giảm khoảng 20% các số ca mắc so với tuần trước. Đồng thời, số ca diễn biến bệnh nặng cũng giảm, khi tuần trước BV nhận 11 ca nặng, đến thời điểm hiện tại, BV đang điều trị 8 ca nặng.
Thời gian qua, trước tình trạng thiếu thuốc để điều trị tay chân miệng, Ban Giám đốc BV đã liên hệ đến các cơ sở y tế và công ty cung cấp thuốc, cũng tìm được một số lượng đáp ứng cho điều trị tính đến hiện tại. Các công ty cũng cho biết đang chờ giấy phép nhập khẩu, dự kiến tháng 7 tới, có thể tiếp tục cung cấp thuốc Immunoglobulin để điều trị bệnh tạy chân miệng tại BV.
Với vai trò BV chuyên khoa nhi tuyến cuối của vùng ĐBSCL, BV Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp nhận phần lớn bệnh nhi mắc tay chân miệng mức độ nặng đến từ các tỉnh trong vùng. Từ đầu năm đến nay, BV tiếp nhận gần 3.000 ca mắc tay chân miệng đến khám và điều trị.
Theo các bác sĩ, nhóm trẻ dưới 3 tuổi, sức đề kháng kém, nguy cơ cao diễn biến nặng rất nhanh khi mắc tay chân miệng. BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám BV Nhi đồng TP Cần Thơ lưu ý, khi trẻ có 3 dấu hiệu cảnh báo sau đây cho thấy bệnh đang trở nặng, cha mẹ không nên chủ quan tự theo dõi tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. 3 dấu hiệu gồm:
– Trẻ sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,50C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.
– Trẻ giật mình: Trẻ mắc tay chân miệng có biểu hiện giật mình là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Khi trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ nhớ chú ý để phát hiện triệu chứng này ở trẻ ngay cả khi trẻ đang chơi và quan sát xem tần xuất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
– Trẻ quấy khóc dai dẳng, kéo dài: Trẻ quấy khóc nhiều, thậm chí quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ chủ quan nghĩ rằng do bé có các nốt đau trong miệng nên quấy khóc nhưng thực tế đây là tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
THU SƯƠNG