Tại dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025 vừa công bố, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học không dành quá 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm và khi xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 (thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay), trong đó bắt buộc có điểm môn Toán hoặc Văn.
Về dự kiến siết xét tuyển sớm, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, trường Đại học Công Thương TP.HCM nhận định, việc giới hạn tỷ lệ xét tuyển sớm của mỗi trường không quá 20% tổng chỉ tiêu có tác động lớn đến thí sinh. Khi các trường không có thí sinh trúng tuyển sớm nhiều như năm trước, điểm chuẩn và tỷ lệ chọi ở các phương thức xét tuyển sớm sẽ cao hơn, cạnh tranh gay gắt hơn.
Một lãnh đạo Học viện Tài chính cũng cho rằng, nếu áp quy định chỉ tiêu không vượt quá 20% sẽ làm khó nhiều trường đại học. Thực tế, tỷ lệ hồ sơ ảo tại các trường hiện nay khá cao bởi một em thường nộp hồ sơ xét tuyển sớm vào rất nhiều trường. Do vậy, nhiều trường phải “gọi” số thí sinh cao lên nhằm loại trừ hồ sơ ảo, thậm chí có trường phải gọi số lượng thí sinh gấp đôi để “trừ hao”.
Ví dự như Học viện Tài chính, nhà trường gọi khoảng 80% thí sinh. Khi xét tuyển chính thức, các em bỏ khoảng 50%, khoảng 30% còn lại là vừa đủ. “Một trường có khoảng 1.000 chỉ tiêu nhưng để trừ ảo, đơn vị đó phải gọi khoảng 1.200 em, sau khi trừ hao số em bỏ xét tuyển, chỉ còn khoảng 800 là vừa đủ”, lãnh đạo này cho hay.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM nhận định, việc siết quy định xét tuyển sớm sẽ tạo nên những áp lực cạnh tranh. Các thí sinh sẽ cạnh tranh gay gắt hơn để giành suất vào các trường top đầu, “cần xem xét quy định này cụ thể hơn”.
TS Nhân thông tin thêm, từ năm 2025, trường dự kiến bỏ phương thức xét tuyển riêng điểm học bạ mà kết hợp điểm học bạ với các phương thức khác. Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, trường có thể tổ chức nhiều tổ hợp môn, thay vì 4 tổ hợp môn như những năm trước.
Về việc siết quy định xét học bạ, ThS Phạm Thái Sơn cho rằng, quy định mới phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Để đánh giá đúng quá trình học tập của các thí sinh, các trường nên sử dụng kết quả học tập của cả 3 năm học THPT, thay vì chỉ xét điểm học tập lớp 10, 11 và nửa học kỳ đầu năm lớp 12.
“Những năm trước, nhiều trường bỏ xét điểm học kỳ II của lớp 12 khiến học sinh lơ là, chểnh mảng học tập, ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục phổ thông trong giai đoạn cuối cấp THPT. Vì vậy, việc siết tuyển sinh bằng học bạ cả năm lớp 12 sẽ giúp các trường có cái khách quan, đánh giá toàn diện hơn về kết quả học tập của thí sinh trong công tác tuyển sinh”, ThS Sơn nhận định.
Vị chuyên gia này kỳ vọng, việc siết quy định về xét học bạ sẽ làm tăng chất lượng thí sinh trúng tuyển. Qua đó, để các thí sinh nhận ra rằng xét tuyển học bạ không còn là con đường dễ dàng để đậu vào các trường đại học như trước đây.
Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, về hình thức, quy định sử dụng kết quả học tập 3 năm THPT để xét tuyển mang tính tích cực hơn, đánh giá đầy đủ hơn.
Phương thức xét tuyển bằng học bạ trước giờ là phương thức tiên tiến, được nhiều quốc gia áp dụng bởi ưu điểm giảm áp lực thi cử cho cả nhà trường, thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả hình thức này, phải bảo đảm việc đánh giá quá trình học tập chặt chẽ, khách quan, tránh tình chạy điểm, làm đẹp học bạ.
Năm ngoái, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm. Các phương thức xét tuyển sớm chủ yếu là xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, xét chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS…) hoặc kết hợp giữa các yếu tố trên. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%).
Việc xét tuyển sớm được nhiều chuyên gia nhận định giúp thí sinh giảm áp lực tuyển sinh và tăng cơ hội lựa chọn trường. Đồng thời cũng giúp các trường đại học top giữa và top cuối đảm bảo số lượng thí sinh nhập học, giảm tỷ lệ thí sinh ảo.
Ngày 22/11, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 với nhiều điểm mới đáng chú ý. Theo dự thảo của Bộ, các trường được xét sớm để chọn thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Tuy nhiên, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ.
Điểm trúng tuyển ở mọi phương thức, tổ hợp sẽ được quy đổi về một thang điểm chung. Điều này đồng nghĩa các trường không thể sử dụng đồng thời thang điểm 30 khi xét học bạ hay kết quả thi tốt nghiệp THPT và dùng thang 150 khi xét bằng điểm thi đánh giá năng lực như trước.
Về phương thức tuyển sinh, các trường được tự chủ quyết định thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển. Mỗi phương thức phải nêu rõ tiêu chí đánh giá, điều kiện trúng tuyển.
Riêng với xét học bạ, Bộ yêu cầu phải bằng tổ hợp gồm ít nhất ba môn, bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn với trọng số ít nhất một phần ba tổng điểm. Đặc biệt, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.
Nguồn: https://vtcnews.vn/du-kien-siet-quy-dinh-xet-tuyen-som-cac-truong-dai-hoc-than-kho-ar909460.html