Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào Phosay Sayasone.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc thúc đẩy tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào sau năm 2025 là rất cần thiết. Thời gian qua Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất khung giá mua điện sau 2025, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ thông qua.
“Dự kiến đầu quý 2 năm nay, khung giá mua điện từ Lào sau 2025 sẽ chính thức được ban hành”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết, hiện Việt Nam rất cần điện và năng lượng để phục vụ phát triển sản xuất. Việt Nam đang được đánh giá là 1 trong 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu và là 1 trong 15 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) nhiều nhất trong năm 2023 với tổng số vốn FDI lên tới 15 tỷ USD.
Trong quý 1/2024, tăng trưởng GDP gần 6%, sản xuất công nghiệp tăng 6%, ngành chế biến chế tạo tăng 6,8%; xuất siêu hơn 8 tỷ USD… Theo dự báo, xuất nhập khẩu năm 2024 có thể đạt 790 tỷ USD trong kịch bản tăng trưởng cao với những diễn biến kinh tế thuận lợi.
“Với tốc độ và quy mô phát triển như vậy, Việt Nam rất cần năng lượng để phát triển sản xuất. Dự báo đến năm 2030, quy mô nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay, đồng thời phải chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững”, Bộ trưởng Diên nhận định.
Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone mong muốn hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa về năng lượng và khoáng sản, cùng nhau lập kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể hơn, có thêm nhiều dự án, công trình hợp tác kiểu mẫu, hiệu quả.
Bộ trưởng Phosay Sayasone đề xuất một số vấn đề hai bên cần tập trung giải quyết hiện nay như: Thành lập đoàn công tác để thúc đẩy tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào sau năm 2025; thành lập đoàn làm việc để thúc đẩy đấu nối đường dây điện 500 kV từ Lào về Việt Nam theo qui hoạch điện VIII của Việt Nam.
Phía Lào cũng đề xuất cùng Việt Nam giải quyết một số vấn đề liên quan các nhà máy thủy điện Xê-ca-mản 1 và 3; hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm về thành lập cơ quan điều tiết điện lực; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ Lào tới các cửa khẩu/cảng tại Quảng Trị và Huế; hỗ trợ hợp tác về công tác thanh tra; công tác quy hoạch và xây dựng bản đồ khoáng sản.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, đồng thời nêu thêm nhiều nội dung, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản giữa hai nước.
“Nhất trí sẽ thành lập các nhóm công tác của hai Bộ, hai nước để tháo gỡ những khó khăn trong hợp tác về năng lượng, khoáng sản. Các nhóm công tác này hằng tháng, hằng quý phải trình lên lãnh đạo hai Bộ những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ và thường xuyên giải quyết thảo luận các vấn đề thông qua trực tuyến, kết hợp gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo hai Bộ trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm. Hai bên cũng cần có văn bản ký kết, ghi nhớ và cụ thể hóa các nội dung hợp tác”, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.