Những đồi chè mướt xanh như dàn bát úp khổng lồ, những điệu dân ca dân vũ đậm bản sắc Mường hay các món ăn đậm hương vị miền trung du… là trải nghiệm nhất định phải thử khi về Long Cốc, Phú Thọ.
Đồi chè Long Cốc thuộc xã Long Cốc, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì khoảng 70km. Những đồi chè nằm san sát nhau, từ trên cao nhìn xuống như những chiếc bát úp khổng lồ, trải dài như vô tận. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Khu vực này gồm gần 700 ha chè, nằm trên trục đường đến nhiều điểm du lịch nổi tiếng vùng đất Tổ như đền Hùng, đền Lạc Long Quân, đền Mẫu Âu Cơ, suối nước khoáng nóng Thanh Thủy, vườn quốc gia Xuân Sơn… (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Đồi chè Long Cốc khi nhìn ngang thì uốn lượn như sóng biển, còn nhìn từ trên cao lại tăm tắp đều đặn như được tạo hình từ chiếc vân tay khổng lồ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Màu xanh của cây chè hòa quyện cùng sương buổi sớm ban mai tạo thành khung cảnh huyền ảo hiếm nơi nào có được. Vì thế, sáng sớm là thời điểm đẹp nhất để du khách ghé thăm đồi chè. (Ảnh: Công Nam/Vietnam+)
Từ tháng 3-12 hàng năm, chè vùng Long Cốc mọc lên những búp non xanh mát tạo nên tấm thảm xanh đầy sức sống. Từ tháng 12 trở đi, cây chè được “ngủ đông”. Thương hiệu chè Long Cốc được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với các loại sản phẩm chè từ truyền thống đến giống mới chất lượng cao khá nổi tiếng, như chè Đinh Bát Tiên hay chè Shan Bát Tiên. Các giống chè này dùng để sản xuất trà Ô Long, được mang về từ Đài Loan trong khoảng 2 thập niên qua. (Ảnh: Công Nam/Vietnam+)
Những năm qua, đồng bào Mường ở Long Cốc tích cực bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống với những điệu dân ca dân vũ độc đáo. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Câu lạc bộ dân ca dân vũ địa phương quy tụ người dân thuộc các tầng lớp luyện tập và trao truyền vốn cổ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Khi lên sân khấu biểu diễn họ là “nghệ sỹ” nhưng khi trút bỏ những bộ quần áo truyền thống, họ lại trở về là những nông dân chân lấm tay bùn với công việc đồng áng. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)