Thị trường còn nhiều khó khăn, chính sách cần độ trễ, sẽ khởi sắc vào nửa cuối 2024; giá nhà Hà Nội và TP.HCM quá cao so với thu nhập người dân; Thái Nguyên quyết liệt thu hồi khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Ngành bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2024. (Nguồn: NHNN) |
Thị trường BĐS sẽ khởi sắc vào nửa cuối năm 2024
Một trong những tín hiệu dự báo ngành BĐS khởi sắc là lãi suất cho vay giảm về mức thấp hơn sẽ là động lực chính cho toàn ngành vực dậy, hiện lãi suất huy động đã điều chỉnh từ quý 1/2023 nhưng diễn biến lãi suất cho vay có độ trễ.
Theo báo cáo của WiGroup về kết quả kinh doanh quý II/2023, ngành BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2024.
Cụ thể, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) quý II/2023 của toàn ngành BĐS dân cư (đã loại trừ Vinhomes) ghi nhận mức tăng trưởng âm khoảng -46% so với cùng kỳ, dù số giá trị tuyệt đối có ghi nhận tăng so với quý I/2023 nhưng chưa có chất xúc tác nào thực sự mạnh mẽ để thúc đẩy lợi nhuận toàn ngành vực dậy từ đáy.
Đi sâu vào phân tích tăng trưởng của 20 doanh nghiệp (chiếm 90% vốn hóa toàn ngành), số liệu thể hiện chỉ vỏn vẹn 5 công ty BĐS ghi nhận tăng trưởng dương trong quý II
Nhưng điều này đến từ 2 nguyên nhân chính là tăng trưởng đột biến từ lợi nhuận lợi khác và không đến từ kinh doanh cốt lõi hoặc tăng trưởng cao do nền lợi nhuận cùng kỳ thấp.
Các doanh nghiệp vốn hóa lớn khác trong ngành đều ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận trên 20% so với cùng kỳ, phản ánh sự khó khăn chung của thị trường BĐS.
Giá trị hàng tồn kho của toàn ngành có sự sụt giảm so với quý I/2023. Hành lang pháp lý thắt chặt và siết dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường BĐS là 2 lý do chính khiến cho các doanh nghiệp gặp khó trong việc triển khai các dự án.
Về phía nhu cầu cũng không mấy khả quan khi mà tổng giao dịch BĐS trong quý II/2023 giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 9% so với quý trước.
Theo WiGroup, để đảm bảo “sống sót”, các nhà quản lý BĐS phải thực hiện chiến lược phòng thủ bằng cách hạ đòn bẩy tài chính về mức an toàn, tiết giảm chi phí lãi vay cùng với đó là tránh tình trạng mất khả năng thanh toán trong khi hoạt động bán hàng chậm đáng kể. Tính đến cuối quý II/2023, tỷ lệ tổng nợ vay phải trả lãi/vốn chủ sở hữu của toàn ngành đạt 0,48 lần.
Tổng chi phí lãi vay trong kỳ đạt mức 2.030 tỷ đồng, tăng nhẹ so với với thời điểm quý I, phản ánh mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang khá cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp trong ngành đo lường bằng chỉ số số EBIT/Lãi vay giảm so với quý 1/2023.
Một trong những tín hiệu dự báo ngành BĐS khởi sắc là lãi suất cho vay giảm về mức thấp hơn sẽ là động lực chính cho toàn ngành vực dậy, hiện lãi suất huy động đã điều chỉnh từ quý I/2023 nhưng diễn biến lãi suất cho vay có độ trễ.
Ngoài ra, hành lang pháp lý được tháo gỡ giúp khơi thông lại nguồn cung BĐS. Phân khúc nhà ở xã hội có thể là chất xúc tác cho ngành BĐS dân cư khi mà phân khúc này được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
“Theo đó, sự phục hồi của thị trường BĐS nói chung và ngành BĐS dân cư nói riêng sẽ rơi vào khoảng nửa cuối 2024 khi mà những chính sách hỗ trợ bắt đầu thẩm thấu”, WiGroup đánh giá.
Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư Hồ Sơn 3
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh vừa ban hành Quyết định số 1282/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư Hồ Sơn 3, huyện Hữu Lũng, thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo Quyết định, phạm vi thực hiện dự án khu dân cư Hồ Sơn 3 gồm: Phía Bắc, Đông Bắc giáp đường tỉnh ĐT.242 và tuyến đường dẫn vào cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn; phía Nam giáp đường cao tốc Hà Nội, Lạng Sơn; phía Đông giáp đất ở hiện trạng xã Hồ Sơn và UBND xã Hồ Sơn; phía Tây, Tây Nam giáp sông Thương.
Mục tiêu dự án đầu tư xây dựng khu dân cư có hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại với các công trình theo quy hoạch được duyệt. Khai thác triệt để quỹ đất hiện có, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng có nhu cầu về đất ở và nhà ở, góp phần tích cực vào Chương trình phát triển nhà ở của huyện Hữu Lũng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.
Dự án khu dân cư Hồ Sơn 3 có tổng vốn đầu tư (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) 1.379 tỷ đồng với tổng diện tích đất thực hiện dự là 400.000m2 (40 ha). Quy mô dự án bao gồm các hạng mục: Nhà ở cao tầng có diện tích 4.656m2, nhà ở thấp tầng liền kề có tổng diện tích đất là 111.392m2 (1.102 lô đất), nhà ở thấp tầng biệt thự có tổng diện tích là 20.510,7m2 (131 lô đất), nhà ở tái định cư có tổng diện tích 8.216m2 (84 lô đất) và các công trình khác như hạ tầng kỹ thuật, trung tâm thương mại dịch vụ… Quy mô dân số là 7.000 người.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày Nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, trong đó, tiến độ thực hiện dự án không quá 48 tháng.
Thái Nguyên: Quyết liệt thu hồi khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vừa yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện khẩn trương, quyết liệt một số nhiệm vụ để tiếp tục thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp đôn đốc thu hồi khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả cao nhất.
Năm 2023, HĐND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước là 20.000 tỷ đồng, trong đó thu tiền sử dụng đất là 4.800 tỷ đồng, tiền thuê đất là 700 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/7, tiền thu sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mới được 734,778 tỷ đồng, đạt 15,3% dự toán tỉnh giao, tiền thuê đất đạt 296,086 tỷ đồng, bằng 42,3% dự toán tỉnh giao.
Theo thông báo của cơ quan thuế, số tiền sử dụng đất đã có thông báo còn nợ là 681,240 tỷ đồng và số tiền thuê đất đã có thông báo còn nợ là 94,865 tỷ đồng tại 14 dự án khu dân cư, khu đô thị.
Một số nguyên nhân thu tiền sử dụng đất của các dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt thấp được xác định là do thị trường BĐS khoảng 1 năm trở lại đây trầm lắng khiến tỷ lệ giao dịch thấp; nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn vay và vốn huy động, trong khi lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và khó tiếp cận vốn. Cùng với đó, một bộ phận người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế.
Theo kế hoạch của Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên, chậm nhất đến cuối tháng 9/2023, các dự án nợ tiền sử dụng đất phải hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Tại Văn bản số 4151/UBND-KT ngày 18/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Cục Thuế tỉnh: Triển khai áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế theo đúng quy định; đặc biệt tập trung áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn, chây ỳ, kéo dài để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ xử lý các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh; định kỳ hằng tháng báo cáo đánh giá tình hình xử lý các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh, tổng hợp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo theo đúng quy định.
UBND các huyện, thành phố: Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn để đôn đốc kịp thời nộp ngân sách Nhà nước. Xây dựng chương trình, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thuế khu vực tập trung đôn đốc và xử lý dứt điểm các khoản nợ liên quan đến đất.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong vòng 120 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá thì UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ.
Giá nhà Hà Nội và TP.HCM cao gấp 18-32 lần thu nhập
Savills vừa đưa ra những con số liên quan đến khả năng sở hữu nhà ở của người dân tại Hà Nội và TP.HCM.
Trong đó, đơn vị này dẫn báo cáo Chỉ số về khả năng chi trả nhà ở tại Châu Á Thái Bình Dương năm 2023 của Viện Đất đai đô thị (ULI) cho thấy, TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố có giá nhà ở mức độ trung bình trong khu vực. Thế nhưng, lại chênh lệch khá lớn so với thu nhập của người dân.
Cụ thể, tại TP.HCM, giá nhà trung bình là 296.000 USD (hơn 7 tỷ đồng) với thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở mức 9.120 USD/năm (khoảng 220 triệu đồng).
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là mấu chốt trong việc thiết lập khả năng chi trả cho người dân trong vấn đề nhà ở. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình/DT) |
Theo tính toán của đơn vị ra báo cáo, chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TP.HCM đang ở mức 32,5 lần. Mức này cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Thâm Quyến (35 lần), thậm chí cao hơn Bắc Kinh (29,3 lần), Thượng Hải (24,1 lần) và Hong Kong-Trung Quốc (26,5 lần).
Trong khi đó, chỉ số này ở Hà Nội là 18,3 lần với mức thu nhập trung bình năm của hộ gia đình là 9.967 USD (khoảng 240 triệu đồng); cao hơn Seoul (17,3 lần), Tokyo (16,1 lần), nhà ở thương mại Singapore (13,7 lần).
Ở thị trường nhà ở cho thuê, giá thuê trung bình hằng tháng trên mỗi căn hộ tại TP.HCM là 592 USD, tương đương khoảng hơn 14 triệu đồng. Thị trường này chủ yếu phù hợp với nhóm lao động trẻ có thu nhập cao hoặc nhóm người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Phân tích về khả năng chi trả nhà ở của người dân tại TP.HCM, bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills TP.HCM cho rằng, phần lớn người dân chỉ có thể chi trả cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền, căn hộ bình dân.
Theo bà Giang, hiện những căn hộ vừa túi tiền có giá 2 – 4 tỷ đồng có nguồn cung thấp. Nếu như trước đây, dòng sản phẩm này chiếm tỷ lệ khoảng 60% trong nguồn cung của thị trường; năm 2023 chỉ còn chiếm khoảng 25%. Điều này ảnh hưởng tới cơ hội sở hữu nhà của người dân.
Bà Giang cho rằng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là mấu chốt trong việc thiết lập khả năng chi trả cho người dân trong vấn đề nhà ở. Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia khác nhau đã cho thấy những tác động tích cực của các giải pháp nhà ở đối với phát triển kinh tế xã hội.
“Việc Chính phủ xem xét các loại thuế để hạn chế mua đầu cơ và tăng quỹ đất phát triển nhà ở giá rẻ, thể hiện cam kết thúc đẩy thị trường nhà ở ổn định và bền vững, mang lại lợi ích cho những người mua nhà”, bà Huỳnh nói.
Cùng với đó, bà cho rằng, phát triển nhà ở xã hội là vấn đề cần ưu tiên bởi giúp giải quyết các vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp, kích thích phần nào kinh tế xã hội, tăng tốc độ giãn dân, mở rộng đô thị ra các khu vực ngoại thành, tăng tính bền vững trong quy hoạch đô thị.