Căn nhà không bảng tên, biển hiệu và luôn cửa đóng then cài ở cuối con ngõ nhỏ của khu dân cư xóm Giếng, thôn Yên Xá (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) chính là kho hàng chứa hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm thường được chủ shop quảng cáo trên mạng xã hội. Thời điểm chúng tôi có mặt, chủ hàng đang khẩn trương sang hàng từ các thùng bìa carton sang những hộp mỹ phẩm nhỏ để giao cho khách. Cứ như thế, hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm giả, toả đi khắp nơi, đặt lên kệ trang điểm của nhiều người mà không hề hay biết đó là những sản phẩm dối trá.
Bí mật làm giàu thần tốc của các chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm
Sau nhiều ngày trở thành “con buôn” kiên trì nhập sỉ mỹ phẩm về bán online trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Instagram… bằng nhiều cách thuyết phục, chúng tôi được tiếp cận kho hàng và tìm hiểu về bí mật làm giàu thần tốc của các chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm online.
Tiếp và tư vấn cho chúng tôi khi là khách quen, người bán hàng tên Hương không ngại khẳng định tất cả số mỹ phẩm “cao cấp” này thực chất là hàng nhái, có nguồn gốc Trung Quốc.
“Nhiều người đến đây lấy hàng về bán lắm. Khách sỉ như anh chị rất nhiều, từ Phú Thọ, Yên Bái đến TPHCM đều có. Anh chị mang về trộn hàng giả và hàng thật, không ai biết được”, chủ cửa hàng tên Hương nói.
Qua quan sát, ngoài sản phẩm xịt khoáng, kem dưỡng trắng da, cửa hàng bày bán rất nhiều loại mỹ phẩm phục vụ chăm sóc sắc đẹp phụ nữ như kem tắm trắng, trị nám, nhau thai cừu Lanolin, thực phẩm chức năng collagen, chất tẩy trắng răng.
Hầu hết mặt hàng được bày bán đều có xuất xứ Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản… Đặc điểm chung là không có thông tin đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm kiểm định, công bố chất lượng, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Đặc biệt, có những sản phẩm mang mác ngoại nhập nhưng trên bao bì không có thông tin của nhà sản xuất nước ngoài. Chẳng hạn, sản phẩm kem dưỡng trắng da thương hiệu Innisfree được ghi xuất xứ Hàn Quốc với giá 90.000 đồng/tuýp, phía ngoài hộp bọc lớp nilông mỏng. Dù khẳng định hàng xách tay chính hãng nhưng chủ cửa hàng cho biết, “cần bao nhiêu cửa hàng cũng có thể đáp ứng”.
Cầm trên tay chai mỹ phẩm trị nám, tàn nhang, chủ cửa hàng tên Hương còn mách nước cho chúng tôi cách để phân biệt thế nào là hàng thật, hàng giả.
Hàng thật chữ ở mã vạch là màu nâu, còn hàng giả là màu xanh. Hàng giả có hai loại, một là nhập trực tiếp từ Trung Quốc, hai là gia công ở Việt Nam, nhưng hàng gia công xấu, hàng Trung Quốc đắt nhưng mẫu mã đẹp, bắt mắt hơn.
Chủ cửa hàng ở kho mỹ phẩm này còn hào phóng đưa cho chúng tôi sản phẩm để về “test – kiểm tra” vì “chẳng đáng bao nhiêu tiền”.
Tem hàng giả không thể thiếu
Mặc dù bán mỹ phẩm giả, nhái, tuy nhiên, chủ cửa hàng cho biết, ngoài kinh doanh trên mạng xã hội, kho hàng này còn thường xuyên phân phối trên các nền tảng thương mại điện tử. Và để nâng giá các sản phẩm mỹ phẩm nhái thương hiệu, tem giả là “phụ kiện” không thể thiếu.
Nhanh nhảu mang một xấp mã vạch với hàng trăm sản phẩm cho chúng tôi “mục sở thị”, chị Hương cho biết: “Tem mác đầy đủ đây, một là anh chị mang về dán, hai là em sẽ dán sẵn, chọn cách nào cũng được. Nếu khách hàng ở xa, em ship (giao hàng) tem mác sang cho, không sợ đâu”.
Nhờ hàng loạt “phụ kiện” ngụy trang tinh vi kèm với “mã vạch chính hãng” chủ cửa hàng khẳng định khi bán, các khách buôn có thể tự tin cho người mua mỹ phẩm “check” mã vạch thoải mái mà không phát hiện ra bất thường.
Khi chúng tôi hỏi sản phẩm có giấy chứng nhận không, chủ cửa hàng khẳng định “không có”; nhưng muốn có, cứ lên các trang thương mại điện tử như Shopee tải về, có đầy đủ tên sản phẩm tương tự để lấy giấy chứng nhận gửi khách.
“Việc kiểm tra ngày tháng sản xuất hàng cũng rất đơn giản, vì mã vạch đã được lập trình sẵn, khi khách hàng check sẽ ra năm sản xuất là 2023. Check mã thoải mái, kiểm tra bên Zalo cũng được”, chị Hương cho hay.
Bên cạnh nguồn hàng nhái nhập lậu từ Trung Quốc, mỹ phẩm gia công tại các kho xưởng ở Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp chính cho nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Kinh doanh mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt đến 140 triệu đồng
Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NNĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 15.10.2020. Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt từ 50 – 70 triệu đồng nếu hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo luật, nếu là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Như vậy, người bán mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt lên đến 100 – 140 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 – 3 tháng và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm. Trong đó, mỹ phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì là hàng hóa có nhãn hoặc bao bì giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu mỹ phẩm; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa…