Năm 2023, miền Bắc đã rơi vào tình trạng thiếu điện khá nghiêm trọng trong mùa Hè. Kịch bản này có thể một lần nữa tái hiện trong năm 2024, nhất là khi Bộ Công Thương đã cảnh báo có thể xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong việc cung cấp điện trong năm tới.
Xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong việc cung cấp điện. Ảnh minh họa: Tuấn Kiệt – TTXVN
Những yếu tố đặc thù
Trao đổi với báo giới, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, nói: “Tình trạng tăng đột biến của nhu cầu phụ tải trong mùa Hè vừa qua không phải vấn đề mới, nhưng có một số yếu tố đặc thù dẫn tới hệ quả thiếu điện”.
Theo ông Hà Đăng Sơn, yếu tố đặc thù đầu tiên là những đợt nắng nóng bất thường diễn ra vào đúng lúc một số nhà máy điện chủ chốt đang gặp sự cố, gây thiếu hụt về nguồn cung.
Bên cạnh đó, ông Hà Đăng Sơn cho biết nguồn nước cho thủy điện cũng gặp khó khăn trong đợt đầu mùa Hè. Lượng nước ở thượng nguồn về rất thấp và không đủ để phát điện. Do đặc tính của các nhà máy thủy điện không thể phát 100% toàn bộ lượng nước có trong hồ chứa mà vẫn phải dự trữ để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, cấp nước cho người dân. Đây đều là những nhu cầu rất quan trọng.
“Từ hai yếu tố này đã tạo ra những thách thức không nhỏ đối với cung ứng điện”, ông Hà Đăng Sơn nói.
Hơn thế nữa, ông Hà Đăng Sơn cho biết các cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas đã khiến cho giá nhiên liệu tăng cao, dẫn tới việc huy động nguồn nhiệt điện để đáp ứng sự gia tăng của nhu cầu phụ tải gặp khó. Trong bối cảnh đó, giá điện đã được giữ ổn định trong thời gian dài, khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam ở vào thế khó khi phải bán điện với giá thấp hơn so với giá thành sản xuất và thua lỗ. Hệ lụy là việc thu xếp vốn để đầu tư nguồn và lưới điện mới không có; thiếu tiền mua nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.
Nỗ lực đảm bảo nguồn cung điện
Theo nhận định của Bộ Công Thương, năm 2024 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong việc cung cấp điện như không có nguồn điện lớn nào vào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ các nguồn khí hiện hữu đang ở giai đoạn suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao nên lượng than nhập khẩu tăng cao.
Công nhân Truyền tải điện Bình Định sử dụng UAV để kiểm tra tuyến đường dây. Ảnh: Huy Hùng TTXVN
Mặc dù vậy, theo ông Hà Đăng Sơn, đã “xuất hiện những tín hiệu tốt” về nguồn cung như lượng mưa ở thượng nguồn tăng và phía EVN đang chủ động, tích cực trữ nước để có thể đáp ứng được nhu cầu điện tăng cao trong mùa khô năm 2024. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã nhận thức các thách thức trong phát triển bền vững, một mặt chuyển sang sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn điện chạy nền.
Mặt khác, ông Hà Đăng Sơn cho rằng việc điều chỉnh giá điện hai lần trong năm 2023 cũng là những tín hiệu tích cực để đảm bảo cho EVN có tình trạng tài chính tốt hơn và có nguồn tiền để chi trả cho các nguồn điện từ khối tư nhân.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đàm phán với Lào để mua điện từ các dự án thủy điện, điện gió, điện mặt trời ở nước này.
Trước đó, trong Quyết định số 3110/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, Bộ Công Thương đánh giá về cơ bản, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2024 vẫn sẽ được đảm bảo.
Bộ Công Thương dự báo năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc là 306,259 tỷ kWh; trong đó mùa khô là 148,489 tỷ kWh và mùa mưa là 157,769 tỷ kWh. Các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được huy động theo nhu cầu phụ tải điện và khả năng hấp thụ của lưới điện.
Để đảm bảo nguồn cung điện ổn định, tại Quyết định số 3110/QĐ-BCT, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị; trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cùng các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu; đảm bảo độ sẵn sàng, khả dụng cao của các tổ máy phát điện. Đồng thời lập các kế hoạch cung cấp điện chi tiết, cụ thể cho từng tháng, từng tuần; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện và các dự án có trong kế hoạch được phê duyệt đảm bảo giải toả công suất cho các nguồn điện, giảm tải cho các đường dây, máy biến áp đang phải vận hành đầy và quá tải.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty khí Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quá trình thực hiện phương án cung cấp, ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, bảo đảm hiệu quả tối ưu của chuỗi khí – điện và lợi ích quốc gia.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Công ty Than Đông Bắc lập kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, đảm bảo khối lượng, chất lượng, đúng chủng loại cho các nhà máy nhiệt điện than theo các điều khoản hợp đồng đã ký để đảm bảo phát điện.
Các đơn vị phát điện chủ động chuẩn bị nguồn nhiện liệu than bao gồm cả phương án sử dụng than trộn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 2/12/2019 về việc tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.
“Rõ ràng, về chuẩn bị để ứng phó cung ứng điện năm 2024 thì theo tôi đánh giá, chúng ta đang đi theo hướng rất tốt. Một mặt, chúng ta đã chủ động về nguồn cung nội tại và mặt khác, những nguồn điện mà chúng ta đặt mua ở nước ngoài đa phần là nguồn điện sạch, điện tái tạo”, ông Hà Đăng Sơn kết luận. “Tôi hy vọng việc thiếu điện trong năm 2024 nếu có xảy ra cũng chỉ trong thời gian rất ngắn và mang tính chất cục bộ tại một số khu vực. Nhìn tổng thể, tôi có kỳ vọng tương đối tươi sáng trong việc cung ứng điện năm 2024”./.
Thu Trang