Theo khảo sát, ban quản lý các chợ truyền thống ở TPHCM cho biết, giá bán sẽ do thị trường quyết định vì ảnh hưởng bởi yếu tố nguồn hàng và sức mua.
Xu hướng tăng giá chủ yếu là những mặt hàng sử dụng nhiều trong Tết theo nhu cầu và tập quán xã hội như cá thu, cá ngừ, tôm sú sống, mực tươi, quýt đường, cải thảo… có thể sẽ tăng giá từ 10 – 20%.
Một số mặt hàng hoa tươi cao cấp như hoa ly, hoa huệ đỏ (lay ơn), cẩm chướng tăng giá 2 -3 lần so với ngày bình thường. Còn lại hầu hết chỉ biến động nhẹ và một số ít còn giảm giá do sản lượng về nhiều.
Riêng mặt hàng thịt súc sản, gia cầm dự kiến năm nay không tăng nhiều, ước dao động khoảng 10 – 20% so với giá hiện nay do nhu cầu thị trường không cao.
Phía các chợ đầu mối tại TPHCM cũng thông tin, hiện nay, một số mặt hàng có giá bán thấp hơn so với cùng kỳ năm rồi như mặt hàng củ kiệu dao động 45.000 – 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước là 70.000 đồng/kg, giảm 28%.
“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, liên ngành của huyện, thành phố để kiểm tra giá cả, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chống đầu cơ, găm hàng tạo sự khan hiếm giả tạo nhằm góp phần ổn định giá cả trên thị trường trong những ngày Tết” – ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Chợ Bình Điền, cho biết.
Trong khi đó, tại các hệ thống siêu thị đều cam kết hàng hoá được phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn. Thậm chí, có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá trong những ngày Tết.
Để đảm bảo ổn định thị trường, phía Sở Công Thương TPHCM cho biết, đơn vị tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến trong những ngày Tết như bánh kẹo, nước giải khát…
Đồng thời, chủ động có phương án, biện pháp bảo đảm cân đổi cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.