Vàng thế giới đang bị "sa lầy" vào chính sách tiền tệ mà Fed công bố từ tuần trước, chỉ bất ổn chính trị mới khiến vàng hồi phục. Trong nước, nhẫn trơn và miếng SJC biến động theo giá vàng thế giới.
Tuy giá vàng thế giới phục hồi vào phiên cuối tuần trước nhưng vẫn chỉ quanh quẩn mốc 2.600 USD/ounce. Tuần qua, bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, giá vàng vẫn giảm mạnh, thậm chí về mức thấp nhất trong vòng một tháng là 2.586,79 USD/ounce.
Các nhà phân tích lưu ý, giá vàng 10 ngày tới tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro. Bối cảnh nghỉ lễ Noel và bước sang năm mới 2025, thời gian giao dịch bị rút ngắn không thể giúp vàng lấy lại động lực.
Theo những gì mà Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, phát biểu sau cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 18/12 thì Fed gần như chắc chắn rằng sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa vào năm 2025 và hai lần tiếp theo vào năm 2026.
Chu kỳ cắt giảm kéo dài như vậy làm các nhà đầu tư vàng trở nên thiếu kiên nhẫn. Họ cho rằng, tương lai của vàng sẽ rất mờ nhạt, khó có thể bứt phá và thiết lập kỷ lục mới vào năm sau.
Các nhà phân tích hàng hóa tại Ngân hàng TD Securities cho rằng vàng đang bị sa lầy vào những bất ổn xung quanh chính sách của Fed và lạm phát dai dẳng. Trong khi đó, một số khác lại nhận định, vàng bị kẹt trong cuộc giằng co giữa chính sách tiền tệ và sự bất ổn địa chính trị. Chỉ duy nhất yếu tố bất ổn địa chính trị mới giúp giá vàng phục hồi.
Trong báo cáo mới nhất của ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ, Bank of America, các nhà phân tích cho hay vàng đang gặp nhiều trở ngại, một phần do các nhà đầu tư phương Tây phải đối mặt với lợi suất trái phiếu có khả năng cao hơn và đồng USD mạnh hơn.
"Rất có thể chính quyền Trump sẽ thúc đẩy một loạt chính sách kết hợp, thông qua tăng trưởng mạnh hơn, lạm phát cao hơn, lãi suất cao hơn và đồng USD mạnh hơn, làm hạn chế nhu cầu tăng mua vàng của các nhà đầu tư trong thời gian tới", báo cáo của Bank of America ghi rõ.
Còn John LaForge, Trưởng phòng Chiến lược Tài sản thực tại Wells Fargo, tin rằng, giá vàng sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu của các ngân hàng trung ương tại thị trường mới nổi khi các quốc gia tiếp tục đa dạng hóa nguồn dự trữ khỏi đồng USD.
Cùng quan điểm, Tom Bruce, chiến lược gia đầu tư vĩ mô tại Tanglewood Total Wealth Management, cho biết ông cũng chú ý nhiều hơn đến nhu cầu mua vàng của ngân hàng trung ương. Mặc dù những tháng gần đây, các ngân hàng trung ương đã mua vàng chậm lại nhưng gần đây bắt đầu mua vào - xu hướng này dự kiến duy trì đến năm 2025.
Phần lớn nhà phân tích cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu, mối đe dọa lạm phát cao hơn và bất ổn địa chính trị sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu cầu mua vàng của nhà đầu tư, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.
Tại thị trường trong nước, vàng nhẫn và vàng miếng SJC tuần qua biến động mạnh, nhiều phiên rơi tự do, giảm hàng triệu đồng/lượng do tác động từ giá vàng thế giới.
Kết phiên 21/12, giá vàng miếng tại SJC đóng cửa ở mức 81,8-83,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), trong khi Doji niêm yết ở mức 82,4-84,4 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của SJC được niêm yết ở mức 81,8-83,6 triệu đồng/lượng (mua - bán), vàng nhẫn 9999 tại Doji chốt phiên ở mức 82,9-84,4 triệu đồng/lượng.
Dự báo giá vàng trong nước 10 ngày tới tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh của giá vàng thế giới. Giới đầu tư cần theo dõi giá thế giới để đưa ra quyết định đầu tư của mình.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/du-bao-gia-vang-10-ngay-toi-bi-sa-lay-cua-nao-giup-vang-but-pha-2355187.html
Bình luận (0)