Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hồ tiêu giảm mạnh nhưng giá bán tiêu tại thị trường trong nước tăng cao so với trước. Nguyên nhân chính là nguồn cung mặt hàng này ít hơn cầu.
Nông dân xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) thu hoạch tiêu. Ảnh: B.Nguyên |
Dự báo thị trường hồ tiêu sẽ “nóng” lên trong thời gian tới, vì ngày càng khan nguồn cung do diện tích cây trồng và năng suất giảm sâu.
* Xuất khẩu giảm, giá vẫn tăng cao
Theo số liệu của Sở Công thương, 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sụt giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 14 triệu USD, giảm gần 44% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy xuất khẩu giảm mạnh nhưng giá hồ tiêu trong nước lại bất ngờ tăng cao so với hồi đầu năm vì nguồn cung thấp hơn cầu. Hiện giá tiêu nông dân bán tại vườn là 75 ngàn đồng/kg, tăng 15 ngàn đồng/kg so với dịp đầu năm.
TS Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ) cho biết, thị trường xuất khẩu chính của HTX là châu Âu. Do ảnh hưởng của xung đột, xuất khẩu hồ tiêu qua thị trường này giảm mạnh. Riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang dần phục hồi. Xuất khẩu gặp khó khăn nhưng giá tiêu vẫn tăng do nguồn cung giảm mạnh, chỉ tính riêng tỉnh Đồng Nai, nguồn cung hồ tiêu đã giảm khoảng 50% so với trước.
Ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice (tỉnh Bình Dương) nhận xét, nguồn cung hồ tiêu giảm hơn cầu đã xuất hiện từ 3 năm qua khi nông dân đua nhau chặt bỏ cây trồng này. Nhưng hiện nay, thị trường hồ tiêu mới bộc lộ rõ do trước đó nguồn hàng tồn vẫn khá dồi dào. Với tình hình này, nông dân có quay trở lại trồng tiêu thì cũng cần chu kỳ ít nhất 3 năm nguồn cung mới tăng trở lại. Với mức giá hiện nay, vườn tiêu đã cho lợi nhuận nhưng so với hiệu quả kinh tế của nhiều cây trồng khác, nhất là cây sầu riêng thì vẫn thấp hơn nên nông dân sẽ không tính chuyện trồng lại cây tiêu. Dự báo nguồn cung hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm do diện tích hồ tiêu già cỗi ngày càng tăng, biến đổi khí hậu khiến thời tiết thất thường cũng là yếu tố làm giảm năng suất cây trồng này.
Theo dự báo của một số công ty xuất khẩu hồ tiêu, từ nay đến vụ thu hoạch niên vụ mới, giá tiêu sẽ tiếp tục theo đà tăng vì nguồn cung ngày càng giảm. Xuất khẩu hồ tiêu sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới. Thị trường sẽ có thay đổi là giảm về sản lượng nhưng giá trị sẽ tăng lên.
* Giá tăng, nông dân vẫn kém mặn mà
Theo nhiều nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh, hiện giá tiêu tăng cao nhưng nông dân trồng tiêu hầu như không được hưởng lợi. Vì sau nhiều năm thua lỗ, nông dân đã cạn vốn nên xong vụ thu hoạch đều bán cho thương lái chứ không trữ lại chờ giá cao như nhiều năm trước. Gần đây, giá tiêu bán ra thị trường tăng lên mức nông dân có lợi nhuận nhưng không ai còn mặn mà giữ hoặc tái đầu tư lại cây trồng này, đa số vườn tiêu già cỗi nông dân đều chuyển sang trồng cây ăn trái.
Ông Đỗ Văn Dân, nông dân tại xã Lâm San cho hay, năng suất vườn tiêu ngày càng giảm, năm ngoái gia đình ông còn thu được hơn 3 tấn/ha, vụ thu hoạch vừa qua chỉ đạt hơn 2 tấn/ha. Có nhiều nguyên nhân do giá tiêu thấp nên nông dân giảm đầu tư; vườn tiêu ngày càng già cỗi và một phần do ảnh hưởng của thời tiết thất thường. Gia đình ông đang giảm dần diện tích tiêu sang trồng sầu riêng và mít.
Cùng quan điểm, Giám đốc HTX Hồ tiêu Xuân Thọ (xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc) Trần Hữu Thắng so sánh, trước đây nông dân thu hoạch được 6-7 tấn tiêu/ha nhưng hiện nay vườn nào cũng chỉ đạt được từ 3-4 tấn/ha. Những vườn tiêu già cỗi năng suất còn thấp hơn nhiều nên giá bán tiêu có tăng cũng chưa đủ hấp dẫn người trồng. Theo ông Thắng, trước đây nhiều vườn tiêu 20 năm vẫn cho năng suất cao, nhưng nay nhiều vườn chỉ sau vài năm thu hoạch đã già cỗi. Trong đó có nguyên nhân thời điểm tiêu sốt giá, nông dân ồ ạt đầu tư, trồng tiêu trên những vùng đất không hợp thổ nhưỡng nên vườn tiêu rất nhanh tàn.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính đến cuối năm 2022, diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 10,7 ngàn ha, giảm gần 50% diện tích so với thời hoàng kim của cây trồng này. Không chỉ giảm mạnh về diện tích, năng suất của cây trồng này cũng ngày càng kém. |
Bình Nguyên
.