Sáng 20/9, tại tỉnh Vĩnh Long, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” cấp vùng phía Nam năm 2024.
Tham dự chương trình có các đại biểu: Bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Nguyễn Thành Thế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long; bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; cùng đại diện các Sở Ban ngành Trung ương và địa phương, đại diện Hội LHPN các tỉnh, thành phía nam và đại diện các dự án tham gia vòng chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng phía Nam 2024…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương cho biết: Khu vực miền Nam gồm 19 tỉnh thành phố có số lượng dự án khởi nghiệp của phụ nữ dự thi vòng sơ loại cao nhất cả nước, chiếm tỷ lệ 48%. Số lượng dự án lọt vào Vòng chung kết cấp vùng tăng 50% so với năm 2023. Kết quả này đã đánh giá sự gia tăng đáng kể về số lượng và chất lượng tham gia cuộc thi của khu vực phía Nam năm nay.
Tại Lễ trao giải, Ban tổ chức (BTC) đã trao: 1 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba; 7 giải Khuyến khích cho các dự án đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng phía Nam 2024.
Trong đó, dự án “Xử lý phế thải phân heo nông hộ trực tiếp không thông qua hầm Biogas thành nguyên liệu phân bón hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ” – HTX sản xuất nông nghiệp sinh học CNC – Thương mại, dịch vụ Đồng Tâm của chị Nguyễn Thị Linh, tỉnh Bình Phước đoạt giải Đặc biệt.
Mô hình này giúp các trang trại, các hộ chăn nuôi xử lý chất thải phân heo theo hướng tuần hoàn, giúp xử lý triệt để phế thải chăn nuôi heo không thông qua hầm Biogas thành nguyên liệu phân bón hữu cơ (phân trùn quế, dịch đạm trùn quế, bột đạm trùn quế) phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ.
“Tôi rất hạnh phúc và vinh dự khi nhận được giải thưởng cao trong cuộc thi lần này. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để mang những giá trị từ sản phẩm của mình giúp ích cho cộng đồng. Tôi cảm ơn Hội LHPN các cấp đã luôn ủng hộ, động viên và đồng hành giúp đỡ để tôi mạnh dạn bước ra một sân chơi lớn, giúp tôi cảm thấy tự tin hơn về con đường khởi nghiệp mình đang chọn”, chị Nguyễn Thị Linh, chia sẻ.
Trong dịp này, Hội LHPN Việt Nam còn trao giải thưởng “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” năm 2024 cho 7 gương phụ nữ có Dự án khởi nghiệp lọt vào vòng Chung kết cấp Vùng phía Nam, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng kèm theo Giấy chứng nhận của nhà tài trợ Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam. Giải thưởng nhằm tôn vinh những dự án/ý tưởng tiềm năng, tiếp thêm nguồn lực và sự tự tin để theo đuổi ước mơ khởi nghiệp, làm chủ cuộc đời của phụ nữ trên cả nước.
“Dự án của tôi là sản xuất nhang sinh học từ vỏ bưởi và sả. Tôi tận dụng các phế phẩm và từ các sản phẩm bản địa của địa phương (vỏ bưởi và cây, lá sả) để làm nhang, vừa tạo công ăn việc làm cho bản thân và các chị em, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Hôm nay, tôi rất vinh dự khi nhận được giải thưởng “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, với số tiền nhận được từ giải thưởng, tôi sẽ trang bị thêm thiết bị phục vụ cho việc sản xuất nhang của mình”, Trương Thị Mỹ Dung (Bến Tre) phấn khởi cho biết.
Bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nhấn mạnh: “Có thể nói các dự án, ý tưởng khởi nghiệp dù ở bất kỳ mức độ tham gia nào đều thể hiện niềm đam mê, nhiệt huyết, khát khao, tinh thần đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của đông đảo các tầng lớp phụ nữ. Tôi đặc biệt trân trọng những nỗ lực vượt bậc của các thí sinh ở độ tuổi không còn trẻ, các thí sinh dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật. Đồng thời xin được bày tỏ sự tự hào, khâm phục trước tinh thần quyết tâm, khát vọng cống hiến của các tác giả để tìm ra lời giải cho các vấn đề cấp thiết của cuộc sống, chứng minh một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh và đóng góp cho một Việt Nam phát triển nhanh và bền vững”.
Danh sách các dự án đoạt giải từ giải ba cấp Vùng trở lên tham dự Chung kết Toàn quốc Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024:
Giải Đặc biệt: Chị Nguyễn Thị Linh, tỉnh Bình Phước với Dự án Xử lý phế thải phân heo nông hộ trực tiếp không thông qua hầm Biogas thành nguyên liệu phân bón hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ – HTX sản xuất nông nghiệp sinh học CNC – Thương mại, dịch vụ Đồng Tâm.
2 giải Nhất: Chị Trần Thanh Liễu, TPHCM với Dự án Đường dừa nước hữu cơ – Công ty cổ phần dừa nước Việt Nam (Vietnipa); chị Nguyễn Thị Yến, tỉnh Đồng Nai với Dự án Nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy thương mại hóa một số sản phẩm có lợi cho sức khỏe có nguồn gốc từ thiên nhiên – Hộ kinh doanh Yến Lộc Rừng.
3 giải Nhì: Chị Phạm Thị Phượng, tỉnh Vĩnh Long với Dự án Dự án chế biến chuỗi sản phẩm nâng tầm giá trị thương hiệu bưởi năm roi Bình Minh, Vĩnh Long – Công ty TNHH TM SX Vân Phượng; chị Lữ Thị Nhật Hằng, tỉnh Hậu Giang với Dự án Dự án mô hình sản xuất nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, kết hợp sử dụng điện năng lượng tái tạo – Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong; chị Nguyễn Thị Chiến, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với Dự án Nước mắm cá cơm Long Hải truyền thống, Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ HaTi.
4 giải Ba: Chị Lâm Hằng Ni, tỉnh Cà Mau với Dự án Phát triển kinh tế chuyển đổi xanh từ củ nghệ xà cừ Cà Mau – Hợp tác xã Nhật Huy; chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, TPHCM với Dự án Khu du lịch sinh thái Thiềng Liềng – Cần Giờ- Hợp tác xã Nông nghiệp – Thương Mại – Dịch vụ du lịch Thiềng Liềng; chị Nguyễn Thị Bảo Hồng, tỉnh Bình Dương với Dự án Trồng nấm rơm, rau mầm theo hướng tuần hoàn, Hộ Kinh doanh Nấm rơm Luân Nhàn; chị Quách Mỹ Oanh, Trung tâm Thể dục thể thao người khuyết tật Nhân Ái – Công ty TNHH MTV cộng đồng thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/du-an-xu-ly-chat-thai-phan-heo-tuan-hoan-doat-giai-dac-biet-cuoc-thi-phu-nu-khoi-nghiep-phia-nam-20240920125926336.htm