Hơn 1 năm thi công dự án mới đạt hơn 60% giá trị sản lượng.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 – Km36 qua địa bàn tỉnh Nghệ An với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 27,5 km, điểm đầu tại Km0 (giao với Quốc lộ 1, thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) và điểm cuối tại Km35+225 (đầu cầu Đô Lương, thị trấn Đô Lương, tỉnh Nghệ An).
Quy mô của dự án là cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 – Km36 theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, đạt tốc độ thiết kế 80 km/h. Riêng các đoạn qua đô thị, đạt tốc độ thiết kế 60 km/h. Dự án có chiều rộng nền đường 12m, chiều rộng mặt đường 11m, các đoạn qua đô thị rộng từ 20 – 25m. Xử lý các vị trí sụt trượt khắc phục hậu quả bão lũ đoạn Khe Thơi – Nậm Cắn với chiều dài 700 mét.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 qua Nghệ An sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc Bắc – Nam và các tuyến đường đang khai thác, tạo thành động lực lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, giúp từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến quốc lộ 7 theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt trên hành lang vận tải từ cửa khẩu Nậm Cắn (kết nối Lào) tới các tỉnh ven biển miền Trung.
Dự án được khởi công ngày 7/9/2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2023, đến năm 2024 sẽ đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thi công dự án mới đạt hơn 60% giá trị sản lượng.
Đặc biệt, 5 km đầu tuyến (Km0-Km5) của dự án theo yêu cầu của Bộ GTVT phải hoàn thành trong tháng 8/2023 để khai thác đồng bộ với với cao tốc Bắc Nam, đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu vừa qua đã bị trượt tiến độ. Còn với mốc tiến độ hoàn thành cuối năm 2023 xem ra cực kỳ khó khăn.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án 4, Cục Đường bộ Việt Nam chủ đầu tư dự án, dự án được khởi công tính đến nay đã hơn 1 năm nhưng giải phóng mặt bằng mới được khoảng hơn 70%, nhưng trong số này cũng chỉ có khoảng 80% mặt bằng có thể thi công được. Bởi nhiều đoạn mặt bằng bị “xôi đỗ”, không đủ công địa để thi công nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn.
“Khó khăn nhất đối với diện tích mặt bằng chưa được giải phóng của dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 7 là xác định nguồn gốc đất, trải qua nhiều thời kỳ, qua nhiều lần giao đất, giấy giao đất trước đây không có tọa độ, hình thể thửa rõ ràng. Hiện tại, Ban Quản lý dự án 4 đang tích cực phối hợp với tỉnh Nghệ An để tháo gỡ”, đại diện chủ đầu tư thông tin.
Hiện nay, cao tốc đã đưa vào khai thác, áp lực giao thông lên đoạn tuyến này ngày càng lớn. Trong khi đó, mặt bằng “xôi đỗ”, các địa phương nhất là huyện Diễn Châu bàn giao mặt bằng chậm, dẫn đến việc thi công cũng chậm tiến độ đề ra.
Hiện tại, Cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án 4 cũng chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công hoàn thiện những đoạn đã được bàn giao mặt bằng để phương tiện lưu thông. Đối với những đoạn nút thắt do vướng mặt bằng thì cắm biển cảnh báo để người tham gia giao thông hạn chế tốc độ, phòng ngừa tai nạn.
“Để dự án tránh được nguy cơ chậm tiến độ phải gia hạn thì điều tiên quyết là địa phương cần sớm bàn giao mặt bằng “sạch”. Từ đó, nhà thầu mới huy động tổng lực triển khai nhiều mũi thi công bù tiến độ, giảm thiểu tình trạng thua lỗ do máy móc tập kết nhưng không hoạt động”, ông Nguyễn Quang Huy nói.
Phía Ban Quản lý dự án 4 đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ưu tiên quan tâm chỉ đạo, giải quyết vướng mắc về mặt bằng. Cùng với đó, Ban Quản lý dự án 4 đề nghị, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện lưới sinh hoạt, đường ống nước… để bàn giao mặt bằng “sạch” cho đơn vị thi công.
Tìm giải pháp tháo gỡ
Đoạn qua địa bàn huyện Diễn Châu thuộc lý trình từ Km0+00 – Km9+180, có tổng chiều dài 9,18 km, đi qua địa bàn thị trấn Diễn Châu và các xã: Diễn Thành, Diễn Phúc, Diễn Cát và Minh Châu (riêng địa bàn thị trấn Diễn Châu không phải thu hồi đất do phạm vi cắm mốc GPMB không ảnh hưởng đến các thửa đất của hộ gia đình, cá nhân).
Trong đó, tổng số thửa đất bị ảnh hưởng của dự án là 867 thửa, cụ thể: đất ở 360 thửa, đất nông nghiệp 397 thửa và đất khác 110 thửa. Bao gồm: Đất giao thông, thủy lợi, đất phi nông nghiệp không phải đất ở, đất chưa sử dụng,…. Tổng số thửa đất ở bị thu hồi phải giao đất ở mới là 15 thửa (tại xã Diễn Phúc).
Ông Lê Mạnh Hiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, nguyên nhân giải phóng chậm là do gặp nhiều vướng mắc có tính khách quan do lịch sử để lại, UBND huyện đang tập trung tháo gỡ và kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương xử lý.
Hiện, UBND huyện Diễn Châu đang tiếp tục tập trung huy động cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền, vận động người dân hiểu tầm quan trọng của dự án; chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của Nhà nước.
UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng, củng cố, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có). Trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật mà công dân không chấp hành, có hành vi chống đối, gây cản trở đơn vị thi công thì tổ chức cưỡng chế hoặc bảo vệ thi công theo quy định.
Tập trung rà soát các tồn tại, vướng mắc, giải quyết theo thẩm quyền và theo các văn bản chủ trương của UBND tỉnh (đối với các nội dung vượt thẩm quyền của huyện). Có giải pháp phù hợp đẩy nhanh công tác kiểm kê, kiểm đếm, thẩm định, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng của các trường hợp còn lại.