Hôm nay, ngày 12/10, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025 và khánh thành “Dự án tăng cường năng lực đào tạo, khoa học công nghệ” từ vốn ODA của Ngân hàng Thế giới.
Trao đối với Dân Việt về những ý nghĩa của dự án đối với định hướng phát triển Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực trong tương lai, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Dự án Tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (SAHEP-VNUA) được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19, có nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội nên các bên phải rất nỗ lực mới kịp tiến độ. Đây cũng là dự án đầu tiên thí điểm mô hình đầu tư giao cho các trường đại học tự chủ là chủ đầu tư.
“Rất may là trong quá trình thực hiện dự án, Học viện đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, hết sức có trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hết sức có trách nhiệm, chỉ đạo sâu sát, linh hoạt, công tâm, nhiều lần họp với WB để khơi thông, giải quyết vướng mắc kịp thời cho dự án triển khai kịp thời gian”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nói.
Theo báo cáo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dự án Tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (SAHEP-VNUA) thuộc dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) được thực hiện từ năm 2017-6/2023, với tổng số vốn 58,7 triệu USD (dự án vay vốn WB).
Mục tiêu Dự án là nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và khu vực, đồng thời phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới với 3 hợp phần chính: Phát triển nghiên cứu; Phát triển đào tạo; Quản trị đại học.
Nhờ sự hỗ trợ của Dự án, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai 11 đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản, công nghệ thực phẩm, môi trường/biến đổi khí hậu, nông học, công nghệ sinh học, quản lý đất đai. Tổ chức các Hội thảo trong nước và quốc tế về các vấn đề đang được quan tâm: Cây trồng và dược liệu, công nghệ sinh học, thú y, chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 đã được cấp chứng chỉ; xây dựng Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp và Khoa học sự sống với tổng diện tích xây dựng trên 7.700m2 được trang bổ sung gần 800 đầu thiết bị cho 20 cụm phòng thí nghiệm chuyên sâu.
9 tòa nhà phục vụ đào tạo và thực hành thực tập đã được xây dựng mới nhằm cung cấp bổ sung và trang bị mới thiết bị phục vụ thực hành, thực tập cho sinh viên của 10 khoa, cập nhật và xây dựng mới hơn 100 bài tập thực hành nâng cao thời lượng thực hành, giảm giờ học lý thuyết giúp nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên.
Việc tăng cường năng lực, cơ sở vật chất, kiểm định thành công các chương trình đào tạo đã giúp tiếp nhận nhiều lượt sinh viên của các trường đại học trong khu vực và quốc tế đến trao đổi, học tập ngắn hạn và dài hạn; Sinh viên Học viện được học các trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn khu vực, có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi sinh viên, trao đổi tín chỉ quốc tế và khu vực, tìm kiếm học bổng sau đại học, đồng thời có cơ hội nghề nghiệp và thu nhập tốt hơn.
Với sự hỗ trợ của Dự án SAHEP-VNUA, Học viện đã mời chuyên gia, cố vấn cấp cao trong và ngoài nước tham gia hoạch định chiến lược, tham vấn đổi mới quản trị đại học và cơ cấu tổ chức. Đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý, triển khai tự chủ đến các đơn vị.
Hình thành các nhóm nghiên cứu tinh hoa, xuất sắc, các nhóm nghiên cứu mạnh, hình thành các spin off thúc đẩy thương mại hoá công nghệ và liên kết với doanh nghiệp, thực hiện các nghiên cứu phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và công bố quốc tế đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của Học viện.
Xây dựng Tòa nhà hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, hợp tác quốc tế và dịch vụ xã hội; xây dựng tuyến đường giao thông trục chính kết nối khác khu vực làm việc, học tập, nghiên cứu, thực hành của cán bộ, sinh viên trong toàn Học viện.
Với sự giúp sức của dự án SAHEP-VNUA, Học viện xây dựng và duy trì hoạt động của 36 nhóm nghiên cứu mạnh, 9 nhóm nghiên cứu xuất sắc, 3 nhóm nghiên cứu tinh hoa. Tính riêng trong 3 năm 2022-2024, Học viện đã đấu thầu thành công và tham gia trên 90 các đề tài/dự án mới vượt xa so với chỉ tiêu cam kết là 19 ban đầu; hàng năm, các nhóm đã công bố trên 400 bài báo trong nước, 250 bài báo quốc tế, trong đó 72% bài báo thuộc danh mục WoS/Scopus; tập trung nghiên cứu tạo sản phẩm có tính thực tiễn và ứng dụng cao, tiêu biểu như: 14 giống cây trồng mới được công nhận lưu hành; 05 tiến bộ kỹ thuật; 02 giống vật nuôi cải tiến;…
Kết nối trên 100 cơ sở dữ liệu mở từ các nhà xuất bản hoặc các trường đại học trên thế giới vào cổng tra cứu tập trung của Trung tâm Thông tin Thư viện Lương Định Của; mở 30 lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật, giải pháp canh tác nông nghiệp cho gần 1.300 người dân tại 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Hưng Yên, Lai Châu và 4 huyện ngoại thành Hà Nội.
Học viện tiếp tục tổ chức thực hiện hợp tác có hiệu quả với các tập đoàn, công ty như: Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn Orion, Tập đoàn Kamichiku – Nhật Bản, Công ty Intrinsic Innovations Việt Nam, Công ty Lupin Platform, … để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương.
Nguồn: https://danviet.vn/du-an-sahep-vnua-mang-den-su-doi-thay-nhu-the-nao-cho-hoc-vien-nong-nghiep-viet-nam-20241012220027235.htm