Trên cơ sở ý kiến tham gia góp ý của cử tri và các cơ quan có liên quan về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đã tổng hợp, chuyển tải nội dung góp ý của cử tri đến phiên thảo luận tại tổ về vào sáng 20/6 về dự án luật này.
Về vấn đề chung
Cử tri Đắk Nông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan quy định tại Điều 1 dự thảo Luật. Đối với độ tuổi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên cần cân nhắc về độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đối với nam và nữ (không quá 65 tuổi) quy định tại khoản 1, Điều 4.
Cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể các nội dung trong dự thảo Luật. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì đề nghị Luật hóa tại các Điều, khoản; nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết; nội dung nào thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương đề nghị dẫn chiếu theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Việc tổ chức bầu tổ Tổ viên tổ bảo vệ, đề nghị cần thực hiện quy trình bầu theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để đảm bảo tính tự nguyện, công bằng, minh bạch.
Cử tri cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc bố trí, quy định số lượng cụ thể lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở mỗi tổ tại khu vực đô thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, khu vực có địa hình bị chia cắt, khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị để phù hợp với vị trí địa lý, quy mô dân số; đồng thời có các chế tài xử lý khi lực lượng nay vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.
Về vấn đề cụ thể
Tại Điều 2 dự thảo Luật, quy định về Vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở,đề nghị điều chỉnh lại như sau:
“Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản của Nhân dân được tuyển chọn tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại xã, phường, thị trấn; là lực lượng có chức năng tham gia phối hợp và hỗ trợ lực lượng Công an, chính quyền địa phương và Nhân dân phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (sau đây gọi chung là bảo vệ an ninh, trật tự) và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc… (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu… (sau đây gọi chung là tổ dân phố).”
Điểm a, khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật, quy định về Tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ “lý lịch rõ ràng” trước cụm từ “phẩm chất đạo đức tốt”, và điều chỉnh như sau: “a) Có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt; không phải là người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính…”.
Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi cụm từ “bảo đảm an ninh, trật tự” thành “bảo vệ an ninh, trật tự” tại Điều 8 dự thảo Luật cho phù hợp với nội hàm của Luật và sửa lại như sau:
“Điều 8. Tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã và phối hợp với các lực lượng chức năng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng, phát động, duy trì và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ an ninh Tổ quốc.”
Khoản 2, Điều 12 dự thảo Luật, quy định về Tham gia hỗ trợ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tuần tra, kiểm soát và hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự, đề nghị cơ quan soạn thảo thay cụm từ “mất an ninh, trật tự” bằng cụm từ “liên quan đến an ninh, trật tự” để phù hợp với nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vì: Nếu để “mất an ninh, trật tự” thì gần như không kiểm soát được tình hình trong phạm vi nhất định.
Khoản 3, Điều 16 dự thảo Luật, quy định về Bảo đảm kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giao cho Công an cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập dự toán trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; chịu trách nhiệm trong việc chấp hành và thanh quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 17 dự thảo Luật, quy định về Bố trí địa điểm, nơi làm việc và trang bị của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ địa điểm, nơi làm việc của lực lượng này (bố trí địa điểm, nơi làm việc tại trụ sở Công an xã hay tại Hội trường thôn, bon, tổ dân phố hoặc bố trí nơi làm việc riêng cho các đối tượng này) để đảm bảo tính thống nhất giữa các địa phương, vùng miền.
Khoản 1, Điều 20 dự thảo Luật, quy định về Bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đề nghị thay cụm từ “hỗ trợ” bằng cụm từ “bảo đảm” để đảm bảo các chế độ chính sách chi trả thường xuyên cho các đối tượng này, nếu chỉ quy định mức “hỗ trợ” khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách thì lực lượng này chỉ được “hỗ trợ” một phần kinh phí hoặc hỗ trợ không thường xuyên khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ gây thiệt thòi cho các đối tượng này; đồng thời cần làm rõ cụm từ “hỗ trợ”quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 23 dự thảo Luật. Như vậy, việc “hỗ trợ” này quy định về chính sách hay cơ sở vật chất, trang thiết bị? Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc chi trả cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bằng mức lương cụ thể (tính theo hệ số lương) để trên cơ sở đó, khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách các đối tượng trên sẽ được “bảo đảm” tiền đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế được trích ra từ lương. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội dung này.
Điều 28 dự thảo Luật, quy định về Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Theo quy định, hoạt động phản biện, giám sát chỉ quy định đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Tổ chức chính trị xã hội, trong khi các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đến 33 tổ chức (các tổ chức này không thực hiện quyền phản biện, giám sát việc thực hiện pháp luật). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh Điều 28 của dự thảo Luật cho phù hợp với quy định về hoạt động phản biện xã hội, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tại Chương II, dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vì: Nhiệm vụ quy định rất dài, nhiều nội dung, trong khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là “cánh tay nối dài” của Công an chính quy tại cơ sở, là lực lượng gần dân, sát dân nhưng một số quy định về nhiệm vụ quá lớn. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, tiếp tục rà soát các quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với chức năng, quyền hạn của lực lượng này; đồng thời không trùng lắp với nhiệm vụ của Công an nhân dân, Dân quân tự vệ và bảo đảm tính thống nhất với các quy định của luật khác có liên quan trọng hệ thống pháp luật, đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi khi áp dụng Luật.
Tại Chương IV: Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại tên gọi của Chương IV như sau “trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” để phù hợp với nội hàm của dự thảo Luật.
Ngoài chuyển tải góp ý của cử tri, đại biểu Đắk Nông trần Thị Thu Hằng cũng đã có nhiều ý kiến góp ý sâu về tiêu chuẩn, quyền, nhiệm vụ và chế độ chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh ở cơ sở.