Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, trong giai đoạn 2021 – 2024, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (Tiểu dự án 1 – dự án 3) thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Bước đầu, các dự án đều mang lại những hiệu quả tích cực, giúp nhiều hộ gia đình cải thiện thu nhập.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên, tổng kinh phí đã phân bổ để thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 3 giai đoạn 2021 – 2024 là 30.489,0 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 26.513,0 triệu đồng, ngân sách địa phương là 3.976,0 triệu đồng. Tính đến thời điểm năm 2024 đã thực hiện phân bổ xong nguồn vốn, trong đó năm 2022 là 4.762,0 triệu đồng, năm 2023 là 12.225 triệu đồng, năm 2024 là 13.502 triệu đồng.
Ông Triệu Văn Cương, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết, với nguồn vốn đã phân bổ, các đơn vị đã thực hiện hỗ trợ cho 42 dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể. năm 2022 triển khai 1 dự án, năm 2023 triển khai 40 dự án và dự kiến năm 2024 sẽ triển khai 25 – 30 dự án. Đến thời điểm tháng 6/2024 đã có 2 dự án được phê duyệt.
Trong số các dự án đã và sẽ triển khai có 26 dự án thuộc loại hình chăn nuôi, 11 dự án trồng trọt, 1 dự án liên kết theo chuỗi giá trị (đang chờ hội đồng thẩm định phê duyệt), 29 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, 11 dự án theo nhiệm vụ.
Tổng số hộ tham gia dự án là 1.609 hộ, trong đó hộ nghèo 753 hộ (chiếm 47,12%) hộ cận nghèo 689 hộ (chiếm 43,36%); hộ mới thoát nghèo 155 hộ (chiếm 9,4%), 12 hộ thuộc diện khác.
Thông qua việc triển khai các dự án đã giúp tạo thêm sinh kế cho người dân; kinh nghiệm quản lý, trình độ sản sản xuất từng bước được cải thiện, nâng cao. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng chương trình chủ động tham gia các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp của từng địa phương; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo trên địa bàn…
Ngoài ra, còn giúp nâng cao hiệu quả, tính tích cực, chủ động về sự tham gia của người dân trong quản lý, thực hiện các dự án, cũng như chính sách giảm nghèo. Kỹ năng quản lý, tổ chức thực hiện dự án và sử dụng vật tư hỗ trợ của nhà nước từng bước được cải thiện, nâng cao.
Bà Đỗ Thị Thắng – hộ cận nghèo ở xóm Chùa (xã Bá Xuyên, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, kinh tế của gia đình trước đây rất khó khăn. Năm 2020 chồng bà bị tai biến, toàn bộ kinh tế trong gia đình đều dồn vào để chữa bệnh cho chồng, cộng thêm vay mượn của anh em, họ hàng và ngân hàng. Gia đình bà được quan tâm hỗ trợ 1 con bò nái. Qua thời gian tích cực chăm sóc, hiện bò đã mang thai được khoảng 7 tháng và dự kiến sẽ sinh sản vào cuối tháng 10 năm nay. Nhờ được hỗ trợ bò đã giúp tạo thêm thu nhập cho gia đình, phần nào bớt khó khăn, giúp gia đình thoát nghèo.
Cũng nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Tiểu dự án 1 – Dự án 3), trong giai đoạn 2022 – 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch triển khai 4 dự án hỗ trợ bò sinh sản trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Bình, trong đó 2 dự án đã triển khai tại huyện Định Hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dự kiến, 2 dự án còn lại sẽ được triển khai trong năm 2024 trên địa bàn huyện Phú Bình và Đại Từ.
Ông Nguyễn Đình Thông – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cho biết: Các dự án này khi triển khai sẽ tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sinh kế lâu dài. Từ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Với mục tiêu đặt ra tối thiểu 20% số hộ tham gia dự án thoát nghèo vào năm 2023 và năm 2024. Dự án năm 2024 tối thiểu 8% số hộ tham gia dự án thoát nghèo vào năm 2025.
Trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng thành công hai mô hình hỗ trợ sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 35ha trên địa bàn hai huyện Phú Lương và Định Hoá, tạo ra nguồn nguyên liệu an toàn, chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trên địa bàn.
Từ những hiệu quả đạt được, địa phương tiếp tục đặt ra kế hoạch giảm nghèo cho giai đoạn 2026 – 2030. Nội dung thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 3 là hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm chủ lực của địa phương.
Theo đó, các dự án sẽ triển khai: Tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, cung cấp các loại vật tư đầu vào; theo dõi hướng dẫn, bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ khác theo quy định; tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản; thí điểm nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Theo kế hoạch, đối tượng tham gia dự án là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Dự kiến tổng kinh phí, cơ cấu vốn thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho cả giai đoạn 2026 – 2030 là 50 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 10 tỷ đồng.
Nguồn: https://danviet.vn/du-an-ho-tro-phat-trien-san-xuat-cho-ho-ngheo-o-thai-nguyen-20240808165346065.htm