BẮC KẠN Quỹ APIF hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp thực hiện các dự án sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo nên chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp tại Bắc Kạn.
HTX Tài Hoan, xã Côn Minh (huyện Na Rì) là một trong 10 doanh nghiệp, HTX của tỉnh Bắc Kạn được hưởng lợi từ Quỹ xúc tiến đầu tư kinh doanh nông nghiệp (APIF). HTX được hỗ trợ 1 dây chuyền sản xuất miến và 1 cân điện tử. Từ chỗ chỉ sản xuất được vài tạ miến/ngày, nhờ nguồn lực được hỗ trợ từ Quỹ APIF, năng lực sản xuất nâng lên đến hơn 2 tấn miến/ngày.
Tính đến thời điểm này, miến dong Tài Hoan cũng là sản phẩm duy nhất của tỉnh Bắc Kạn đạt OCOP 5 sao. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, HTX đã liên kết với hơn 600 hộ dân trồng dong riềng, trong đó một phần diện tích đạt chuẩn hữu cơ. Nhờ có nguồn nguyên liệu chất lượng tốt, cộng với máy móc chế biến hiện đại, sản phẩm miến dong Tài Hoan nhiều năm nay đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết, sau khi được hỗ trợ dây chuyền chế biến từ Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) của tỉnh Bắc Kạn, công suất của HTX đã nâng từ 500kg/ngày lên 2.500kg/ngày. Nguồn lực hỗ trợ này giúp HTX mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động ở địa phương.
Tại huyện Ba Bể, Quỹ APIF cũng tài trợ HTX Hoàng Huynh (xã Khang Ninh) hơn 600 triệu đồng để mua giống chuối tây, hỗ trợ phân bón, máy chiên chân không, xe ô tô tải. Từ nguồn lực này, HTX Hoàng Huynh đã xây dựng thành công mô hình liên kết sản xuất và chế biến chuối sấy dẻo. Sản phẩm chuối sấy dẻo của HTX đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong khuôn khổ dự án, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động và 92 người làm việc ngắn hạn.
Ông Hoàng Văn Huynh, Giám đốc HTX Hoàng Huynh chia sẻ, lúc mới thành lập, HTX rất khó khăn, vừa thiếu kinh nghiệm vừa thiếu vốn. Nhờ sự hỗ trợ từ dự án CSSP của tỉnh Bắc Kạn, HTX đã đầu tư được máy móc, có ô tô để chở hàng hóa. Hiện nay vùng chuối tây nguyên liệu của đơn vị phát triển tốt, đủ đáp ứng nhu cầu chế biến.
Từ tháng 4/2020 đến nay, từ nguồn lực của Quỹ APIF, Dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn đã ký hợp đồng tài trợ theo 3 đợt cho 10 HTX và doanh nghiệp. Tuy nhiên, 1 đơn vị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do không thực hiện đúng theo cam kết. Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác thẩm định, nghiệm thu và bàn giao 9 tiểu dự án và thực hiện bồi hoàn xong số kinh phí hỗ trợ cho các hạng mục đủ điều kiện tài trợ theo hợp đồng đã ký.
Tổng số kinh phí đã giải ngân cho các đơn vị hơn 11 tỷ đồng, các HTX, doanh nghiệp đã đối ứng hơn 23 tỷ đồng (đạt 88%). Từ nguồn quỹ này, các doanh nghiệp, HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ sản xuất như ô tô vận tải, máy sấy sản phẩm, nhà kho, dây truyền thiết bị mới.
Từ nguồn lực hỗ trợ, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 2.511 hộ (495 hộ nghèo, 244 cận nghèo, 2.326 hộ dân tộc thiểu số) được hưởng lợi từ các tiểu dự án. Tổng giá trị thu mua các sản phẩm từ người dân, các nhóm, tổ hợp tác đạt 32,4 tỷ đồng.
Nguồn lực hỗ trợ của dự án CSSP đã giúp các doanh nghiệp, HTX có khả năng phát triển tốt hơn, mở rộng quy mô sản xuất. Chất lượng các sản phẩm được nâng lên, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Cũng từ đây, một số chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp đã hình thành và phát triển tốt như: Chuỗi liên kết trồng, chế biến dong riềng; liên kết trồng chuối tây, nghệ nếp, gừng, kiệu, thóc, ngô, lợn, gà.
Việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp không chỉ mang lại lợi nhuận cao hơn mà còn giúp các nông hộ dân thay đổi tư duy, chuyển từ canh tác nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa. Các nông hộ cũng nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, từ đó tăng thu nhập, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/du-an-cssp-gop-phan-phat-trien-chuoi-lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-d389348.html