Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 cực kỳ sít sao, có khả năng mang đến nhiều thay đổi cho xứ sở cờ hoa, trong đó phát triển kinh tế, đời sống người dân là một trong những vấn đề cốt lõi quyết định kết quả cuối cùng, theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2014 – 2018) chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.
Bối cảnh chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2024 có những khác biệt và tương đồng nào với sự kiện này năm 2020?
Bức tranh chung Nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử 2024 có rất nhiều những khác biệt dù song trùng là khó khăn và phân hóa chính trị.
Hậu đại dịch, một thời gian dài, chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải hứng chịu những tác động nặng nề, do đó bất chấp kinh tế Mỹ đang đạt những thành tựu mới như tăng trưởng hơn 2%, thoát khỏi suy thoái, kiểm soát được lạm phát nhưng cảm nhận chung của người dân vẫn là bị suy giảm về mặt kinh tế và thu nhập.
Điều đặc biệt nữa là việc là “thay ngựa giữa dòng” của Đảng Dân chủ, khiến cho cuộc đua khởi đầu là cuộc tái đấu Joe Biden – Donald Trump, sau đó trở thành Kamala Harris – Donald Trump. Ông Trump từ thế thắng khi đối đầu với ông Biden chuyển sang ngang bằng và thậm chí có thời điểm “lép vế” so với bà Kamala Harris. Bên cạnh đó, phía chính quyền Tổng thống Joe Biden và bà Kamala Harris cũng đang đứng trước bài toán minh chứng những thành tựu trong bốn năm cầm quyền qua.
Một điểm nữa là nước Mỹ không chỉ đối diện những vấn đề trong nước như phân cực hay khắc phục hậu quả đại dịch, những câu chuyện bên ngoài như khủng hoảng Ukraine hay Trung Đông cũng phần nào tác động trực diện đến cuộc đua năm nay.
Diễn ra trong bối cảnh này nên cuộc bầu cử trở nên sít sao, cực kỳ quyết liệt, các ứng cử viên cạnh tranh rất gay gắt.
Trong bối cảnh đó, người dân Mỹ mong muốn gì ở một Tổng thống, theo ông? Những vấn đề nào đối với họ là cấp thiết và cần giải quyết?
Hai yếu tố cốt lõi là kinh tế và giá trị dân chủ sẽ tạo ra sự phân hóa lớn nhất, tác động mạnh mẽ nhất tới cuộc bầu cử lần này.
Thứ nhất là sau đại dịch, tình hình kinh tế và lạm phát ảnh hưởng đến tâm lý người Mỹ. Đối với họ, hiện những vấn đề sát sườn như công ăn việc làm, đời sống, giá cả sinh hoạt… hiện là ưu tiên hàng đầu.
Trong thăm dò dư luận, tâm lý người dân vẫn cho rằng thời kỳ ông Trump cầm quyền kinh tế phát triển hơn. Nhưng đây không phải là thực tế. Đúng là thời kỳ đầu của chính quyền ông Donald Trump, kinh tế Mỹ tăng trưởng đến 3% nhưng giai đoạn cuối, đại dịch xuất hiện ảnh hưởng và tạo ra hệ lụy. Ông Biden chịu ảnh hưởng khách quan do đại dịch.
Thứ hai là một loạt vấn đề nóng như người nhập cư, quyền phụ nữ trong đó có quyền phá thai hay phân biệt xung đột chủng tộc, sắc tộc, cũng như về đối ngoại có câu chuyện Trung Đông, bởi cử tri Mỹ có một bộ phận người Hồi giáo, người Palestine gốc Ả Rập. Trong lòng nước Mỹ hiện phân hóa về những điểm này.
Chính sách kinh tế và đối ngoại của nước Mỹ rất được quan tâm trong thời gian tới, thông qua cuộc bầu cử này, ông đánh giá sự khác biệt giữa hai ứng viên như thế nào về những chính sách này và thay đổi nước Mỹ có thể trải qua sắp tới?
Về kinh tế, Đảng Dân chủ nhấn mạnh cung cấp phúc lợi cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp, mang tính bao cấp hơn; đánh thuế vào các tập đoàn lớn, giới tinh hoa, dẫn tới tăng dân sách công.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa chủ trương giảm quy định, thuế đối với các tập đoàn để họ tập trung phát triển sản xuất, từ đó tăng cường công ăn việc làm cho người dân, cổ vũ tư nhân hóa y tế, giáo dục… và chỉ hỗ trợ những người nghèo nhất, mặt khác giảm gánh nặng cho ngân sách công.
Cụ thể, với mức thuế áp lên người thu nhập cao hiện ở 20% , ông Trump kêu gọi giảm xuống còn 15% trong khi bà Harris muốn nâng lên 28% – mức đã có điều chỉnh, thấp hơn so với đề nghị từ ông Joe Biden lên 30%, thậm chí 39% . Về cung cấp phúc lợi, ông Trump muốn tăng công ăn việc làm để người dân tự mua bảo hiểm y tế, dịch vụ giáo dục, trong khi bà Harris đưa ra chương trình hỗ trợ người nghèo nhưng hiện chưa xác định được nguồn tài chính.
Về đối ngoại, bất kỳ nhà lãnh đạo tương lai nào của nước Mỹ cũng sẽ nhấn mạnh lợi ích, vai trò dẫn dắt của Mỹ với thế giới nhưng cách tiếp cận rất khác nhau.
Bà Harris cơ bản nương theo chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ, tiếp nối ông Joe Biden triển khai trong 4 năm qua, theo đó nhấn mạnh dân chủ, nhân quyền, quyền lao động, quan hệ đối tác với các đồng minh, cởi mở với các cơ chế đa phương. Trong khi đó ông Trump với quan điểm lợi ích nước Mỹ trên hết có thể thực dụng hơn, rằng Mỹ không nên tham gia nhiều vào các thiết chế đa phương và tiếp nối những động thái như rút lui Thỏa thuận Paris hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về viện trợ cho Ukraine, ông Trump có thể duy trì quan điểm “nước Mỹ chi 1 đồng thì các đồng minh cũng phải chi 1 đồng”, cũng như cũng đã đề cập về việc đóng góp trong NATO.
Mặt khác, cũng có vấn đề hai bên có điểm chung, đó là cạnh tranh nước lớn đã được đẩy thành cạnh tranh chiến lược và như vậy khả năng cạnh tranh Mỹ-Trung trung vẫn gay gắt.
Các cuộc thăm dò cho đến nay đều cho những kết quả hết sức sít sao, trong chặng cuối này, liệu có yếu tố gây bất ngờ cho cuộc bầu cử và nếu có thì là gì?
Đây là cuộc bầu cử rất gay gắt, trong bối cảnh một nước Mỹ phân cực. Cho đến nay, sự hưng phấn ban đầu của bà Kamala Harris không còn, còn tệp cử tri ủng hộ của ông Trump cũng chững đà mở rộng. Hiện hai bên vừa muốn củng cố cử tri ủng hộ, vừa muốn lôi kéo những thành phần trung dung.
Trên thăm dò toàn quốc bà Harris có lúc dẫn trước nhưng khoảng cách không lớn. Sự giành giật cử tri ở 7 bang chiến trường sẽ quyết định thành bại của hai ứng cử viên. Tỷ lệ chênh nhau ở các bang này cũng không vượt quá 1%, còn tính sai số nên dù ai thắng cử, cũng rất sít sao.
Mặt khác, tỷ lệ cử tri thực sự đi bỏ phiếu hay không là rất đáng chú ý. Theo kinh nghiệm từ các sự kiện bầu cử năm 2016, 2020; chỉ vài chục ngàn phiếu cũng có thể quyết định đến kết quả cuối cùng. Nhiều cử tri ủng hộ đã tuyên bố nhưng vào ngày bầu cử, họ vẫn có khả năng không ra bỏ phiếu.
Ở giai đoạn nước rút này, bất cứ điều gì cũng có thể tác động tới từ tâm lý người dân trước những vấn đề như cứu trợ sau siêu bão vừa qua, hay bất cứ diễn biến mới ở Trung Đông, vấn đề kinh tế…
Ông đánh giá tác động tiềm tàng của cuộc bầu cử này tới quan hệ Việt-Mỹ như thế nào?
Đây là cuộc bầu cử 3 trong 1, không chỉ là bầu cử Tổng thống mà còn ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Các cuộc thăm dò cho thấy, đến nay, không chỉ cuộc đua vào Nhà Trắng mà ở lưỡng viện cũng hết sức quyết liệt, khả năng phân chia quyền lực cho lưỡng đảng là rất lớn.
Do đó, bất kỳ Tổng thống nào lên nắm quyền cũng khó có khả năng áp đặt ý kiến của đảng mình, mà cần lá phiếu của đảng đối lập. Điều này đòi hỏi Quốc hội Mỹ tiếp tục vừa đấu tranh vừa nhân nhượng trong thế giằng co để ra được các chính sách.
Nếu bà Kamala Harris đắc cử sẽ có khả năng nước Mỹ sẽ tiếp nối chính sách cởi mở trong đa phương, củng cố đồng minh. Trong khi đối với ông Donald Trump sẽ nhấn mạnh lợi ích nước Mỹ, đồng minh phải chia sẻ gánh nặng tài chính, đối tác phải công bằng, vấn đề thâm hụt thương mại sẽ rất được quan tâm. Mặt khác, còn là vấn đề chủ thuyết và thực tế, có thể trong vận động tranh cử các quan điểm được đẩy cao và cực đoan hơn. Nhìn nhận những chính sách từ trước đó được cả hai ứng viên đưa ra hay có khả năng tiếp nối, chúng ta cần trù tính cho những kịch bản rất khác nhau.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ds-pham-quang-vinh-nhan-dinh-yeu-to-quyet-dinh-bau-cu-my-truoc-gio-g.html