Trước hai ngày Taylor Swift phát hành album mới The Tortured Poets Department, nhiều tài khoản bất ngờ tung tin album bị rò rỉ, đi kèm với những đoạn nhạc được cho là giọng hát của Taylor.
Bên cạnh những sự nghi ngờ, không ít người hâm mộ vẫn tin đây là sự thật, họ hạnh phúc chia sẻ rằng được “đặc cách” nghe trước album của thần tượng.
Taylor Swift và “kiếp nạn” mang tên deepfake
Còn về phần Drake, một ca khúc rap diss (rap công kích, khiêu khích một cá nhân khác) mang tên Push Ups được tung ra với giọng đặc trưng của nam rapper.
The Tortured Poets Department ‘xịn’ của Taylor Swift
Bài rap này nhanh chóng tạo được sự chú ý trên mạng xã hội khi nội dung của nó nhắm đến Kendrick Lamar và Metro Boomin, cùng những người khác.
Nhưng thực chất những ca khúc đang được lan truyền chỉ là trò lừa bịp được tạo ra bằng AI nhằm mục đích câu tương tác. Đứng trước sóng gió, cộng đồng fan của Taylor và Drake phải liên tiếng cảnh báo, cầu xin mọi người ngừng nghe và lan truyền chúng.
Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên Taylor Swift và Drake trở thành nạn nhân của deepfake. Trước đó, hồi tháng 1-2024, những hình ảnh với tư thế khiêu dâm cắt ghép dựa trên khuôn mặt của Taylor Swift lan truyền chóng mặt trên các mạng xã hội.
Còn Drake cũng đã từng bị giả mạo vào năm ngoái, nam rapper còn cảnh cáo trên Instagram rằng “Đây sẽ là bài nhạc AI cuối cùng”.
Theo tạp chí Time, những cuộc tranh luận về “nhạc AI” gần đây đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết bởi các kỹ thuật nhái giọng ngày càng được cải thiện và trở nên dễ tiếp cận hơn với tất cả mọi người.
Ngay cả những “fan cứng” của các nghệ sĩ cũng phải thừa nhận rằng đôi khi họ còn không thể phân biệt được đâu là giọng hát thật của thần tượng và đâu là tác phẩm được tạo ra bằng AI.
Không chỉ riêng Taylor hay Drake, nhiều ngôi sao khác như Beyoncé, Billie Eilish… cũng ít nhất một lần là nạn nhân của công nghệ deepfake.
Và dự kiến họ vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt cho đến khi các nhà lập pháp tìm được cách tốt nhất để bảo vệ nghệ sĩ thực thụ khỏi những kẻ mạo danh nhân tạo.
Khó ngăn chặn những kẻ giả mạo
Trước sự lộng hành của những kẻ mạo danh bằng AI, Frank Ocean và Beyoncé đã tiên phong áp dụng các chính sách bảo mật mạnh mẽ đối với sản phẩm đầu ra của họ.
Thậm chí, trong quá trình hoàn thiện album Blonde và Endless, Frank Ocean luôn mang theo ổ cứng để lưu trữ thay vì các tập tin trực tuyến để tránh việc bị rò rỉ.
Đứng trước tình hình xấu, ba nhà xuất bản âm nhạc lớn là Universal Music, Concord Music Group và ABKCO đã khởi kiện Công ty AI Anthropic, cáo buộc rằng công ty này đã vi phạm bản quyền lời bài hát.
Ngoài ra, hơn 200 nhạc sĩ, bao gồm Billie Eilish, Stevie Wonder và Nicki Minaj… gần đây đã ký một lá thư chỉ trích việc “sử dụng AI để đánh cắp giọng nói và hình ảnh của các nghệ sĩ chuyên nghiệp” để gây áp lực đến các công ty công nghệ cam kết sẽ không phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để thay thế sự sáng tạo của con người.
Tạp chí Time cho rằng có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để dự luật này hoặc những dự luật tương tự khác về vấn đề AI được thông qua, bởi việc thực thi sẽ cực kỳ rắc rối và khó khăn ở thời điểm công nghệ đang phát triển quá mạnh mẽ.
Vì vậy có thể trong vài tháng, thậm chí là vài năm tới, các bài hát deepfake sẽ tiếp tục gây phiền toái, bức bối cho ngành công nghiệp âm nhạc.