TPO – Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc vùi rơm rạ vào đất ngập nước gây phát sinh khí mê tan, ngộ độc hữu cơ và suy thoái đất. Trong khi việc đốt rơm đồng nghĩa “đốt tiền”, bởi trong rơm có những dưỡng chất tốt cho đất nếu được xử lý và trả lại đồng ruộng.
TPO – Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc vùi rơm rạ vào đất ngập nước gây phát sinh khí mê tan, ngộ độc hữu cơ và suy thoái đất. Trong khi việc đốt rơm đồng nghĩa “đốt tiền”, bởi trong rơm có những dưỡng chất tốt cho đất nếu được xử lý và trả lại đồng ruộng.
Sáng 25/10, tại Hậu Giang, diễn ra Hội thảo Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang – cho biết, Hậu Giang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chọn phát động Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Đề án), hồi cuối năm 2023.
“Đề án không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân trồng lúa mà còn đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao giá trị chuỗi cung ứng lúa gạo theo hướng bền vững”, ông Tuyên nói.
Ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CK. |
Dẫn số liệu kết quả các mô hình thí điểm Đề án vụ Hè Thu vừa qua tại Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT – cho biết, năng suất trung bình của mô hình đạt 64,5 tạ/ha, tăng khoảng 5 tạ/ha so với ngoài mô hình (59,8 tạ/ha). Cùng đó, lượng phát thải khí nhà kính giảm hơn 4,7 tấn/ha so với canh tác truyền thống; lượng giống giảm 30-50%; phân bón giảm từ 30-70kg đạm/ha…
Ông Tùng nhắc lại mục tiêu của Đề án không phải để bán tín chỉ carbon, mục tiêu cao nhất là giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị, tăng lợi nhuận, liên kết theo chuỗi ngành hàng (tổ chức lại sản xuất), thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: CK. |
Liên quan đến việc đo đếm giảm phát thải, PGS.TS Mai Văn Trịnh – Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ NN&PTNT – cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng giảm phát thải cao. Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cần giảm phân bón, không hoặc hạn chế vùi rơm rạ tươi, cần gom và ủ rơm làm phân bón lại ruộng…
GS, TS. Nguyễn Bảo Vệ – nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ – cho rằng, việc vùi rơm rạ vào đất ngập nước sẽ tạo ra a xít hữu cơ rồi phát sinh khí mê-tan, gây ngộ độc hữu cơ và suy thoái đất.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: CK. |
Theo ông Vệ, việc đốt rơm đồng nghĩa “đốt tiền”, còn bán rơm tức là “bán máu”, bởi trong rơm có những dưỡng chất tốt cho đất nếu được xử lý và trả lại đồng ruộng. Tuy nhiên, để làm phân hữu cơ từ rơm và trả lại cho đất đòi hỏi nhiều sức lao động và máy móc, cơ giới. Giải pháp được đưa ra là sử dụng máy gặt đập kết hợp băm rơm rải đều trên ruộng lúa. Sau đó, bón vi sinh phân hủy rơm rạ và vùi ngay sau khi bón vào đất ẩm để vi sinh hoạt động hiệu quả.
Ông Vệ cũng khuyến cáo, nên sử dụng phân bón phân giải chậm, sạ cụm vùi phân vào tầng khử, không bón thừa, bón phân chuyên dùng cho lúa. Cùng với đó, việc tưới ngập – khô xen kẽ và rút nước giữa vụ sẽ giúp giảm phát thải; giảm phát thải qua giảm lượng phân bón, giảm sâu bệnh, giảm thuốc và giảm chi phí…
Nguồn: https://tienphong.vn/dot-rom-la-dot-tien-post1685479.tpo