Chỉ còn hơn một năm nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sẽ được tổ chức, đánh dấu thời điểm cả nước bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Hạ tầng giao thông có sứ mệnh “đi trước mở đường”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Bởi vậy, việc tổng kết, đánh giá bài học, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông – lĩnh vực đã có bước tăng tốc ngoạn mục trong giai đoạn 2021-2025 – không chỉ góp phần nối dài thành công, mà còn gợi mở những giải pháp triển khai có hiệu quả các công trình hạ tầng chiến lược, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái với tầm nhìn trăm năm cho đất nước.
Tuyến cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ trước ngày thông xe.
Bài 2: Điểm tựa niềm tin từ những cú “vượt vũ môn”
Trong 3 năm qua, ngành giao thông và các địa phương đã hoàn thành tới 858 km đường bộ cao tốc, gần bằng 20 năm trước cộng lại. Đây thực sự là một điểm tựa niềm tin để cả nước bắt tay xây dựng các đại dự án mới với nhịp độ nhanh và khẩn trương hơn nữa.
“Đề – pa” cho kinh tế cất cánh
Khoảng 6 tháng trở lại đây, chị Kim Hảo, nhân viên lễ tân khu nghỉ dưỡng của Trường trung cấp Nông dân Việt Nam phân hiệu Tuyên Quang (phường Mỹ Lâm, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) liên tục nhận được điện thoại đặt phòng của khách du lịch.
Những đoàn khách phương xa đổ đến khu nghỉ dưỡng và các khách sạn, nhà nghỉ quanh đó tuy khiến các ông bà chủ có chút bối rối, nhưng lại như những cơn gió lành xua đi không khí quạnh quẽ đã bao trùm khu du lịch suối khoáng nóng này suốt cả chục năm nay.
Nằm cách trung tâm TP. Tuyên Quang khoảng 10 km về phía Tây Nam, khu khoáng nóng Mỹ Lâm được các nhà địa chất học người Pháp phát hiện từ năm 1923. Nước khoáng nơi đây trong, tinh khiết đến mức có thể uống ngay tại vòi, chứa nhiều nguyên tố vi lượng rất tốt cho việc nghỉ dưỡng, điều trị, phục hồi sức khỏe…
Khu vực này từng rất phát triển vào những năm 90 của thế kỷ trước, với điểm nhấn là Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm được Bộ Y tế xây dựng, đã nhanh chóng trở thành địa chỉ nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh nổi tiếng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, khu du lịch khoáng nóng từng được khách phương Tây coi là “suối nguồn kỳ diệu” này chỉ rộ lên được ít năm, rồi chìm vào quên lãng. Cơ sở vật chất đầu tư chưa tới, chậm đổi mới, cộng với hành trình xa ngái lên tới 5 giờ nếu di chuyển theo Quốc lộ 2C, hơn 3,5 giờ nếu đi theo lộ trình cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Quốc lộ 37 đã khiến nhiều du khách gác lại ý định đến với Mỹ Lâm.
Trên thực tế, du khách đã quay lại Mỹ Lâm với tư cách là điểm dừng một đêm trong các tour phượt dân dã với hành trình hồ Thác Bà – Mỹ Lâm – Tuyên Quang sau khi tuyến cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ dài 40 km được khánh thành, đưa vào khai thác từ cuối tháng 12/2023.
Mặc dù chỉ có 4 làn xe hạn chế, nhưng cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua nút giao IC9 trở thành tuyến cao tốc dài 141 km, nối Thủ đô Hà Nội với TP. Tuyên Quang, rút ngắn hành trình xuống chỉ còn 2 giờ chạy xe.
Đây chính là cú hích quan trọng để nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đầu tư tại Tuyên Quang. Trong đó, Tập đoàn Vingroup đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với mạch suối khoáng tại Mỹ Lâm để có thể đón khách ngay từ đầu năm 2025. Các địa chỉ du lịch sang trọng này sẽ giúp Mỹ Lâm “giữ chân” du khách lâu hơn, thu được nhiều tiền hơn, thay vì chỉ là điểm nghỉ một đêm như hiện nay.
Ông Lê Quốc Thu, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu du lịch Tuyên Quang cho biết, ngoài Vingroup, một số nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng các khu onsen cao cấp tại Mỹ Lâm.
Để trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư, UBND tỉnh Tuyên Quang đã đề xuất Chính phủ cho phép vay 996 tỷ đồng vốn ODA của Hàn Quốc để đầu tư tuyến đường kết nối trục cao tốc Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang với Mỹ Lâm dài khoảng 8 km, gồm 4 làn xe, rộng tới 40 m.
Ngoài nguồn khoáng nóng, Mỹ Lâm có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn khi chỉ cách Khu du lịch hồ Thác Bà 12 km, cách Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào 30 km, cách đền Hùng 50 km. Nay với lợi thế chỉ còn cách Hà Nội khoảng 2 giờ chạy xe, Mỹ Lâm đang được tỉnh Tuyên Quang đầu tư xây dựng để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp của cả khu vực Việt Bắc.
Không chỉ Khu du lịch nghỉ dưỡng Mỹ Lâm, mà nhiều dự án kinh tế trọng điểm của Tuyên Quang cũng được địa phương ráo riết triển khai nhằm tận dụng tối đa lực đẩy từ cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ vừa được đưa vào khai thác.
“Tuyến cao tốc thực sự là cú ‘đề – pa’ quan trọng cho các địa phương miền núi có nhiều tiềm năng kinh tế, du lịch như Tuyên Quang cất cánh”, lãnh đạo Ban Quản lý các khu du lịch Tuyên Quang nhấn mạnh.
Những bước nước rút thần tốc
Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ có tổng mức đầu tư 3.712 tỷ đồng, do UBND tỉnh Tuyên Quang làm chủ quản đầu tư được hoàn thành chỉ trong vòng 34 tháng (từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2023) đã gây bất ngờ ngay cả với những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Tuyên Quang cũng là địa phương miền núi đầu tiên được Chính phủ tin tưởng giao làm chủ quản đầu tư một tuyến cao tốc sử dụng vốn ngân sách nhà nước – loại công trình kỹ thuật cao, trước đây được “mặc định” giao các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT).
Theo TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, trong bối cảnh Tuyên Quang chưa có nhiều kinh nghiệm; phần lớn thời gian xây dựng rơi vào giai đoạn cả nước giãn cách xã hội do dịch Covid-19; phải “vừa chạy, vừa xếp hàng” tháo gỡ khó khăn về bão giá, khan hiếm nguồn vật liệu…, thì bước nước rút tiến độ tại Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ thực sự là một “cú nhảy vượt vũ môn” của cả nhà thầu và đơn vị quản lý điều hành Dự án tại địa phương này.
Trong ngày khánh thành tuyến đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, còn có 3 công trình hạ tầng giao thông khác cũng được đưa vào khai thác là Cảng hàng không Điện Biên (mở rộng), đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.
Những công trình này đều có điểm chung là tiến độ thi công rất nhanh (Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên thi công trong vòng 14 tháng), hoặc là bước tiến dài trong làm chủ công nghệ thi công phức tạp nhất trong xây dựng cầu vượt sông (Dự án cầu Mỹ Thuận 2). Đó là những yếu tố thể hiện khát vọng, ý chí tự lực, tự cường của các nhà thầu Việt.
Không chỉ 4 dự án nói trên, trong 4 năm qua, ngành GTVT đã chứng kiến nhiều cú “vượt vũ môn” với những kỷ lục tiến độ liên tục được xác lập tại nhiều công trình hạ tầng trọng điểm trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Tập đoàn Đèo Cả tham gia “giải cứu”, hoàn thành Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn trong vòng 25 tháng. Dự án PPP thành phần Nha Trang – Cam Lâm (thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020) dài 49,1 km được Tập đoàn Sơn Hải hoàn thành trong vòng 24 tháng, vượt tiến độ hơn 3 tháng, đồng thời cam kết bảo hành công trình 10 năm…
“Việc rút ngắn thời gian thi công là niềm tự hào của Sơn Hải, nhưng đồng thời mang lại lợi ích cho người dân, dù nhà đầu tư phải bỏ thêm nhiều chi phí’, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải chia sẻ. Ông Hải nhấn mạnh, dù là một doanh nghiệp tư nhân còn non trẻ tại Việt Nam, nhưng Sơn Hải đã hứa là làm, đã làm là phải tốt, đảm bảo tiến độ.
Tại Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, sau bước khởi đầu nhiều khó khăn, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã lấy lại đà tiến mạnh mẽ tại Gói thầu 5.10 – thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách trị giá hơn 35.000 tỷ đồng.
Dự kiến, ACV sẽ hoàn thành Gói thầu 5.10 – “trái tim” của sân bay Long Thành – trước ngày 31/8/2026, vượt tiến độ 1 – 2 tháng.
Việc một công trình có quy mô “siêu lớn”, phức tạp về công nghệ như nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế được thi công dứt điểm trong vòng 34 tháng chắc chắn sẽ thiết lập một kỷ lục mới trong lĩnh vực hạ tầng hàng không.
“Đây chính là những dự án góp phần xóa đi định kiến dư luận lâu nay, là công trình giao thông luôn đội vốn, kéo dài tiến độ. Thi công đúng tiến độ, hướng tới vượt tiến độ hợp đồng đã trở thành xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hiện nay”, TS. Trần Chủng cho biết.
Một thông tin rất tích cực là nhờ đầu tư đúng và trúng vào các dự án hạ tầng trọng điểm có tính kết nối, lan tỏa cao, thị phần luân chuyển hàng hóa nội địa của các phương thức vận tải thời gian qua đã được cải thiện rất đáng kể, phù hợp với lợi thế của từng phương thức vận tải, qua đó kéo giảm chi phí logistics. Trong đó, đường bộ chiếm 29,1%, hàng hải 43,3% (bao gồm cả vận tải ven biển), đường thủy nội địa chiếm 26,7%, đường sắt chiếm 0,9%.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy đầu tư các dự án hạ tầng giao thông đạt kết quả quan trọng và nổi bật.
Tính đến hết tháng 11/2024, mạng lưới đường bộ cao tốc của cả nước đã có tổng chiều dài 2.021 km (riêng 3 năm 2021 – 2024, Bộ GTVT và các địa phương trong cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 858 km đường bộ cao tốc, bằng gần 75% chiều dài đường cao tốc giai đoạn trước đây), góp phần tăng cường năng lực vận tải trên các hành lang kinh tế quan trọng. Tính trung bình trong 3 năm qua, mỗi năm, cả nước đưa vào khai thác gần 300 km đường cao tốc, bằng cả 10 năm trước đó cộng lại.
Tiến độ thi công vượt qua nhiều giới hạn tại nhiều công trình giao thông đã giúp Bộ GTVT và các địa phương có được tâm thế tự tin khi bước vào đợt cao điểm thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025, cũng như tích lũy kinh nghiệm để triển khai các việc lớn, việc khó như Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam trong tương lai.
“Nếu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào cuối năm 2025, đầu năm 2026, thì đây sẽ là dấu son quan trọng trong Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV – đại hội được kỳ vọng sẽ khai mở kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, TS. Trần Chủng khẳng định.
baodautu.vn
Nguồn:https://baodautu.vn/dot-pha-mo-duong-cho-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc—bai-2-diem-tua-niem-tin-tu-nhung-cu-vuot-vu-mon-d231775.html