Đột phá giao thông để kết nối, mở rộng không gian phát triển

Báo Quân đội Nhân dânBáo Quân đội Nhân dân11/03/2023


Quyết tâm cao với từng công trình, dự án

Di chuyển từ TP Hồ Chí Minh theo Quốc lộ 13 đến địa phận tỉnh Bình Dương, người dân đều rất ấn tượng khi tuyến đường đã được nâng cấp thông thoáng, sạch đẹp. Mặt đường được mở rộng với 8 làn xe, vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, thoát nước đồng bộ. Với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng cho gần 13km, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 được tỉnh Bình Dương khởi công từ tháng 4-2022. Gần một năm khẩn trương thi công với quyết tâm cao, công trình đã đạt được phần lớn khối lượng, tiến độ đề ra, chỉ còn một số khu vực mở rộng cần trải nhựa, lắp trụ đèn... Đây là tuyến đường được xem là “bản lề” kết nối giao thông liên vùng từ TP Hồ Chí Minh, qua Bình Dương, Bình Phước đến các tỉnh Tây Nguyên. Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương: Dự án thể hiện đúng tinh thần “giao thông đi trước một bước”, khi hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa áp lực giao thông mà còn kết nối được với các dự án vành đai và cao tốc, mở ra cánh cửa để Bình Dương phát triển, thu hút đầu tư.

Liên quan đến mở rộng Quốc lộ 13, dù là công trình cửa ngõ có tính chất liên vùng trọng điểm của TP Hồ Chí Minh nhưng dự án đã bị “treo” nhiều năm qua. Thành phố vừa mới đưa dự án vào danh sách sẽ triển khai trong năm 2023 với đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước. Cùng với mở rộng Quốc lộ 13, thành phố triển khai 32 dự án trọng điểm khác, kết nối cửa ngõ thành phố với các tỉnh lân cận. Hiện thành phố đang nỗ lực thi công dự án mở rộng Quốc lộ 50 (kết nối tỉnh Long An), xây dựng nút giao An Phú (kết nối cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây với các tuyến đường TP Thủ Đức)... Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: "33 dự án trọng điểm sẽ tạo thành vòng tròn khép kín, giúp hoàn thiện dần hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thành phố với các địa phương lân cận".

Cùng với TP Hồ Chí Minh, nhiều dự án giao thông lớn đã được khởi công, khánh thành trong thời gian gần đây, tiếp thêm động lực phát triển cho vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, Tây Ninh và Bình Dương khánh thành dự án đường và cầu kết nối hai địa phương với tổng vốn gần 370 tỷ đồng, dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch thuộc dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đã được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng... Mới đây, đường vành đai 4 cũng được TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Đồng Nai ký kết quy ước phối hợp triển khai thực hiện, phấn đấu trình các cấp thông qua để có thể khởi công vào tháng 4-2025.

Với vai trò là trung tâm của các tuyến giao thông kết nối, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện với trách nhiệm, quyết tâm cao nhất, báo cáo UBND thành phố về tình hình triển khai, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ trước ngày 5 hằng tháng. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Với dự án đường vành đai 3, thành phố đã cơ bản hoàn thành các nội dung triển khai theo đúng tiến độ, dự kiến khởi công tháng 6-2023 và đến năm 2026 là hoàn thiện. Thành phố đặt quyết tâm cao cho dự án này nhưng đang gặp khó khăn về vật liệu. Thành phố đề nghị các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp khảo sát nguồn vật liệu cung cấp cho dự án". 

 

Thúc đẩy mở rộng không gian phát triển

Tăng cường kết nối vùng ở lĩnh vực giao thông không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, có chiều sâu thì việc lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu cùng ngồi lại với nhau đã khẳng định quyết tâm đột phá của vùng. Nhiều dự án kết nối giao thông được lãnh đạo các địa phương thảo luận, đề xuất giải pháp cụ thể, trọng tâm vẫn là dự án vành đai 3, vành đai 4 đang được các tỉnh, thành phố tích cực chuẩn bị triển khai, nhằm mở rộng không gian phát triển công nghiệp, các cơ sở hạ tầng của vùng. Đây cũng là điểm nhấn trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23-11-2022 của Chính phủ (để thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW) của các địa phương trong vùng.

Theo đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Tỉnh sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường vành đai 3 và vành đai 4 đi qua địa bàn, tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước-Tân Vạn-Bàu Bàng kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế. Khi các dự án giao thông liên vùng được kết nối sẽ kéo giãn không gian phát triển, giúp Bình Dương dịch chuyển trọng tâm đô thị lên phía Bắc, dịch chuyển không gian công nghiệp, logistics sang phía Đông Bắc, đồng thời dịch chuyển luồng vận tải công nghiệp lên đường vành đai 4. Như vậy, trục chính giao thông từ Bình Dương sang TP Hồ Chí Minh chủ yếu dành cho vận tải hành khách và thương mại.

Với Đồng Nai, hiện tỉnh đồng ý phương án xây dựng 3 cầu kết nối với TP Hồ Chí Minh ở vị trí các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch. Tỉnh cũng chuẩn bị thực hiện đền bù giải tỏa tuyến đường vành đai 4 đoạn qua địa bàn và xác định việc xây dựng công trình này là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đồng chí Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Việc các địa phương trong vùng trao đổi, đẩy nhanh thực hiện các tuyến giao thông kết nối vùng cũng là cơ sở để Đồng Nai đưa vào quy hoạch phát triển tỉnh thời gian tới.

Các địa phương vùng Đông Nam Bộ cũng thống nhất kiến nghị Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ TP Hồ Chí Minh cũng như vùng nhằm hoàn thiện các kết nối đa phương thức, gồm: Đường bộ, đường thủy và đường sắt. Thông qua đó, mở rộng không gian phát triển về nguồn nhân lực, dịch vụ thương mại, khoa học-công nghệ, hướng tới phát triển các đô thị vệ tinh cho vùng. Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị, đối với các đề án, dự án của từng tỉnh, thành phố có tác động đến phát triển vùng thì các địa phương cần trao đổi, xin ý kiến lẫn nhau. Ngoài ra, có thể nghiên cứu thành lập quỹ phát triển giao thông vùng và các địa phương sẽ họp chung thường xuyên nhằm nắm bắt tình hình, thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối hiệu quả.

HỒNG GIANG



Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available