Kỳ II: Đưa cán bộ công nghệ “cắm chốt” phổ cập kỹ năng số
Với 1,9 triệu người dân, trong đó 1,1 triệu người ở độ tuổi lao động; 600 nghìn hộ gia đình và gần 10 nghìn doanh nghiệp, tỉnh ta có tiềm năng về nguồn lực con người để chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số. Để mỗi người dân là một công dân số và một địa chỉ số, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương đưa cán bộ công nghệ “cắm chốt” tại cơ sở hỗ trợ phổ cập kỹ năng số cho cộng đồng.
Nhân viên Tập đoàn viễn thông Viettel hướng dẫn tiểu thương chợ Rồng (thành phố Nam Định) thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt . |
Để tổ chức triển khai CĐS một cách bài bản, vững chắc, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã phân loại đối tượng cần tập trung chuyển đổi nhận thức, thống nhất từ tư duy đến hành động. Trong đó, đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ TT và TT tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về CĐS thông qua 10 hội nghị chuyên đề về CĐS, gồm: phát triển đô thị thông minh; phát triển thương mại điện tử; CĐS cho các doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường. Đối với cấp cơ sở, Sở TT và TT đã phối hợp đưa cán bộ công nghệ về 226 xã, phường, thị trấn để phổ cập kỹ năng số theo hướng “cầm tay chỉ việc” giúp cán bộ, công chức địa phương chủ động tham gia vào quá trình CĐS và lan toả kiến thức, kỹ năng đến đông đảo người dân. Trong đó tập trung phổ cập các kỹ năng sử dụng Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh như: đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính, tra cứu nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Việc hướng dẫn được thực hiện trực tiếp trên thiết bị, không “dạy chay” hay chỉ truyền thụ lý thuyết. Trong quá trình thao tác, cán bộ cơ sở gặp khó ở đâu sẽ được hướng dẫn gỡ ngay ở đó cho đến khi sử dụng thành thục. Ngoài ra, cán bộ cơ sở được hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, nền tảng số Việt Nam để thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu tìm hiểu thông tin, kinh doanh và giao dịch qua sàn thương mại điện tử… thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển.
Đồng chí Vũ Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm CĐS và Truyền thông (Sở TT và TT) cho biết: Để thúc đẩy người dân tích cực tham gia CĐS, tỉnh đã thành lập 2.160 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 16 nghìn thành viên nòng cốt là lực lượng thanh niên ngay tại địa bàn dân cư, làm cầu nối giữa chính quyền địa phương với người dân, thực hiện nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kịp thời thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách về CĐS và trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến… Qua đó giúp người dân tích cực tham gia CĐS trong từng lĩnh vực của đời sống, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số đến thôn, xóm, khu phố. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng các kênh truyền thông “Công dân số Nam Định”, “Chính quyền số Nam Định” và hỗ trợ hơn 8.900 thành viên của các tổ công nghệ số cộng đồng tham gia kênh Zalo OA “CĐS quốc gia” nắm bắt kịp thời chủ trương, định hướng, thông tin về hoạt động CĐS quốc gia để lan toả sâu rộng thông tin đến cộng đồng dân cư. Cùng với các ngành chức năng, khối các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng, dịch vụ logistics tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia CĐS và “chạy đua” đưa ứng dụng dịch vụ số, thanh toán số, thương mại điện tử đến với các tiểu thương, cộng đồng dân cư.
Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn phổ biến kỹ năng số cho nhân dân thành phố Nam Định. |
Trong năm 2023, Sở TT và TT tiếp tục thực hiện kế hoạch tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về CĐS của tỉnh cho khoảng 20 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs); phổ biến kiến thức, kỹ năng chuyển đổi, sử dụng dữ liệu số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động qua các hội nghị chuyên đề cho từng lĩnh vực công tác như: Tư pháp, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Lao động… Đồng thời cử cán bộ trực tiếp đến các xã, thị trấn tập huấn kiến thức, kỹ năng số cho tất cả người dân có nhu cầu ở khu vực nông thôn toàn tỉnh để ứng dụng vào cuộc sống sinh hoạt và công việc hàng ngày. Trong đó, ưu tiên người dân trong độ tuổi lao động và cán bộ của các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ hợp tác xã, cán bộ không chuyên trách thôn, xóm, thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng… tại các xã, thị trấn đang xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Nội dung tập huấn cụ thể như: Việc sử dụng Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; kỹ năng lập tài khoản và sử dụng sàn thương mại điện tử; kỹ năng sử dụng các ứng dụng ngân hàng số Mobile Banking, thanh toán trực tuyến; kỹ năng sử dụng các ứng dụng và nền tảng số (Nền tảng địa chỉ số quốc gia; Ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa); kiến thức về an toàn thông tin mạng và tự bảo vệ an toàn thông tin mạng cho cá nhân; nhận diện một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Đây là cơ sở để hỗ trợ người dân chủ động tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và sớm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cũng như các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực TT và TT trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Đánh giá về thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực số của tỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Cục CĐS quốc gia (Bộ TT và TT) Đỗ Ngọc Vĩnh nhận xét: “Từ cách làm cầm tay chỉ việc cho cán bộ, công chức; huy động hàng nghìn người dân tham gia lực lượng nòng cốt CĐS để lan tỏa việc ứng dụng các nền tảng số do chính quyền và doanh nghiệp cung cấp của tỉnh Nam Định đã tạo nên một xã hội học tập hiếm gặp về CĐS từ trước đến nay. Con số về tổng lượng người giữ vai trò lan toả và học tập kỹ năng sử dụng các ứng dụng và nền tảng số của tỉnh rất ấn tượng, lớn hơn nhiều lần so với một số địa phương khác trong khu vực; thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm tham gia CĐS của mỗi cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn tỉnh”.
Nhờ đó đã tạo chuyển biến lớn trong quá trình CĐS, các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, CĐS của tỉnh đều đạt và vượt so với yêu cầu của Trung ương và địa phương. Chỉ số xếp hạng CĐS của tỉnh 2 năm liên tiếp (2020, 2021) được Bộ TT và TT xếp hạng thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Nhiều chỉ số thành phần năm 2021 tăng vượt bậc so với năm trước; trong đó 3 trụ cột “chính quyền số” xếp thứ 5, “xã hội số” xếp thứ 4 và “kinh tế số” xếp thứ 8 trên toàn quốc. Doanh thu thương mại điện tử ước đạt 100 tỷ đồng (theo doanh thu của bưu chính và chuyển phát). Các sàn thương mại điện tử của tỉnh có 254 gian hàng với 2.068 sản phẩm được trưng bày, trao đổi mua bán. Toàn tỉnh có trên 3.300 doanh nghiệp sử dụng nền tảng số; gần 5.389 doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử. Kết quả này cho thấy, dù mới ở bước đầu của quá trình CĐS, thời gian triển khai chưa dài nhưng tỉnh ta đã đi đúng hướng, lựa chọn đúng điểm đột phá, tạo cơ sở, nền tảng phát triển nhanh, bền vững.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Nguyễn Hương