Ông Tôn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng CCHC, Văn phòng UBND tỉnh, phấn khởi: “Xác định công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là khâu đột phá then chốt để thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; năm 2022, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt. Ðặc biệt, trên cơ sở quán triệt sâu sắc nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức”, tỉnh đã nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp, mô hình mới, góp phần cải thiện đáng kể chỉ số CCHC”.
5/8 lĩnh vực cải thiện đáng kể
Theo kết quả công bố của Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ, Chỉ số CCHC tỉnh Cà Mau năm 2022 đạt 85,73%, xếp hạng 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 0,15%, tăng 16 bậc so với năm 2021); xếp thứ 5 khu vực ÐBSCL (tăng 2 bậc so với năm 2021).
Trong 8 lĩnh vực thuộc tiêu chí chấm điểm của Chỉ số CCHC năm 2022, lĩnh vực “Tác động của CCHC đến sự hài lòng của người dân và phát triển kinh tế – xã hội” có vị trí xếp hạng được cải thiện nhiều nhất, xếp hạng 14/63 (tăng 25 bậc so với năm 2021). |
Trong 8 lĩnh vực thuộc tiêu chí chấm điểm của Chỉ số CCHC năm 2022, tỉnh Cà Mau có 5 lĩnh vực tăng chỉ số và tăng vị trí xếp hạng, gồm Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách tổ chức bộ máy; Tác động của CCHC đến sự hài lòng của người dân và phát triển kinh tế – xã hội. Có 1 lĩnh vực giảm chỉ số nhưng tăng vị trí xếp hạng, đó là Cải cách chế độ công vụ; 2 lĩnh vực vừa giảm chỉ số vừa giảm vị trí xếp hạng, gồm Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Xét theo tiêu chí, tiêu chí thành phần, tỉnh có 53 tiêu chí, tiêu chí thành phần đạt điểm tối đa; 47 tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt điểm tối đa; 2 tiêu chí, tiêu chí thành phần bị điểm 0 (năm 2021 có 6 tiêu chí bị điểm 0).
Nhìn vào kết quả cho thấy, trong 5 lĩnh vực tăng chỉ số và vị trí xếp hạng, ấn tượng nhất là sự cải thiện của Chỉ số cải cách TTHC. Với số điểm đạt được gần như tuyệt đối (12,9966/13 điểm), chỉ số Cải cách TTHC của tỉnh có vị trí xếp hạng dẫn đầu cả nước. Ðây là kết quả đáng tự hào của tỉnh, cho thấy sự thuận lợi nhất của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC.
Nhiều sáng kiến, giải pháp mới CCHC
Cùng với đó, góp phần quan trọng cho sự tăng vượt bậc của Chỉ số CCHC tỉnh, đó chính là lĩnh vực “Tác động của CCHC đến sự hài lòng của người dân và phát triển kinh tế – xã hội”, có vị trí xếp hạng được cải thiện nhiều nhất, xếp hạng 14/63 (tăng 25 bậc so với năm 2021). Theo đó, “Công tác chỉ đạo, điều hành” xếp hạng 13/63, tăng 6 bậc; “Cải cách chế độ công vụ” xếp hạng 30/63, tăng 26 bậc (tuy nhiên điểm số đạt được của lĩnh vực này lại giảm so với năm 2021); “Cải cách thể chế” xếp hạng 29/63, tăng 1 bậc.
Năm 2022, kinh tế của tỉnh cơ bản phục hồi, đa số các tiêu chí về tác động của CCHC đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đã được cải thiện. |
Theo ông Tôn Hữu Nghĩa, để đạt được những kết quả đó chính là do sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành CCHC. Việc đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố vẫn được duy trì; định kỳ tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành để đánh giá kết quả thực hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, các văn bản, chỉ đạo của Trung ương về công tác CCHC được tỉnh triển khai thực hiện kịp thời. Công tác kiểm tra, tuyên truyền và chế độ thông tin, báo cáo bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định.
Ðặc biệt, trong năm 2022, nhiều giải pháp, sáng kiến mới trong CCHC đã được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua kết quả chấm điểm cũng cho thấy, đối với tiêu chí về “Sáng kiến, giải pháp mới trong CCHC”, Cà Mau đã đạt điểm tuyệt đối 2/2 điểm. Trong đó, nổi bật có sáng kiến triển khai tiếp nhận giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Theo đó, người dân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nộp TTHC tại bộ phận một cửa của huyện, thành phố hoặc tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh.
Áp dụng Hệ thống quét mã QR trên căn cước công dân và nhận diện khuôn mặt tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh cũng là một trong những sáng kiến đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Với hệ thống này, người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch tại bộ phận một cửa không cần phải khai báo thông tin, chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân quét mã QR ở lần giao dịch thứ nhất, sau đó sẽ được hệ thống kết nối thông tin từ dữ liệu căn cước công dân và quét nhận diện khuôn mặt để lưu thông tin.
“Áp dụng Hệ thống quét mã QR trên căn cước công dân và nhận diện khuôn mặt tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh” là một trong những sáng kiến đem lại nhiều hiệu quả tích cực cải thiện Chỉ số CCHC tỉnh.
Ðồng thời, việc triển khai thực hiện công khai TTHC bằng hình thức điện tử dưới dạng mã QR (QR Code) thay cho hình thức niêm yết bằng giấy trên bảng tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh và bộ phận một cửa các cấp cũng đem đến nhiều cải thiện tích cực cho Chỉ số CCHC tỉnh năm 2022.
Song, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số mục tiêu, nhiệm vụ tỉnh thực hiện chưa đạt; nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần không được cải thiện về điểm số. “Trong thời gian tới, Phòng CCHC tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu các giải pháp để phát huy kết quả đạt được, như công bố, công khai kịp thời TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh; thực hiện tốt việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông; giải quyết kịp thời, đúng quy định các phản ánh, kiến nghị của người dân về TTHC… Ðồng thời, khắc phục hạn chế về trường hợp hồ sơ giải quyết trễ hạn, góp phần giữ vững và tăng bậc xếp hạng Chỉ số CCHC tỉnh năm 2023”, ông Tôn Hữu Nghĩa nhấn mạnh./.
Hồng Nhung