Cập nhật ngày: 23/01/2025 05:15:23
ĐTO – Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp và chính quyền tỉnh Prey Veng long trọng tổ chức Lễ công bố khai trương cặp Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Thường Phước (tỉnh Đồng Tháp, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) – Kaoh Roka (tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia). Điều này nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nhanh và bền vững, tăng cường giới thiệu quảng bá tiềm năng, kêu gọi đầu tư vào tỉnh, tăng cường hoạt động công tác đối ngoại…
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 3 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm OCOP với đại biểu tỉnh Prey Veng (Campuchia) nhân Lễ công bố khai trương cặp Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Thường Phước – Kaoh Roka
Nhiều cơ hội giao thương hàng hóa
Tỉnh Đồng Tháp có đường biên giới dài hơn 50km tiếp giáp với tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia, với 7 cửa khẩu. Trong đó, Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước có vị trí đặc biệt, có cả 2 loại hình biên giới đường sông và đường bộ. Khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Thường Phước có vị trí địa lý thuận lợi, trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long; hướng Bắc giáp với xã Kaoh Roka, tỉnh Prey Veng (Campuchia); phía Nam giáp với Khu kinh tế Cửa khẩu Thường Phước, phía Đông giáp với đường tỉnh lộ ĐT 841. Thời gian qua, Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước chỉ thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh cho người, phương tiện, hàng hóa của nước thứ ba qua lại cửa khẩu đường sông, đảm bảo cho công tác đăng ký, kiểm tra, kiểm soát việc qua lại cửa khẩu bằng đường sông và đường bộ.
Trong giai đoạn 2022 – 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới giữa 2 tỉnh Đồng Tháp – Prey Veng đạt trên 1,4 tỷ USD, giá trị xuất nhập khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong đó, các mặt hàng xuất nhập khẩu thường xuyên qua cửa khẩu gồm: cá điêu hồng, cá trê, cá lóc, bánh phồng tôm, máy móc dùng trong nông nghiệp, gạo, thức ăn chăn nuôi, hàng may mặc, giày dép, phân bón, tro bay, phụ tùng ô tô, bao bì, điện năng, hàng bách hóa tổng hợp…
Ngài Suon Somalin – Tỉnh trưởng tỉnh Prey Veng, cho rằng: “Việc Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) – Kaoh Roka, tỉnh Prey Veng (Campuchia) thông thương góp phần vào sự phát triển của mạng lưới thông tin liên lạc giữa 2 nước. Đồng thời, phát triển của cơ sở hạ tầng kiểm soát xuất, nhập cảnh khu vực biên giới đã thực sự góp phần tăng trưởng thương mại, đầu tư và vận chuyển hàng hóa qua lại, làm tăng lưu lượng khách du lịch giữa 2 nước, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa nông sản, tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa người dân khu vực biên giới 2 nước phù hợp với quan điểm, chủ trương, cam kết của lãnh đạo và Nhân dân 2 nước…”.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Việc mở Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Thường Phước – Kaoh Roka là tiền đề quan trọng để 2 bên tiến hành quy hoạch, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nghiên cứu các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, thúc đẩy hợp tác, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, kinh tế biên mậu; thu hút cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Campuchia và các quốc gia trong khu vực tìm kiếm cơ hội đầu tư trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và sự phát triển thịnh vượng của 2 tỉnh Đồng Tháp – Prey Veng nói riêng. Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, mở ra cơ hội cho địa phương trong giai đoạn phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu
Trong quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có định hướng nâng cấp khu vực Cửa khẩu Thường Phước là Cửa khẩu Quốc tế tạo động lực quan trọng trong phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp (bao gồm: TP Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng). Về quy hoạch phân khu xây dựng Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước theo tiêu chí đô thị loại V, với diện tích quy hoạch là 132,5ha, bao gồm các khu chức năng chính như: khu hành chính cửa khẩu; khu thương mại dịch vụ, các công trình công cộng; khu kho, bến bãi; khu dịch vụ kho logictics, sản xuất công nghiệp, cảng; khu y tế; khu giáo dục; khu dịch vụ công cộng đô thị, khu văn hóa, thể dục thể thao và công viên cây xanh…
Để hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật Cửa khẩu Thường Phước đáp ứng các tiêu chuẩn hạ tầng và đầy đủ chức năng của Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông, năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án hạ tầng Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và Cửa khẩu Mộc Rá.
Báo cáo phương án quy hoạch tổng thể khu vực mở Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Thường Phước đã xác định phạm vi khu vực cửa khẩu là 82,49ha, bố trí đầy đủ các khu chức năng theo quy định, đáp ứng tiêu chí về diện tích xây dựng khu vực cửa khẩu theo Nghị định số 34/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Hệ thống điện, nước, viễn thông đều được đáp ứng đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho nhu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tại cửa khẩu. Bộ máy nhân lực vận hành cửa khẩu được kiện toàn về tổ chức biên chế, được bố trí đầy đủ các trang thiết bị chuyên ngành, dây chuyền kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu theo quy định.
Về hoạt động liên vận đường bộ qua biên giới đối với cặp Cửa khẩu Thường Phước – Kaoh Roka, mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, bổ sung cặp Cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) – Kaoh Roka (Prey Veng) vào Thông tư để cho phép hoạt động vận tải liên vận qua biên giới giữa Việt Nam – Campuchia và Việt Nam – Lào – Campuchia; đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời bổ sung cặp Cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) – Kaoh Roka (Prey Veng) vào Bản ghi nhớ vận tải đường bộ giữa 3 nước: Campuchia – Lào – Việt Nam để thực hiện liên vận qua 3 nước.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Sau lễ công bố này, tôi đề nghị các ngành chức năng của tỉnh Đồng Tháp phải có những hành động cụ thể, thiết thực, khẩn trương để tập trung các nguồn lực hỗ trợ phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc biệt để kêu gọi đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu.
Đồng chí Nguyễn Minh Vũ – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, cho biết: “Trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan, địa phương của 2 nước quan tâm hơn tới việc đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trong vùng biên giới và các cửa khẩu biên giới, trong đó có cặp Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước – Kaoh Roca, nhằm tạo tiền đề vật chất cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch giữa 2 nước. Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, quyết tâm duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, thêm vào đó là những điều kiện thuận lợi về kinh nghiệm hợp tác, sự gần gũi về địa lý, tôi tin tưởng rằng quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, xã hội, du lịch giữa 2 tỉnh Đồng Tháp – Prey Veng nói riêng và quan hệ hai nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Nhân dân 2 nước Việt Nam và Campuchia…”.
Khánh Phan
Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/tiem-nang-co-hoi-cho-2-tinh-dong-thap-prey-veng-giao-thuong-hang-hoa-128795.aspx