Lời khẳng định về “con đường thiêng”
Theo BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, từ đầu tháng 3 đến nay, BQL đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ với tổng diện tích 220 m2 tại khu vực phía Đông tháp K. Đợt công tác đã mở tổng diện tích 200 m2 khai quật, được thiết kế thành 2 hố liền kề, mỗi hố có diện tích 100 m2 và mở 4 hố thăm dò, tổng diện tích 20 m2.
Trong các hố khai quật và thăm dò đã làm xuất lộ rõ cấu trúc của một đoạn kiến trúc đường dẫn phía Đông tháp K. Con đường dẫn từ phía Đông tháp K hướng vào các khu tháp E – F ở sâu bên trong thung lũng Mỹ Sơn. Tường bao được xây dựng bằng cách xây/xếp gạch thành hàng đôi ở hai bên, giữa nhồi thêm gạch vỡ. Các chuyên gia nhận định có thể bức tường này không xây cao mà chỉ như một bức tường phân chia giới hạn không gian phía trong và ngoài con đường trong cùng một không gian thiêng của di tích. Di vật phát hiện từ đợt công tác không nhiều nhưng qua một số hiện vật gốm men và đất nung có thể thấy chúng nằm trong khoảng niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XII trong trật tự địa tầng ổn định.
TS Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học – người chủ trì dự án, cho biết kết quả thăm dò, khai quật đợt này khẳng định có một con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đi vào khu trung tâm thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ XII, mà lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ – lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến.
Con đường này kéo dài trên một khoảng không gian trên 500 m, khởi đầu từ tháp K hướng đến khu vực sân trước khu tháp F. Qua kết quả thăm dò, khai quật trong hai năm 2023-2024 đã có thể xác định chắc chắn cấu trúc của con đường từ tháp K đến khu suối cạn ở về phía Đông – cách tháp K khoảng 150 m.
“Sau kết quả thăm dò năm 2023, nhóm nghiên cứu đã xác định con đường này có nhiều chức năng, một là “Thần đạo” – đường đi của các vị thần Ấn Độ giáo hoặc “Con đường Hoàng gia” – con đường dành cho các vị vua chúa và tăng lữ Chămpa đi vào thánh địa Mỹ Sơn cúng tế các vị thần của họ. Đây là con đường thiêng – con đường dẫn thần linh, vua chúa và tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng thánh địa Mỹ Sơn” – TS Nguyễn Ngọc Quý khẳng định.
Đề xuất tiếp tục khai quật khảo cổ học
TS Lê Đình Phụng, Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhìn nhận đây là lần đầu tiên giới khảo cổ trong nước biết đến một “con đường thần linh” của người Chăm xưa đi vào hành lễ tại Mỹ Sơn.
Phát hiện này cực kỳ quan trọng, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của Mỹ Sơn với hàng loạt kiến trúc được xây dựng sau thế kỷ X như nhóm tháp K, H, G hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ như E4. “Giá trị lịch sử của con đường cho thấy Mỹ Sơn luôn đóng vai trò vị trí tâm linh, là nơi hội tụ thần linh của người Chăm trong suốt chiều dài lịch sử ” – TS Lê Đình Phụng phân tích.
TS Nguyễn Ngọc Quý cho hay từ kết quả nghiên cứu trong hai mùa điền dã 2023-2024, đã đặt ra một số vấn đề khoa học cần được tiếp tục giải quyết. Thứ nhất, cần làm rõ quy mô, cấu trúc và diện mạo của toàn bộ “con đường thiêng” trong bối cảnh tổng thể khu di tích Mỹ Sơn. Thứ hai, cần làm rõ có hay không từng tồn tại một khu tháp canh trấn giữ phía trước mặt thánh địa Mỹ Sơn. Thứ ba, có hay không khả năng tìm thấy dấu tích của một con đường dẫn vào thánh địa Mỹ Sơn trước thế kỷ XII? Ông Quý đề xuất BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn trình UBND huyện Duy Xuyên và các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Khai quật nghiên cứu khảo cổ học kiến trúc đường dẫn vào thánh địa Mỹ Sơn” dự kiến thực hiện trong giai đoạn năm 2025-2026.
PGS-TS Ngô Văn Doanh, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, chia sẻ việc phát hiện con đường thần linh rất quan trọng, nên cần tiếp tục nghiên cứu đến tận cùng trước khi bảo tồn nguyên gốc, nguyên trạng phế tích này.
Ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc phụ trách BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho rằng việc nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc đường đi ở khu vực quanh tháp K nhằm làm hiện rõ con đường thiêng dẫn vào thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa là một việc làm rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần giúp BQL phát huy tốt hơn giá trị lịch sử văn hóa di tích; tổ chức đưa đón du khách theo đúng con đường di sản người Chăm đã để lại, giúp du khách có cái nhìn rõ ràng hơn về Thánh địa Mỹ Sơn và văn hóa Chămpa trong lịch sử.
Phát hiện “đường thiêng” ở nhiều di tích
Theo TS Nguyễn Ngọc Quý, dấu tích của con đường thiêng hay con đường hành lễ liên quan đến các nghi lễ Ấn Độ giáo đã được các nhà khảo cổ phát hiện ở một số địa điểm có tính chất tương tự Khu đền tháp Mỹ Sơn. Năm 2015, tại Gò Tháp Mười (Đồng Tháp) đã phát hiện một đoạn đường lớn chạy dài theo hướng Đông Tây, có 2 bờ gạch giật cấp kè bên ngoài, bên trong nện nhiều lớp đất khác nhau làm thành nền cứng. Tại Gò Sáu Thuận (An Giang) phát hiện con đường hành lễ rộng 8,85 m, với 3 làn đường. Tại khu di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), những người khai quật năm 2022-2023 đã thông tin về việc phát hiện một con đường rộng 8,85 m có cấu trúc tương tự con đường phát hiện ở Mỹ Sơn…
Nguồn: https://nld.com.vn/thanh-dia-my-son-va-nhung-phat-hien-khao-co-ly-thu-196240409213149106.htm